|
Ngày 16/6, 57 cá nhân, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đã ủng hộ hơn 21 tỷ đồng mua vắc xin |
Đã qua hơn 10 đợt tiếp nhận và tấm lòng của mọi tầng lớp nhân dân TP vẫn tiếp tục hội tụ và lan tỏa tạo nên sức mạnh cộng đồng vững chắc cùng nhau vượt qua đại dịch.
Mỗi người là một viên gạch…
|
Cô Võ Thị Ngọc Tuyết ủng hộ 200 triệu đồng tiền tiết kiệm để mua vắc xin |
“Tối qua, xem thời sự thì biết Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý để TPHCM chủ động việc mua vắc xin chích ngừa cho bà con nên gia đình tôi cùng bàn và thống nhất rút 200 triệu đồng tiền tiết kiệm ủng hộ Quỹ mua vắc xin của TP”, cô Võ Thị Ngọc Tuyết (phường 2, quận 6) chia sẻ. Cô Tuyết cho biết các thành viên trong gia đình đều ý thức ủng hộ công cuộc phòng, chống dịch của TP, mong muốn cuộc sống sớm trở lại bình thường. “Dịch bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống mọi người, cả kinh tế lẫn tinh thần. Tôi không muốn thấy cảnh những em bé mới 3 tuổi thôi đã phải vào khu cách ly, cũng như những em bé òa khóc khi thấy mẹ là bác sĩ ở tuyến đầu qua màn hình tivi. Thành ra mỗi một người dân cần phải ý thức mình là viên gạch nhỏ để xây bức tường lớn bảo vệ cộng đồng của mình, bảo vệ đất nước mình…”, cô Võ Thị Ngọc Tuyết nói.
|
Phó Ban liên lạc truyền thống Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh TPHCM trao 50 triệu đồng tiền mặt cho Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM |
Mang 50 triệu đồng tiền mặt và hàng nhu yếu phẩm (trị giá 12,8 triệu đồng) đến ủng hộ mua vắc xin và công tác phòng, chống dịch COVID-19, những con người đã dành trọn tuổi thanh xuân trên tuyến đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh năm xưa nay đều đã tóc bạc da mồi vẫn mong muốn phát huy tinh thần người lính Trường Sơn góp sức cùng TP và cả nước chống dịch. Cô Vũ Thúy Hòa, Phó Ban liên lạc truyền thống Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh TPHCM, cho biết từ đợt bùng dịch năm 2020, mỗi người từ cơ sở đã tích cực tham gia phòng, chống dịch cùng địa phương, liên tiếp tổ chức vận động, quyên góp hỗ trợ các đồng đội gặp khó khăn, đồng thời ủng hộ Hội Cựu chiến binh, Ủy ban MTTQ TPHCM và cả trung ương các nguồn lực có thể cho công tác phòng, chống dịch, xem đây là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc như những năm tháng chiến đấu ngày nào. “Chống dịch như chống giặc. Cùng đoàn kết chúng ta sẽ lại chiến thắng, sớm đưa đời sống mọi người trở lại ổn định và phát triển”, cô Vũ Thúy Hòa bộc bạch.
|
Chuẩn bị các phần ăn sáng tiếp sức cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM |
Trước đó, ngay khi hay tin phong tỏa Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM do xuất hiện ca dương tính COVID-19, chỉ trong thời gian ngắn, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã huy động được 500 phần ăn sáng hàng ngày cho đội ngũ y bác sĩ đang cách ly tại bệnh viện trong 15 ngày. Bà Dương Thị Huyền Trâm, Trưởng ban Phong trào Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, cho biết đây là một bệnh viện tuyến đầu, có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống và chữa trị bệnh COVID-19, nhận được lời kêu gọi, cộng đồng các tổ chức, doanh nghiệp đã đáp ứng ngay. “Có thể nói, trong giai đoạn giãn cách xã hội hiện nay thì các doanh nghiệp, thương nhân là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng họ cũng là những người ý thức rất cao trong việc phải đoàn kết, chung tay vượt qua đại dịch mới có thể khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế. Nhiều doanh nghiệp từ lớn tới nhỏ đã kêu gọi lẫn nhau cùng đồng hành với TP trong công tác, phòng chống dịch, đặc biệt là ủng hộ kinh phí mua vắc xin rất nhiều”, bà Huyền Trâm cho biết.
Trân trọng những tấm lòng
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu nhiều lần bày tỏ sự xúc động trước nghĩa tình của nhân dân TPHCM đồng hành cùng chính quyền cho công cuộc phòng, chống dịch. Từ tháng 3/2020, qua sự kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, gần 2.300 tỷ đồng tiền mặt và hàng hóa đã liên tục được chuyển về Ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM, kịp thời hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch, phục vụ công tác phòng, chống dịch và chuẩn bị sẵn nguồn lực mua vắc xin.
|
Những bữa cơm nghĩa tình của nhân dân quận 11 dành cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 |
Theo bà Tô Thị Bích Châu, một điều rất cảm động và cũng là nguồn cội sức mạnh dân tộc chính là toàn bộ lực lượng cùng chăm lo cho mọi người: “Không riêng gì hệ thống MTTQ mà Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động, Hội Cựu chiến binh… đều vào cuộc chủ động quan tâm, chăm lo các đối tượng của mình và nhân dân với quan điểm không để người dân nào phải rơi vào cảnh cùng cực vì ảnh hưởng của đại dịch này. Chúng tôi phân bố các nguồn lực, nhất là lương thực thực phẩm phù hợp cho từng địa bàn, với những nơi dân đông, nhiều dân nhập cư và người lao động không thuộc đối tượng hỗ trợ từ nguồn ngân sách thì nhanh chóng bố trí hỗ trợ từ Quỹ phòng, chống dịch do các nhà hảo tâm đóng góp…”.
Bà Tô Thị Bích Châu cũng đánh giá cao sự chủ động, sáng tạo của cộng đồng khi chính các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã chủ động đề xuất ủng hộ kinh phí mua vắc xin hay mỗi người, mỗi tổ chức, đơn vị tùy theo năng lực mà dùng tài lực, vật lực hoặc chính công sức của bản thân để hỗ trợ công cuộc phòng, chống dịch và qua đó lan tỏa đến mọi nhà.
|
"Gian hàng 0 đồng" do Ủy ban MTTQ và các đoàn thể phường 3, quận 8 với sự đồng hành của Đại đức Thích Trung Minh, Phó Ban Bảo trợ Hội Chữ thập đỏ quận 8 - Trụ trì Thiền viện Hải Đức, tổ chức |
“Không chỉ năm 2021 này mà từ năm 2020, trong gian khó càng nổi bật sự nghĩa tình của nhân dân TP qua những “gian hàng 0 đồng”, “siêu thị 0 đồng”, rồi mô hình “đi chợ giúp dân”, chia sẻ những bữa ăn nghĩa tình, bữa cơm nghĩa tình thì quận huyện nào cũng làm. Từng khu phố, tổ dân phố vận động lẫn nhau, vận động những nhà có điều kiện chia sẻ cùng những hoàn cảnh khó khăn, những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Mỗi người một việc chung tay để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả cao nhất…”, bà Dương Thị Huyền Trâm cho biết.
|
MTTQ phường Long Phước, TP. Thủ Đức tiếp nhận 60 triệu đồng từ ông Nguyễn Ngọc Kha ủng hộ kinh phí mua vắc xin phòng, chống dịch bệnh COVID-19 từ nguồn bán 2 cây kiểng của gia đình |
Trân trọng những tấm lòng của các tầng lớp nhân dân TP, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu cho biết nhiệm vụ của Ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM là phải sử dụng nguồn quỹ thật hiệu quả, phải công khai, minh bạch mọi nguồn - thu chi cho nhân dân nắm bắt và giám sát. “Hiện nay, TP đang xây dựng quy chế để có cách tiếp cận nguồn vắc xin sớm nhất để về đến TP thì sẽ có quy chế để phân bổ chích ngừa cho đối tượng cần ưu tiên. Thứ nhất là 11 đối tượng đã được ưu tiên, còn lại là các đối tượng mà trong thực tiễn chúng ta thấy cần bổ sung, như: công nhân lao động để các doanh nghiệp an tâm hồi phục sản xuất, các đối tượng dễ bị tổn thương, dễ bị lây nhiễm khác…”, bà Tô Thị Bích Châu cho biết.
|
Phường 4, quận 10 hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho tỉnh Bắc Giang |
Tam Bình