Lan tỏa phong trào “nói không với dạy chay, học chay”

10/11/2022 - 05:56

PNO - Tình trạng dạy chay, học chay đã ở mức báo động, đến mức rất nhiều thí sinh tham dự vòng thi tháng của Đường lên đỉnh Olympia chịu bó tay trước những câu hỏi thực hành. Trước thực tế đó, ngành giáo dục cả nước đang dần lan tỏa phong trào “nói không với dạy chay, học chay”.

Từ bốn tầng nhà cho thực hành vật lý…

Ngôi nhà của thầy Mai Văn Túc (giáo viên vật lý, Trường THPT Chuyên thuộc Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) có năm tầng, thì bốn tầng dành cho Trung tâm Thí nghiệm vật lý Edison với rất nhiều máy móc, thiết bị, dụng cụ. Không ít trong số đó là kết quả của mấy chục năm nghiên cứu - giảng dạy - thực hành của thầy.

Giờ học thực hành của học sinh Ninh Bình ở một trung tâm giáo dục - ẢNH: N.M.T
Giờ học thực hành của học sinh Ninh Bình ở một trung tâm giáo dục - ẢNH: N.M.T

Câu chuyện bán cả ngàn món đồ cổ để xây dựng trung tâm thí nghiệm vật lý của thầy Mai Văn Túc bắt đầu từ khi người con lớn của thầy học môn vật lý ở trường THCS (thuộc H.Nho Quan, tỉnh Ninh Bình). Bấy giờ, thầy Túc đang là kỹ sư vô tuyến điện. Kiểm tra kiến thức học được của con, thầy nhận thấy đó chỉ là những hiểu biết ngô nghê, không đúng bản chất. Điều đó khiến thầy quyết định bỏ công việc tự do để gắn đời mình vào bục giảng. Đến khi đưa con nhập học Trường THPT Chuyên, thầy được đề nghị “thử việc” ngay tại phòng thí nghiệm của trường. Và thầy trở thành giáo viên vật lý, chuyên sâu thực hành, thí nghiệm của Trường THPT Chuyên từ ngày đó.

Đón học trò từ khắp các địa phương về nhập học, thầy Túc càng thấy rõ thực tế dạy chay, học chay. Thầy quyết định phải làm điều gì đó để ít nhiều tác động, làm thay đổi thực tế này. Và Trung tâm Thí nghiệm vật lý Edison ra đời. Ban đầu, chỉ thầy Túc và một đồng nghiệp “dốc sạch vốn liếng”; dần dần, nhìn thấy hiệu quả từ “học đi đôi với hành”, rất nhiều giáo viên và cả phụ huynh đã chung tay góp sức. Kết quả là năm phòng thí nghiệm được hoàn thành. 

Thầy Túc cho biết, việc dạy - học nặng lý thuyết, nhẹ thực hành diễn ra suốt từ bậc phổ thông lên đại học. Các trường sư phạm cũng rất ít dạy thí nghiệm nên khi ra trường, đi dạy, chính các thầy cô cũng không thạo thực hành. Do đó, thầy Túc và những giáo viên tâm huyết đã xây dựng để trung tâm có thể thực hiện từ thí nghiệm cơ bản đến nghiên cứu khoa học.

Lê Nhật Minh đạt điểm số cao nhất cả nước trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn vật lý (năm 2017). Khi theo học tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Minh đã có quãng thời gian vừa nghiên cứu vừa học tập thêm tại Trung tâm Thí nghiệm vật lý Edison. Từ khi Minh là sinh viên năm nhất, thầy Túc đã kỳ vọng: “Với kiến thức, kỹ năng có được, em sẽ đủ tầm để cống hiến cho giáo dục nước nhà một cách tốt nhất”. Minh vừa tốt nghiệp đại học và đang bắt đầu mang tinh thần “học đi đôi với hành” đến các lớp học do anh tổ chức.

… Đến các phòng thí nghiệm học đường

Cùng với chủ trương đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả theo hướng đánh giá năng lực của người học; kết hợp đánh giá cả quá trình với đánh giá cuối kỳ học, cuối năm học theo mô hình của các nước có nền giáo dục phát triển của Bộ Giáo dục và Đào tạo, “nói không với dạy chay, học chay” đã bước đầu lan tỏa.

Ở Hải Phòng, cô Nguyễn Thị Hồng Vân (giáo viên Trường THPT Năng khiếu Trần Phú) đã xây dựng câu lạc bộ hóa sinh thực hành. Trường THCS Lê Hoàng Chiếu (thị trấn Bình Đại, H.Bình Đại, tỉnh Bến Tre) cũng đã nỗ lực để phòng thí nghiệm thực sự là phòng thí nghiệm. Có hôm, thầy Nguyễn Trung Hiếu - giáo viên vật lý - đã bỏ năm giờ đồng hồ để soạn dụng cụ thí nghiệm cho học sinh. Để đạt hiệu quả cao nhất, trường đã trang bị đủ để mỗi học sinh được thực hành trên một bộ thí nghiệm. 

Ở TP.Thái Bình (tỉnh Thái Bình), cô giáo P.T.N. đi xe khách lên Trung tâm Thí nghiệm vật lý Edison mỗi Chủ nhật hằng tuần. Cô dự giờ, học hỏi tất cả lớp học tại trung tâm để củng cố và hiểu đúng kiến thức cơ bản của vật lý, từ THCS đến THPT; để hiểu vai trò, giá trị của thiết bị đối với giờ học lý thuyết, giờ học thực hành. “Cô còn tham dự hầu hết các khóa học online dành cho cả giáo viên và học sinh; mua đủ trang thiết bị dùng cho thí nghiệm biểu diễn, kiểm chứng trong các giờ dạy lý thuyết theo chương trình lớp 10 mới” - thầy Túc xúc động. Cô N. chia sẻ, cô mong muốn được trải nghiệm để hiểu đúng hơn các hiện tượng được học; được mang thiết bị đến hướng dẫn học sinh các lớp học ở trường, thậm chí là tổ chức các nhóm nhỏ đến nhà cô thực hành…

Trong khi một bộ phận giáo viên còn thụ động trước yêu cầu đổi mới, thì những người như cô N., cô Vân, như Trường THCS Lê Hoàng Chiếu… đã góp một đốm lửa vào phong trào “nói không với dạy chay, học chay”. Ngay cả một trường tư thục có tiếng ở H.Đông Anh, TP.Hà Nội, hai năm nay đã nhờ thầy Túc và đồng nghiệp song hành cùng học sinh trong môn vật lý. Kỳ thi học sinh giỏi lớp Chín môn vật lý của H.Đông Anh vừa qua có tám giải cao nhất, thì tới năm giải thuộc về học sinh của trường này. Đặc biệt, nhờ được “học đi đôi với hành”, trường còn có học sinh đạt điểm tuyệt đối.

Thầy Túc cho biết, với phương pháp học sáng tạo - học đi đôi với hành, các em được học - hiểu sâu bản chất lý thuyết, sau đó vận dụng sáng tạo vào thực tế. Việc giải các bài tập trong đề thi, trong tài liệu chỉ là một phần nhỏ của vận dụng. Cách học này giúp các em tiết kiệm thời gian, công sức; giúp các em hào hứng, khám phá, phát huy khả năng sáng tạo; hình thành tư duy khoa học sớm có giá trị lâu dài trong học tập các bậc học cao hơn, trong cuộc sống và trong công tác nghiên cứu khoa học sau này. 

Nhiều học sinh “bí” câu hỏi liên quan thực hành

Khoảng một năm nay, thầy Mai Văn Túc là người trực tiếp đặt ra thử thách cho các thí sinh tham dự chương trình Đường lên đỉnh Olympia. Có khi qua bốn cuộc thi liên tục có câu hỏi thực hành với những kiến thức, kỹ năng rất cơ bản nhưng cả 16 thí sinh - đã vào đến vòng thi tháng mà vẫn đứng im không nhúc nhích. 

Thầy Túc chia sẻ câu chuyện trong cuộc thi tuần đầu tiên của tháng 11/2022: “Tôi vừa đến trường quay thì người phụ trách nhắc “thầy chưa được xuất hiện, vì nhìn thấy thầy là các bạn sợ, không chọn câu 30 điểm”. Thực ra, các câu hỏi đều hết sức cơ bản, có trong sách giáo khoa. Nhưng do bị học chay - chủ yếu các kiến thức của các em có được là những thông tin do học thuộc; nên hầu hết các em không trả lời được câu hỏi liên quan đến thực hành, vận dụng và cần sáng tạo”. Thầy cho rằng: “Những kiến thức vận dụng đơn giản đó mà các học sinh vốn được cho là ưu tú, đại diện cho cả trường, thậm chí là cả tỉnh, cả miền - cũng không làm gì được thì quả là đáng báo động”.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI