Theo điều tra của phóng viên báo Phụ Nữ, trong vài tháng gần đây, Công ty cổ phần bất động sản Cao Thắng (gọi tắt là CT Cao Thắng, thuộc Công ty cổ phần quốc tế Ước Mơ Việt do ông Võ Thanh Long làm chủ) đứng ra huy động người dân góp 600 tỷ đồng đầu tư vào dự án Khu du lịch sinh thái Phú Hữu (đường tỉnh 925, ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang).
Nghe giới thiệu sẽ thu lợi nhuận “khủng”, hàng ngàn nông dân đã ồ ạt bán tài sản đổ tiền vào dự án được cho là có quy mô lớn nhất Đồng bằng Sông Cửu Long này.
|
Bài 1: Chuyến xe tỷ phú
|
Nhiều nông dân từ khắp các tỉnh thành đổ về tỉnh Hậu Giang để đầu tư, mong chóng làm giàu |
“Nhà đầu tư” nông dân
Rạng sáng ngày 12/7, một chiếc ô tô bóng loáng dừng bánh trước cổng Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) để đón những nhà đầu tư “VIP” đi tham quan dự án. Trong vai chủ cửa hàng tranh đá quý, chúng tôi nhanh chóng được lọt vào danh sách nhà đầu tư “VIP” để bước lên chiếc xe sang trọng này. Theo giới thiệu của bà H. (người tự xưng Trưởng phòng Kinh doanh chi nhánh CT cổ phần quốc tế Ước Mơ Việt tại TP.HCM), hàng tháng, chi nhánh tại TP.HCM đều tổ chức chuyến xe 50 chỗ đưa các nhà đầu tư đi tham quan dự án, dự hội thảo vào ngày mồng 10, riêng khách “VIP” thì “muốn đi giờ nào cũng được”.
Trên xe có năm người gồm ba phụ nữ, một thanh niên cùng với anh tài xế tên Tr. Xe lăn bánh cũng là lúc bà H. bắt đầu say sưa giới thiệu về dự án của CT Cao Thắng. Nghe chúng tôi “nổ” làm nghề buôn bán có nhiều vốn, bà H. nói: “Có tiền nhiều để làm gì, giữ tiền cũng chết. Cháu đầu tư vô đây, lãi suất cao hơn bất kỳ hạng mục nào. Nếu cô cháu mình biết nhau sớm hơn, cháu sẽ giàu to rồi. Vợ chồng anh Tr. tài xế nè, tham gia đợt đầu tiên 500 triệu là được CT tặng ngay chiếc xe này. Bây giờ mỗi tháng còn lãnh tiền lãi”.
Chúng tôi ngạc nhiên: “Chiếc xe này giá cũng gần 500 triệu rồi. Mình đóng tiền họ cho mình xe luôn hả cô?”. Bà H. đáp chắc nịch: “Chứ sao. Nộp tiền tham gia dự án, được nhận xe liền”. Thấy chúng tôi có vẻ tiếc nuối vì đã để vuột mất cơ hội được tặng xe, bà H. trấn an: “Không sao đâu, dự án kia hết rồi nhưng bây giờ có dự án mới hay hơn nhiều. Góp 500 triệu vào dự án, mỗi tháng mình được lãi 20 triệu, nhận trong 12 tháng. Đến tháng thứ 13 mình nhận thêm 510 triệu nữa, vậy là có 750 triệu. Ngoài ra, mình còn được nhiều ưu đãi khác, được mua đất nền căn hộ, biệt thự của dự án với giá ưu đãi...”.
Sau hơn 4 giờ, khoảng 9 giờ sáng, xe đưa chúng tôi đến một khu đất bên ngoài có đề bảng “Khu du lịch sinh thái Phú Hữu”. Không như những hình ảnh quảng cáo mà CT Cao Thắng giới thiệu trên trang web và hình ảnh mà bà H. cho chúng tôi xem, trước mắt chúng tôi là một khu đất đã bị bỏ hoang nhiều năm, nhiều ngôi nhà lá mục nát, những cây cầu xiêu vẹo và vài đống đất đá đổ ngổn ngang phía trước “trụ sở CT” trông như một căn nhà cấp bốn, vừa mới được dựng lên.
Thấy chúng tôi có vẻ không hài lòng, bà H. nói: “Chỗ này đang xây dựng, nay mai thôi sẽ là một khu du lịch quy mô nhất miền Tây”. Nói dứt lời, bà H. kéo chúng tôi vào bên trong khu đất, nơi dòng người, xe đang nườm nượp kéo về. Phía trong vách tường rong rêu bao quanh khu đất, có khoảng 30 thanh niên mặc vest, “đóng thùng”, cùng những thiếu nữ mặc áo dài hoặc áo trắng, váy xanh tha thướt. Thấy khách đến, những nhân viên này hồ hởi ra chào đón tận cổng và dắt khách vào.
Chúng tôi đi lòng vòng bên ngoài chừng 30 phút thì đoàn xe nối đuôi nhau kéo đến. Những chiếc xe mang biển số Đồng Tháp, Cà Mau, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... lần lượt tấp vào khu đất trống. Bên cạnh dàn nam thanh, nữ tú quần áo sang trọng là những “anh Năm”, “chị Bảy” mang dép nhựa, quần ống thấp ống cao nhưng mang theo trong người những cọc tiền dày cộm đến làm... nhà đầu tư, mong đổi đời. Cũng có người đến tìm hiểu để về bàn với gia đình xem có bán đất, cầm vườn đầu tư hay không.
|
Nhiều người tham gia góp tiền đầu tư sau buổi hội thảo |
Hòa theo dòng người từ Trà Vinh mới sang, chúng tôi bắt chuyện với bà T.T.H. khoảng 50 tuổi. Thấy chúng tôi cũng là dân từ nơi xa đến, bà H. thật tình: “Có biết đầu tư gì đâu, nghe mấy người ở chợ nói chỉ cần bỏ 100 triệu vô đây, mỗi tháng hai vợ chồng chơi không cũng có tiền, nên tôi lên coi thử. Nếu hay, tôi bàn với chồng “cố” mấy công đất, biết đâu trúng”. Nghe bà H. nói, một thanh niên khoảng 30 tuổi, ăn mặc sang trọng đi trong đoàn nói: “Mới đầu, ai cũng như cô hết, nhưng vào thử 50 - 100 triệu rồi là họ mê luôn. Đầu tư vào đây là chắc ăn rồi, vào trong kia nghe họ nói về dự án, cô thích liền cho coi”.
Chúng tôi theo chân đoàn người vào một hội trường khá rộng, vừa mới xây xong. Ngồi cạnh một người tự xưng là Phó giám đốc của CT Cao Thắng, chúng tôi tò mò: “Ở đây là nông dân các tỉnh không hả anh?”. Vị này đáp: “Nông dân cũng có nhưng dân giàu cũng nhiều. Chị nhìn thấy ông áo sọc ngồi hàng ghế trên không? Vừa rồi ổng đầu tư cho dự án đến 20 tỷ, nay lên lãnh tiền lãi tháng đó”.
Góp vốn… có thưởng
Gần 10 giờ, cuộc hội thảo bắt đầu, MC giới thiệu tổng cộng đến 9 vị phó tổng giám đốc của CT Ước Mơ Việt từ Bắc vào Nam. Những người này chỉ khoảng 30 - 40 tuổi, chưng trổ bảnh bao. MC nói xong, sân khấu được nhường lại cho một người đàn ông trẻ tên Trần Quốc Cường - Phó tổng giám đốc CT Ước Mơ Việt, phụ trách khu vực miền Tây. Ông này bước lên sân khấu với khí thế hừng hực, hùng biện về “con đường” làm giàu bằng cách đầu tư vào dự án của CT Cao Thắng.
Ông Cường thuyết, có tiền dư đi gửi ngân hàng là sai lầm; chỉ đầu tư vào dự án mới sinh lợi và làm cho mình khá hơn lên. Ông giới thiệu: “Dự án Khu du lịch sinh thái Phú Hữu chưa hoàn thành là cơ hội cho quý vị đầu tư. Nếu nó hoàn thiện rồi, chúng ta sẽ không còn cơ hội nữa”. Ông Cường cho biết, Khu du lịch sinh thái Phú Hữu có diện tích 30 héc ta với tổng vốn đầu tư là 1.000 tỷ đồng. Hiện nay, CT đã đầu tư 400 tỷ đồng nên cần huy động 600 tỷ đồng nữa.
“Lẽ ra, CT sẽ vay ngân hàng để đầu tư, nhưng vì sự phát triển chung của cộng đồng, nên CT mở cửa đón nhận đầu tư từ các vị ngồi đây... Hợp tác với CT trong vòng 12 tháng, lợi nhuận là 50%, đó là lợi nhuận tối thiểu. Quý vị có bao nhiêu, hợp tác bấy nhiêu. Đầu tư vào bất động sản, chưa người nào lỗ” - ông Cường hô hào. Sau đó, ông trình bày quy định đóng góp và lợi nhuận theo một khung có sẵn: mức tối thiểu đầu tư là 50 triệu đồng; khi đóng vào 50 triệu, lợi nhuận tạm ứng cho người đóng là 2 triệu đồng/tháng (tương đương 4%), số tiền này sẽ nhận trong vòng 12 tháng (tổng cộng là 24 triệu đồng).
|
Trên nền đất bị bỏ hoang nhiều năm, vị Phó tổng giám đốc công ty Ước Mơ Việt ra sức vẽ vời cái gọi là Dự án khu du lịch sinh thái với tổng vốn 1.000 tỷ đồng. |
Tới tháng thứ 13, CT sẽ hoàn vốn cho người đóng góp 51 triệu đồng. Như vậy, bỏ ra 50 triệu, sau một năm, người đầu tư sẽ có 75 triệu đồng. Nếu đầu tư 100 triệu đồng thì ngoài việc sẽ được lợi 50% lãi suất theo cách chia trên, nhà đầu tư còn được tặng thêm 1% tổng doanh thu của CT chia đều cho 1.000 người, hưởng trong sáu tháng.
Như được “lập trình” sẵn, cứ sau mỗi 10, 15 phút cao trào của ông Cường, hội trường lại vang lên những tràng pháo tay vang dội. Ông Cường chợt vút giọng: “Và để động viên khách hàng, CT có chương trình tặng thưởng đột xuất, khách hàng nào đăng ký góp vốn ngay hôm nay 50 triệu đồng sẽ được thưởng nóng 5 triệu, khách hàng nào góp 100 triệu, sẽ được thưởng nóng 20 triệu đồng”. Cả hội trường ồ lên. Im lặng vài giây, ông Cường lại hỏi: “Có vị khách nào đăng ký góp vốn hôm nay không? Phần thưởng đang chờ quý vị”.
Chúng tôi nhìn qua, nhìn lại, tầm mắt hướng vào những bộ com-lê láng kít và những bộ vòng xơ-men sang trọng. Thế nhưng, bất ngờ một cánh tay đen, gầy giơ lên. Người phụ nữ mặc chiếc áo màu trắng đã ngả sang vàng ố, quần tây đen giản dị gửi chiếc giỏ xách cho người bên cạnh để bước lên sân khấu trong những tràng pháo tay vang dội của các “lãnh đạo” CT. Chị xưng tên là L., quê ở Cà Mau, góp 50 triệu đồng. Liền đó, một người đàn ông khác cũng xuất hiện trên sân khấu, góp 50 triệu đồng. Cả hai cùng lên sân khấu chụp hình, nhận thưởng nóng khiến không khí buổi hội thảo thêm tưng bừng.
Buổi hội thảo kết thúc, ban tổ chức mời mọi người ra chiếc bàn phía sau nhận tiền lãi định kỳ. Bà H. cũng ôm giấy tờ nhào tới bàn nhận lãi định kỳ ở góc cuối hội trường. Trong khi chờ bà H., chúng tôi nhìn thấy chị L. - người phụ nữ vừa nãy xung phong góp vốn - đang chờ làm thủ tục đầu tư. Hỏi chị có phải lần đầu tham gia không, chị gật, nói: “Chị gom hết vốn liếng mấy chục năm làm trong ngành giáo dục ở TP.Cà Mau vô đây thử thời vận. Trên xe, nhiều chị em trong ngành lắm đó”. Chúng tôi khen chị mạnh dạn, có tính quyết đoán, chị cười: “Tại chị trưởng đoàn dặn phải giơ tay nhanh để được thưởng nên mình mới ra tay lẹ vậy”.
Sau buổi hội thảo, các “nhà đầu tư” hồ hởi bước ra phía sau hái trái cây, vặt ớt, hái rau lang mang về cho bữa cơm chiều. Thấy một phụ nữ khoảng 60 tuổi mặc chiếc áo bà ba héo úa đứng ven đường, tôi đến lân la làm quen. Bà giới thiệu là “thím Tư”, ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Hai vợ chồng bà giấu con cái, đầu tư 200 triệu đồng vào dự án của CT Cao Thắng. “Tôi góp 200 triệu là ít chứ mấy người kia họ góp cả tỷ, nhận tiền sướng lắm” - thím Tư có vẻ tiếc rẻ.
Trở lại hội trường, chúng tôi lân la tìm ông Quốc - nhà ở huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, người được giới thiệu mấy lần trong hội thảo vì mức góp vốn đến 20 tỷ đồng. Ông tự giới thiệu mình là chủ một quỹ tín dụng lớn ở Trà Vinh. Ông này có vẻ tâm đắc: “Chưa từng có mức lãi suất nào cao tới vậy. Tôi ví dụ, nếu có 50 triệu gửi ngân hàng, chị chỉ được lãi suất 5,4%/năm (khoảng 225.000 đ/tháng). Lãi của CT này gấp 10 lần gửi ngân hàng.
Chị để trong ngân hàng mấy tỷ làm gì, lấy một nửa ra đầu tư vô đây để nó sinh lãi”. Nói rồi, ông Quốc đi vào bàn nhận tiền lãi, nhưng kỳ lạ là ông chỉ nhận có hơn 100 triệu đồng. Thấy tôi thắc mắc, bà H. giải thích: “Có thể ngày góp vốn của ông là ngày khác, nay nhận lãi bổ sung cho vợ con thôi. Vợ con ổng ai cũng tham gia hết”.
Trên đường ra xe trở về, thấy chúng tôi có vẻ tần ngần, một người đàn ông đi cùng khẳng định: “Anh Sơn nói em biết, muốn làm giàu nhanh, chỉ có đầu tư vào Cao Thắng thôi”. Tôi nói còn phải hỏi ý kiến chồng, anh ta chớp ngay thời cơ: “Em để anh Sơn tư vấn cho nghen. Cứ về, đưa điện thoại để chồng em nói chuyện với anh”.
Trao đổi số điện thoại xong, người đàn ông tên Sơn tất tả đi đến chỗ chiếc xe 25 chỗ ngồi chở khách rời hội thảo về lại Đồng Tháp. Trên chiếc xe chật kín người, ai nấy đều hớn hở. Họ hầu hết lén chồng, lén con, cầm sổ đỏ, rút vốn ở ngân hàng góp vốn đầu tư dự án.
Theo điều tra của chúng tôi, CT Ước Mơ Việt được thành lập năm 2012 và CT Cao Thắng được thành lập năm 2016, cùng có địa chỉ ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, do ông Võ Thanh Long làm giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng quản trị. Trước khi kêu gọi người dân đầu tư vào dự án Khu du lịch sinh thái Phú Hữu, Ước Mơ Việt từng là một CT bán phiếu bảo trì thiết bị điện, điện tử, điện lạnh với hình thức hết sức kỳ lạ. Trong bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ phân tích rõ hơn về hình thức kinh doanh “phiếu bảo trì” lạ lùng nói trên.
|
Nhóm Phóng Viên
(Còn tiếp)