Lần theo đường dây huy động 600 tỷ cho dự án ‘ma’: Tổng giám đốc bị bắt, hàng ngàn gia đình điêu đứng

02/12/2019 - 05:30

PNO - ‘Tổ hợp’ các doanh nghiệp do Võ Hoàng Long lập nên để huy động vốn đã sụp đổ. Thế nhưng, hậu quả của nó sẽ còn dai dẳng, bởi nạn nhân của Long đã lên đến hàng ngàn người.

Ngày 30/11, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, bắt giam bốn tháng đối với Võ Thanh Long để điều tra tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Như vậy, hai năm sau khi Báo Phụ Nữ TP.HCM phanh phui về hoạt động huy động vốn có dấu hiệu lừa đảo, “tổ hợp” các doanh nghiệp do Long lập nên chính thức sụp đổ. Thế nhưng, hậu quả của nó sẽ còn dai dẳng, bởi nạn nhân của Long lên đến hàng ngàn người.

“Vậy là trắng tay thật rồi”

Trưa 30/11, ngay sau khi nghe tin Công an tỉnh Hậu Giang bắt tạm giam Võ Thanh Long - ông chủ của ba công ty chuyên huy động vốn trá hình (Công ty cổ phần quốc tế Ước Mơ Việt, Công ty cổ phần Bất động sản Cao Thắng, khu du lịch sinh thái Phú Hữu) - chúng tôi gọi điện cho bà M. - ngụ tại TP.HCM, người đã đầu tư nhiều tiền vào các doanh nghiệp của Long.

Nghe thông tin, bà M. bình tĩnh: “Làm gì có, tôi mới gọi điện hôm trước, Long còn hứa trả tiền lời cho tôi vào đầu tháng 12 cơ mà”. Sau khi cúp máy, khoảng 15 phút sau, bà M. gọi điện lại, giọng chùng xuống: “Tôi mới kiểm tra, Long bị bắt thật rồi. Vậy là trắng tay rồi”.

Chúng tôi gặp bà M. trong một “hội nghị đầu tư” do Công ty cổ phần Bất động sản Cao Thắng (gọi tắt là Công ty Cao Thắng) tổ chức năm 2017. Bà M. là một trong nhiều người dân từ TP.HCM lặn lội xuống tỉnh Hậu Giang làm “nhà đầu tư” với ước mơ nhanh chóng được đổi đời.

Năm 2016, người phụ nữ vốn chỉ quen làm nội trợ này bất ngờ lên “sếp”, trở thành đại lý của Công ty cổ phần quốc tế Ước Mơ Việt (gọi tắt là Công ty Ước Mơ Việt) khi bỏ ra 50 triệu đồng mua 25 cuốn sổ “bảo trì tài sản dân dụng” để có lợi nhuận hàng tháng gấp 7 lần lợi nhuận ngân hàng, theo hứa hẹn của công ty. Khi Công ty Ước Mơ Việt dừng hoạt động, số tiền bà bỏ ra được “chuyển” sang Công ty Cao Thắng.

Nghe quảng cáo “đầu tư 50 triệu đồng vào Công ty Cao Thắng, mỗi tháng được lợi nhuận 2 triệu đồng trong 12 tháng và tới tháng 13 sẽ được hoàn vốn 51 triệu đồng cùng 1% lợi nhuận của công ty”, bà M. dốc hết tiền tiết kiệm để đầu tư và rủ thêm bạn bè tham gia. Ban đầu, công ty chuyển tiền hằng tháng rất đều, sau đó chậm dần rồi trễ hẹn. “Bây giờ, Long bị bắt rồi, không biết tiền chúng tôi sẽ về đâu” - bà M. hoang mang.

Sáng 1/12, trao đổi với chúng tôi, ông C. (quận 10, TP.HCM) tự nhận mình là người may mắn, vì chỉ bị mất vài chục triệu đồng đóng vào công ty của Võ Thanh Long. Mấy năm trước, ông C. bỏ ra 100 triệu đồng mua 50 cuốn sổ “bảo trì tài sản dân dụng” vì nghe theo lời hứa “bỏ ra 100 triệu, thu về 350 triệu”.

Cầm 50 “phiếu bảo trì”, ông C. chỉ bán được 3 phiếu cho anh em trong nhà, sau đó cũng chỉ nhận được vài trăm ngàn đồng tiền cam kết chi cho “đại lý” hằng tháng từ công ty. Ròng rã mấy năm đi đòi lại tiền, ông C. chỉ nhận được mấy câu hứa suông. Chán nản, ông chấp nhận mất tiền.

“Tôi cũng còn may, vì có người nghe nói đóng 1 tỷ đồng sẽ được công ty tặng ô tô nên cầm cả giấy tờ nhà đóng vào. Nhưng xe đó là công ty mua trả góp, trả 2 - 3 tháng rồi không trả nữa, ngân hàng đến truy thu. Giờ họ phải ôm nợ thế chấp vay ngân hàng lẫn nợ mua xe. Có người tan nát gia đình cũng vì chuyện này” - ông C. nói.

Nhân viên cũng “khóc ròng”

Sáng 23/11, công an đã bắt giữ ông Võ Thanh Long, đồng thời khám xét khu du lịch sinh thái Phú Hữu (ở ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Ông Ngô Thanh Vủ - Trưởng ấp Phú Nghĩa - cho biết, lực lượng chức năng gồm khoảng 50 người đã khám xét đến 19g cùng ngày và niêm phong, mang đi khoảng 20 thùng hồ sơ.

Trưa 1/12, chúng tôi đến khu du lịch Phú Hữu thì thấy nơi đây hoàn toàn im ắng. Có khoảng 10 du khách đến từ TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang định tham quan nhưng khu du lịch đóng cửa, không đón khách. Cạnh cổng chính của khu du lịch, một bảng hiệu đề tên Công ty Cao Thắng cũng khóa kín cửa.

Ông C.V.H., 65 tuổi - người dân xã Phú Hữu, làm bảo vệ cho khu du lịch này được 8 tháng - cho biết, khu du lịch đã bị thu hồi giấy phép và không được mở cửa đón khách. Hơn một tuần nay, khu du lịch đóng cửa, lực lượng nhân viên chỉ còn có 4 - 5 người gồm 2 bảo vệ chia ca cùng vài nhân viên chăm sóc cây cảnh. “Mỗi tháng, tôi được lãnh lương 4,3 triệu đồng, nhưng 4 tháng rồi chưa được nhận lương” - ông H. nói.

Ông N.V.Đ. - 40 tuổi, ở ấp Phú Nghĩa, là nhân viên chăm sóc cây cảnh trong khu du lịch này - cho biết, ông cũng bị nợ lương hơn 3 tháng nay. Theo ông H. và ông Đ., người trực tiếp quản lý nhân viên tại khu du lịch này tên Dũng, thường chỉ đến đây vào giờ hành chính. “Dạo rày, nghe đồn trong nội bộ rằng có đơn vị nào đó ngoài Hà Nội đang thương lượng mua lại khu du lịch nhưng cụ thể lúc nào thì không rõ. Hy vọng bán được để có tiền. Chúng tôi nghe đồn vậy, mừng dữ lắm” - ông H. nói.

Theo ông Ngô Thanh Vủ, không có người địa phương đầu tư vào Công ty Cao Thắng: “Ấp có khoảng 600 hộ với hơn 2.600 nhân khẩu, làm không đủ ăn thì lấy tiền đâu mà đầu tư”.

Lan theo duong day huy dong 600 ty cho du an ‘ma’: Tong giam doc bi bat, hang ngan gia dinh dieu dung
Khu du lịch Phú Hữu - nơi Võ Thanh Long vẽ ra dự án lên đến 1.000 tỷ để lừa người dân tham gia đầu tư

Cơ quan chức năng có chậm chạp?

Theo điều tra của chúng tôi, nhiều năm trước, Võ Thanh Long đã thành lập các doanh nghiệp như Công ty cổ phần quốc tế Kim Trung Hải, Công ty Ước Mơ Việt, Công ty Cao Thắng, khu du lịch sinh thái Phú Hữu.

Các doanh nghiệp này có chiêu trò huy động vốn bằng việc bán sổ “bảo trì tài sản dân dụng” và kêu gọi góp vốn vào khu du lịch. Trong đó, hai doanh nghiệp chuyên huy động vốn bằng việc bán sổ “bảo trì tài sản dân dụng” đã dừng hoạt động.

Theo tố cáo của các nạn nhân, chỉ riêng lĩnh vực này, hai công ty của ông Long đã thu hút được hơn 3.000 đơn hàng (tương đương 3.000 người) tham gia, với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Ở lĩnh vực bất động sản, vào năm 2017, một lãnh đạo của Công ty Cao Thắng đã tiết lộ, công ty có 8.000 hội viên góp vốn. Để làm hội viên, mỗi người phải đóng góp cho công ty ít nhất 50 triệu đồng.

Bà T.N.A. - ở thị trấn Càng Long, tỉnh Trà Vinh - cho hay: “Mấy năm qua, tiền không lấy lại được, chúng tôi phải tự vực dậy kinh tế gia đình bằng mồ hôi và nước mắt của mình. Nhiều người do lao theo Ước Mơ Việt mà nợ nần, bán hết nhà cửa, giờ phải tha phương cầu thực”. Bản thân bà N.T.A. cũng đã “góp vốn” vào các công ty của Long 150 triệu đồng, số tiền rất lớn đối với một người dân quê.

Nhiều năm liền theo đuổi, bóc trần đường dây huy động vốn trá hình của các công ty do Võ Thanh Long lập nên, chúng tôi nhận thấy, các nạn nhân bị lừa trải dài khắp cả nước, nhưng nhiều nhất là nông dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Có nhiều nơi, cả xóm bị lừa vì người này đi, nghe quảng cáo “ngon ăn”, lại về rủ người thân “đầu tư”. Hơn nữa, việc lôi kéo người tham gia cũng được trả “hoa hồng”.

Đáng nói, văn phòng của Ước Mơ Việt và các doanh nghiệp do Võ Thanh Long làm chủ hoạt động công khai, trải dài ở các địa phương khắp cả nước, nhưng chỉ có tỉnh Thanh Hóa ra văn bản cảnh báo người dân về mô hình đa cấp biến tường của Ước Mơ Việt vào năm 2016.

Ông H.A.D. - ở phường 1, TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh - cho biết, năm 2017, sau khi Báo Phụ Nữ TP.HCM đăng loạt bài Lần theo đường dây huy động 600 tỷ cho dự án “ma”, cơ quan công an có cử cán bộ đến gặp ông và nhiều nạn nhân khác để ghi nhận nội dung tố cáo. Nhưng đến nay, Võ Thanh Long mới bị khởi tố.

“Ngay lúc đó, chúng tôi cũng chẳng hy vọng lấy lại được tài sản. Mớ chứng từ ký kết với công ty, giữ lại cũng chẳng để làm gì nên chúng tôi gom lại, giao hết cho cơ quan điều tra để họ sớm ngăn chặn hành vi lừa đảo” - ông D. nói.

Hai ngày qua, rất nhiều bạn đọc đã gọi điện đến Báo Phụ Nữ TP.HCM cho biết, họ đã lâm vào cảnh trắng tay, đổ nợ từ nhiều năm trước và không còn hy vọng lấy lại được tiền. Nhưng điều đáng tiếc là hành vi lừa đảo của Long chậm bị ngăn chặn nên danh sách nạn nhân cứ thế dài thêm.

Luật sư Đoàn Trọng Nghĩa (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định: “Đây là một vụ lừa đảo khá tinh vi. Vì tin vào sự lừa đảo có hệ thống, bài bản, nhiều người dân đã rút tiền ngân hàng, cầm cố nhà cửa đổ vào các công ty với hy vọng sinh lời, cuối cùng phải chịu cảnh trắng tay. Chắc chắn cơ quan công an phải mở rộng điều tra; nếu chỉ bắt Long là chưa thỏa đáng”.

Cuối tháng 7/2017, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã khởi đăng loạt bài Lần theo đường dây huy động 600 tỷ đồng cho dự án "ma", Ve sầu thoát xác, "Vẽ" khu du lịch 1.000 tỷ bằng miệng, phản ánh về dấu hiệu lừa đảo thông qua hình thức huy động vốn của các công ty do Võ Thanh Long làm chủ. Từ đó đến nay, chúng tôi đã có hàng chục tin, bài liên quan đến những công ty này.

Cùng với việc đăng báo, ngay khi tiếp nhận vụ việc, nhận thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, báo đã có công văn gửi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hậu Giang để thông tin về dấu hiệu lừa đảo như đã nói ở trên. Ngày 7/8, báo nhận được thông báo số 15/TB-PC44 của Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hậu Giang cho biết, đã chuyển nội dung tin báo của Báo Phụ Nữ TP.HCM đến Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hậu Giang xem xét. 

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI