Làn sóng tẩy chay và nỗi ám ảnh các nhà làm phim Hàn Quốc

07/01/2022 - 07:07

PNO - Gần đây, cơn sóng tẩy chay phim ảnh Hàn Quốc bùng phát trở lại và được quan tâm khi bộ phim Snowdrop lên sóng. Trước đó, nhiều tác phẩm như Mr. Queen, Joseon Exorcist… cũng vướng vào những lùm xùm do liên quan đến cốt truyện gắn với mốc thời gian lịch sử.

Sự tẩy chay cho thấy khán giả đã khắt khe hơn trong việc tiếp nhận các sản phẩm, buộc các nhà sản xuất phải thận trọng hơn từ khâu kịch bản và phải có sự am hiểu, nhạy bén trước các yếu tố văn hoá, lịch sử… của Hàn Quốc.

Lấy bối cảnh Seoul năm 1987, Snowdrop kể về câu chuyện tình cảm giữa chàng sinh viên bí ẩn Su Ho (Jung Hae In) và cô nàng tốt bụng Young Ro (Jisoo) bất chấp nguy hiểm để che giấu và chăm sóc vết thương cho anh trong ký túc xá. Chỉ sau 2 tập đầu phát sóng, phim đã hứng chịu làn sóng chỉ trích vì sai lệch lịch sử và xúc phạm cuộc đấu tranh dân chủ cuối thế kỷ 20, bất chấp đoàn làm phim đã giải thích mọi thứ trong câu chuyện đều là hư cấu. Tác phẩm đã bị hàng trăm ngàn khán giả khiếu nại, ký đơn yêu cầu hủy chiếu trên trang web của Nhà xanh (phủ Tổng thống).

Bộ phim Snowdrop vướng nhiều tranh cãi ngay từ lúc lên sóng.
Bộ phim Snowdrop vướng nhiều tranh cãi ngay từ lúc lên sóng.

Sự việc còn bị đẩy đi xa hơn khi các diễn viên trong phim cũng trở thành mục tiêu của các bình luận ác ý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của họ. Ngoài Jisoo và Jung Hae In, ngay cả Yoo In Na, dù chỉ tham gia vai phụ trong Snowdrop, cũng bị khán giả yêu cầu rút khỏi dự án mới mà cô vừa nhận chỉ vì lý do cô đóng phim gây tranh cãi.

Bất chấp việc Nhà xanh đã bác bỏ đơn yêu cầu hủy phát sóng Snowdrop, vì căn cứ theo điều 4 của Đạo luật phát sóng đảm bảo quyền tự do và độc lập của đài truyền hình đối với chương trình phát sóng, chính phủ không thể điều chỉnh hoặc can thiệp mà không tuân thủ các nguyên tắc của pháp luật, tác phẩm vẫn tiếp tục vấp phải những tranh luận gay gắt đến mức khắt nghiệt.

Không thể phủ nhận sự tẩy chay cho thấy khán giả đã khắt khe hơn trong việc tiếp nhận các sản phẩm, yếu tố tích cực buộc các nhà sản xuất phải thận trọng và có kiến thức nhất định về văn hóa, lịch sử khi khai thác các đề tài này. Nhưng các chuyên gia Hàn Quốc cho rằng nếu sự tẩy chay không được sử dụng đúng mục đích sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy không hay, trên hết là ảnh hưởng trực tiếp đến sức sáng tạo của các nhà làm phim, yếu tố quan trọng giúp nền điện ảnh ảnh nước này có bước tiến vượt bậc trong năm 2021 nhờ loạt dự án mới lạ như Squid Game, Bản án từ địa ngục

Jung Hae In và Jisoo bị ảnh hưởng danh tiếng sau loạt tranh cãi về phim Snowdrop.
Jung Hae In và Jisoo bị ảnh hưởng danh tiếng sau loạt tranh cãi về phim Snowdrop.

Theo Korea Herald, các chuyên gia phim ảnh tin rằng hành động phản đối thái quá của người xem mà không có sự tìm hiểu kỹ lưỡng có thể cản trở quyền tự do của người sáng tạo nội dung. Bởi từ sau khi Joseon Exorcist bị cấm chiếu vĩnh viễn vì xuyên tạc lịch sử vào tháng 3/2021, các nhà sản xuất và đạo diễn cực kỳ thận trọng, xem xét kỹ lưỡng cốt truyện để đảm bảo không có bất kỳ yếu tố nào gây khó chịu cho công chúng.

“Sự theo dõi và phản biện của người xem luôn được hoan nghênh. Tuy nhiên nếu những lời chỉ trích biến thành lạm dụng nhắm vào các cá nhân hoặc nhóm người cụ thể, cố gắng tạo ra nội dung khác xa với mục đích ban đầu sẽ ảnh hưởng đến sự sáng tạo của các nhà làm phim. Nếu quyền tự do ngôn luận được pháp luật bảo vệ, tôi nghĩ mọi người cũng cần bảo vệ quyền tự do của người tạo ra nội dung” – một chuyên gia trong ngành chia sẻ với Korea Herald.

Chung Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI