Làn sóng tẩy chay hàng hóa từ Mỹ tăng mạnh

11/04/2025 - 15:02

PNO - Lập trường thay đổi của chính quyền Tổng thống Donald Trump về thuế quan thương mại đã làm dấy lên xu hướng tẩy chay sản phẩm của Mỹ tại nhiều quốc gia.

Nhiều doanh nghiệp Canada đã hành động trong những tuần gần đây với các chiến dịch “Mua hàng Canada thay vì Mỹ” - Ảnh: Ethan Cairns/The Canadian Press
Nhiều doanh nghiệp Canada đã hành động trong những tuần gần đây với các chiến dịch “Mua hàng Canada thay vì Mỹ” - Ảnh: Ethan Cairns/The Canadian Press

Các cuộc tẩy chay của người tiêu dùng và doanh nghiệp

Ông Trump đã áp dụng mức thuế chung 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ vào ngày 2/4. Một mức thuế "có đi có lại" khác bắt đầu có hiệu lực vào lúc 0g ngày 9/4 đối với một số quốc gia được chọn, trước khi Tổng thống Mỹ tuyên bố cùng ngày rằng ông sẽ tạm dừng thuế quan mới trong 90 ngày, và hạ hầu hết các mức thuế xuống mức cơ bản 10%.

Ngoại lệ duy nhất đối với thuế quan mới là Trung Quốc - quốc gia phải đối mặt với mức thuế quan 125%, sau khi ông Trump cáo buộc nước này đã thể hiện "sự thiếu tôn trọng" đối với "thị trường thế giới".

Trong khi một số quốc gia bị ảnh hưởng đang triển khai các rào cản thương mại của riêng họ, người tiêu dùng nhanh chóng thực hiện những chiến dịch tẩy chay để đáp trả.

Tại khối Liên minh châu Âu (EU) - nơi ban đầu bị Mỹ áp thêm 20% thuế quan đối với hàng xuất khẩu trước khi có động thái hạ thuế vào ngày 9/4 - người dân địa phương đang cố gắng tránh xa các sản phẩm của Mỹ.

Một số nhóm trên Facebook được thành lập để tổ chức các cuộc tẩy chay và vận động ngừng sử dụng hàng Mỹ, kể từ khi ông Trump lần đầu tiên nêu ra các biện pháp thuế quan.

Một nhóm có tên "Bojkotta varor fran USA" - trong tiếng Thụy Điển nghĩa là "Tẩy chay hàng hóa từ Mỹ" – thu hút gần 86.000 thành viên trước khi mức thuế mới có hiệu lực.

Nhóm này hy vọng các cuộc tẩy chay sẽ gây áp lực buộc chính quyền của ông Trump chấm dứt lệnh trừng phạt. Việc sử dụng nền tảng Facebook của Mỹ là hợp lý, vì đây là "vũ khí tốt nhất", nhóm này cho biết thêm.

Một nhóm tại Pháp có tên "Tẩy chay Mỹ: Mua hàng Pháp và châu Âu!" có gần 30.000 thành viên.

Dường như cũng có sự ủng hộ cho lập trường tương tự ở Đức. Nhóm nghiên cứu Civey phát hiện ra rằng 64% người Đức muốn tránh các sản phẩm của Mỹ nếu có thể. Phần lớn người dân cho biết các chính sách của ông Trump đã ảnh hưởng đến lựa chọn mua sắm của họ.

Một phong trào trực tuyến trên các phương tiện truyền thông xã hội và các diễn đàn nhắn tin như Reddit cũng đã khiến người tiêu dùng ở Châu Âu và Canada tránh xa những sản phẩm của Mỹ trên các kệ hàng.

Các thương hiệu lớn của Mỹ đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội, với một cuộc thăm dò của Pháp chỉ ra sự phản kháng đối với các tên tuổi quen thuộc như Starbucks, McDonald's và Coca Cola.

Có lẽ nổi bật nhất trong số đó là hãng xe điện Tesla - công ty chứng kiến ​​doanh số giảm đáng kể trên toàn khu vực, với một số đại lý ở Đức, Ý và Thụy Điển ghi nhận hành vi phá hoại, phản đối các động thái chính trị của CEO Elon Musk.

Người mua sắm Đan Mạch cũng đang quay lưng với các sản phẩm của Mỹ trong một cuộc biểu tình toàn quốc.

Ông Trump đã nhiều lần nói rằng Mỹ nên kiểm soát Greenland - nơi có các cơ sở quân sự của Mỹ, vì lợi ích an ninh quốc gia. Các quan chức Đan Mạch kịch liệt phản đối ý tưởng này và hiện tại giống như ở Canada - nơi ông Trump muốn biến thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ - người tiêu dùng đang lên tiếng.

“Tẩy chay là cách duy nhất mà người mua sắm có thể phản đối ông Trump” - Sanne, một nhân viên cửa hàng tại chi nhánh Copenhagen của chuỗi cửa hàng tạp hóa Đan Mạch Føtex, chia sẻ với CNBC.

Các công ty châu Âu cũng đang có hành động chống lại các công ty Mỹ. Nhà bán lẻ lớn nhất Đan Mạch - Salling Group - cho biết họ sẽ gắn nhãn các sản phẩm châu Âu trong các cửa hàng của mình bằng một ngôi sao để giúp khách hàng nhận dạng chúng.

Công ty vẫn sẽ bán các sản phẩm của Mỹ, nhưng CEO Anders Hagh đã viết trên LinkedIn rằng, nhãn mới là "dịch vụ bổ sung cho những khách hàng muốn mua hàng hóa có thương hiệu châu Âu".

Trong khi đó, một số công ty đang có hành động quyết liệt hơn. Công ty cung cấp dầu và nhiên liệu cho tàu thủy Haltbakk Bunkers của Na Uy gần đây đã tuyên bố sẽ ngừng cung cấp nhiên liệu cho các tàu của Hải quân Mỹ.

Chuỗi cửa hàng tạp hóa Đan Mạch Fotex đã dán nhãn sản phẩm bằng một ngôi sao, cho biết chúng được sản xuất tại khối Liên minh Châu Âu - Ảnh: CNBC
Chuỗi cửa hàng tạp hóa Đan Mạch Fotex đã dán nhãn sản phẩm bằng một ngôi sao, cho biết chúng được sản xuất tại khối Liên minh châu Âu - Ảnh: CNBC

Tránh đi du lịch Mỹ

Sự thay đổi trong thói quen mua sắm chỉ ra sự thay đổi lớn hơn trong tâm lý người tiêu dùng, với dữ liệu cho thấy du khách cũng ngày càng quay lưng lại với các chuyến đi đến Mỹ trong bối cảnh các chính sách thương mại của ông Trump, biến động tiền tệ bất lợi và việc giam giữ những người có thị thực cấp cao.

Tuần trước, hãng hàng không lớn nhất Canada là Air Canada cho biết, lượng đặt vé máy bay xuyên biên giới từ Canada đến các thành phố của Mỹ đã giảm 10% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, nhà cung cấp dữ liệu du lịch OAG cho biết, lượng đặt vé máy bay Canada - Mỹ đã giảm 70%. Điều này phản ánh những bình luận trước đó của phó chủ tịch hãng hàng không Canada WestJet - người cho biết lượng khách qua lại biên giới Mỹ - Canada đã giảm, do hành khách "chuyển từ Mỹ sang các điểm đến khác".

Xu hướng tương tự dường như cũng đang xuất hiện ở châu Âu. Giám đốc điều hành của tập đoàn khách sạn Accor Sebastien Bazin nói với hãng tin Bloomberg rằng, lượng đặt vé máy bay vào mùa hè từ châu Âu đến Mỹ đã giảm 25% do "nỗi lo lắng khi đến một vùng đất xa lạ".

Linh La (theo CNBC, DW)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI