Làn sóng “S-line” và bác sĩ Hàn Quốc làm “chui”

13/05/2014 - 17:34

PNO - PN - Để đáp ứng trào lưu nâng mũi… giống như các diễn viên xứ Hàn, các thẩm mỹ viện tại TP.HCM đua nhau quảng cáo “có bác sĩ Hàn Quốc trực tiếp phẫu thuật”. Thực tế, các cơ sở này chỉ bắt tay với bác sĩ Hàn Quốc làm theo...

edf40wrjww2tblPage:Content
Để đáp ứng trào lưu nâng mũi… giống như các diễn viên xứ Hàn, các thẩm mỹ viện tại TP.HCM đua nhau quảng cáo “có bác sĩ Hàn Quốc trực tiếp phẫu thuật”. Thực tế, các cơ sở này chỉ bắt tay với bác sĩ Hàn Quốc làm theo thời vụ. Đáng nói là TP.HCM chưa có bác sĩ Hàn Quốc nào được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ.
 
Mũi nào cũng…“S-line”

Chiều 9/5, sau khi nhận được phản ánh từ Báo Phụ Nữ về việc Phòng khám Phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Việt (244A Pasteur, Q.3, TP.HCM) có bác sĩ (BS) Hàn Quốc nhận phẫu thuật thẩm mỹ cho khách hàng dù chưa được phép hoạt động, đoàn thanh tra Sở Y tế đã đến kiểm tra, phát hiện BS Lee Byoung Yeol phụ trách phòng khám chưa có giấy phép. Đoàn thanh tra đã yêu cầu phòng khám đóng cửa, ngừng hoạt động. Thế nhưng, vào sáng 11/5, phòng khám này vẫn tiếp tục mở cửa đón khách.

Trước đó hai ngày, phóng viên Báo Phụ Nữ cùng với khách hàng đến nhờ tư vấn nâng mũi kiểu Hàn Quốc tại phòng khám này. Trên cánh cửa ra vào phòng khám được dán chữ khá to “BS Hàn Quốc Lee Byoung Yeol phụ trách”. Để được “vào vòng” tư vấn, khách hàng phải khai tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại. Một nhân viên cho biết: “Muốn BS Lee tư vấn phải đặt hẹn trước. Trong tháng này, BS qua Việt Nam ngày 9 và ngày 23. Nếu chị chắc chắn phẫu thuật sửa mũi S-line (kiểu Hàn Quốc) vào ngày 9/5 do BS Hàn Quốc làm thì đặt cọc trước, nhưng chỉ tư vấn thì không cần đặt cọc”. Dù chưa được phép hoạt động nhưng phòng khám này lại quảng cáo “Trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ của chúng tôi có BS Hàn Quốc được Bộ Y tế cấp phép”. Thực ra, việc “được Bộ Y tế cấp phép” mới chỉ là chứng chỉ hành nghề chứ không phải giấy phép hoạt động.
 
Khi đến Thẩm mỹ viện K.T. (đường 3/2, Q.10), tôi được BS H. tư vấn: “Mũi của em hơi hếch, nâng sẽ đẹp hơn. Em nâng mũi S-line, nếu gây tê sẽ là 25 triệu đồng, còn gây mê là 35 triệu đồng và do BS Việt Nam thực hiện. Nhiều bạn trẻ cũng thích BS Hàn Quốc làm. Nếu em thích BS Hàn thì giá hơi cao, từ 5.000-6.000 USD. BS Hàn Quốc sẽ sang. Vì BS bên đó bận lắm, phải gom năm người trong vòng một tháng, giờ được ba người rồi, em đặt cọc trước 25 triệu đồng”. Cũng theo BS H.: “Ở đây bọn anh bảo hành vĩnh viễn, nhưng nếu em bị… chồng đánh thì không bảo hành”.

Lan song “S-line”  va bac si Han Quoc lam “chui” 
 Thẩm mỹ Hàn Việt do bác sĩ Hàn Quốc phẫu thuật dù chưa được cấp phép vẫn hoạt động

 “S-line” không là tất cả

BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn TP.HCM chưa có BS Hàn Quốc nào được cấp phép hoạt động. Thời gian qua, một số cơ sở thẩm mỹ quảng cáo rầm rộ có BS Hàn Quốc trực tiếp tư vấn, phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng khi Sở kiểm tra thì họ nói chỉ treo bảng, quảng cáo chứ không có BS Hàn Quốc. Thanh tra y tế cũng phát hiện tại một số cơ sở, trong hồ sơ bệnh án phẫu thuật thẩm mỹ, có chữ ký của BS Hàn Quốc, nhưng khi kiểm tra thì BS Hàn Quốc lại không có mặt. Cũng theo BS Bùi Minh Trạng, cơ quan thanh tra không phân biệt đối xử với BS nước ngoài nhưng khi họ hoạt động tại Việt Nam phải có giấy phép hoạt động do Sở Y tế cấp. Điều này nhằm tránh tình trạng BS nước ngoài làm thời vụ, có thể không đảm bảo tay nghề, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bệnh nhân.

BS Cao Ngọc Bích, Phó chủ tịch Pháp chế, Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM phân tích: Chứng chỉ hành nghề có thể do Bộ Y tế cấp nhưng giấy phép hoạt động ở địa phương nào phải do sở Y tế tỉnh thành đó cấp. Theo BS Bích, “S-line” để chỉ hình dạng sống mũi có đường cong tự nhiên hình chữ S kiểu Á Đông, chứ không phải là một phương pháp kỹ thuật nâng mũi. Do nhiều diễn viên Hàn Quốc thích chỉnh sửa dạng mũi “S-line” nên nhiều người nhầm tưởng đây là phương pháp nâng mũi kiểu Hàn Quốc và do người Hàn Quốc tạo ra. Thực sự, kiểu mũi dáng “S-line” từ lâu đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Không phải chỉ có “S-line” là kiểu mũi duy nhất đẹp và cũng không phải khuôn mặt nào đều phù hợp với kiểu “S-line”. Kiểu dáng mũi phải phù hợp, hài hòa với các đường nét khác của toàn khuôn mặt thì mới mang lại kết quả thẩm mỹ tối ưu.

Ngoài ra, việc tạo hình kiểu mũi “S-line” không phụ thuộc vào chất liệu nhân tạo (chất dẻo silicon) hay lấy sụn tự thân (sụn tai, sụn sườn, sụn vách ngăn mũi) và cũng tùy trường hợp mà gây mê hoặc gây tê. Thế nhưng, một số BS nhận thấy, nếu lấy sụn tự thân và gây mê sẽ thu được nhiều tiền hơn (do mổ nhiều lần, dùng nhiều thuốc…) nên thường tư vấn bệnh nhân theo hướng gây mê. Vì vậy, đã tạo ra hiểu sai trong dư luận khi cứ nghĩ “S-line” là phải lấy sụn tự thân và phải gây mê. Đặc biệt, các cơ sở thẩm mỹ không phải là bệnh viện thẩm mỹ thì không được gây tê. Và, dù gây tê hoặc gây mê, khi nâng mũi đều có thể xảy ra các biến chứng như sốc thuốc tê, nhiễm trùng, biến chứng gây lệch, vẹo…
Đã có quá nhiều trường hợp bị biến chứng xảy ra tại các cơ sở thẩm mỹ “chui” do làm ăn chụp giật cũng như sự thiếu hiểu biết của người có nhu cầu. “S-line” chắc chắn không là ngoại lệ khi thực tế cho thấy, thông tin từ BS phẫu thuật đến phương pháp thực hiện tại nhiều cơ sở đều hết sức mơ hồ và… trái phép. 
 


QUỲNH MAI - VĂN THANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI