Làn sóng phẫn nộ tại Pháp đòi hỏi cải cách trong ngành cảnh sát

30/06/2023 - 12:52

PNO - Vụ cảnh sát bắn chết 1 thiếu niên 17 tuổi bên ngoài Paris vào ngày 27/6 đã gây ra tình trạng hỗn loạn lan rộng ở các vùng ngoại ô của Pháp, với những người biểu tình đốt xe, rác và đập phá các tòa nhà.

 

Ô tô bốc cháy trong đêm thứ ba của cuộc biểu tình nổ ra sau vụ cảnh sát bắn chết một tài xế 17 tuổi ở ngoại ô Nanterre, Pháp, thứ Sáu, ngày 30 tháng Sáu
Ô tô bốc cháy trong đêm thứ 3 của cuộc biểu tình nổ ra sau khi cảnh sát bắn chết 1 thiếu niên 17 tuổi ở ngoại ô Nanterre, Pháp

Vụ việc cảnh sát bắn chết thiếu niên tên Nahel M., mang 2 dòng máu Algeria và Maroc, vào ngày 27/6 đã được quay lại qua camera của cảnh sát và gây chấn động cả nước.

Cậu thiếu niên không chấp hành mệnh lệnh dừng xe sau khi chiếc Mercedes AMG mà cậu đang lái lấn vào làn đường dành cho xe buýt. 2 cảnh sát đuổi theo chiếc xe và tiếp cận thành công tại một đoạn đường đang ùn tắc.

Khi chiếc xe cố gắng chạy đi, sĩ quan đã nổ súng ở cự ly gần qua cửa sổ của người lái xe. Công tố viên Pascal Prache của thành phố Nanterre cho biết Nahel chết vì 1 phát đạn xuyên qua cánh tay trái và ngực.

Luật sư của viên cảnh sát, Laurent-Franck Lienard, cho biết, thân chủ của ông đã yêu cầu gia đình nạn nhân tha thứ cho anh ta, đồng thời giải thích rằng viên cảnh sát đã nhắm vào chân của người lái xe nhưng bị va chạm, khiến anh ta bắn vào ngực.

Vụ việc đã làm dấy lên căng thẳng âm ỉ từ lâu giữa cảnh sát và thanh niên ở những khu dân cư khó khăn. Nó cũng thúc đẩy các lời kêu gọi xem xét kỹ lưỡng các điều kiện quản lý việc sử dụng vũ khí của cảnh sát.

40.000 cảnh sát đã được triển khai trên khắp nước Pháp nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy lời kêu gọi của chính phủ nhằm giảm leo thang bạo lực sẽ dập tắt được làn sóng phẫn nộ đang lan rộng.

Tại Nanterre, thị trấn của tầng lớp lao động ở ngoại ô phía tây Paris - nơi Nahel M. bị bắn chết, những người biểu tình đốt xe, rào chắn đường phố và ném đạn vào cảnh sát sau một buổi cầu nguyện ôn hòa.

Cảnh sát quốc gia cho biết vào tối 29/6 rằng, các sĩ quan phải đối mặt với những sự cố mới ở Marseille, Lyon, Pau, Toulouse và Lille, bao gồm cả đốt lửa và bắn pháo hoa.

Tại Marseille, cảnh sát đã sử dụng lựu đạn hơi cay trong các cuộc đụng độ với thanh niên tại điểm nóng du lịch Le Vieux Port.

Cảnh sát Pháp triên khai trên phố khi pháo hoa nổ trong cuộc đụng độ với thanh niên, sau cái chết của Nahel ở ngoại ô Paris hôm 30/6
Cảnh sát Pháp triển khai trên phố khi pháo hoa nổ trong cuộc đụng độ với thanh niên ở ngoại ô Paris vào sáng sớm ngày 30/6
Cảnh sát Pháp giữ vững vị trí trong cuộc đụng độ với người biểu tình
Cảnh sát Pháp giữ vững vị trí trong cuộc đụng độ với người biểu tình

Theo cảnh sát, 13 người đã thiệt mạng trong các vụ cảnh sát nổ súng vào năm 2022 vì không tuân thủ mệnh lệnh khi dừng xe. Năm nay, 3 người, bao gồm cả Nahel, đã chết trong hoàn cảnh tương tự.

Sau cái chết của Nahel, Chủ tịch Hạ viện Pháp Yael Braun-Pivet nói rằng bà sẵn sàng đánh giá lại cách thức thực thi luật quản lý việc sử dụng súng của cảnh sát. Luật này được thông qua vào năm 2017, sau một loạt các cuộc tấn công cực đoan ở Pháp.

Kể từ đó, các nhân viên thực thi pháp luật có thể bắn vào phương tiện khi người lái xe không tuân thủ mệnh lệnh và khi điều đó có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng của họ hoặc của những người khác.

Trong trường hợp của Nahel, viên cảnh sát bắn phát súng chí mạng sẽ bị điều tra về tội cố ý giết người sau khi cuộc điều tra ban đầu kết luận rằng tình huống “không đáp ứng các điều kiện để sử dụng vũ khí hợp pháp”.

Các chuyên gia đã đưa ra một phân tích thống kê liên kết sự gia tăng số người chết với luật mới, cho biết sự gia tăng tương tự về số người chết do bắn súng không xảy ra ở các nước láng giềng. Họ cũng đặt câu hỏi về việc thiếu đào tạo thích hợp cho các sĩ quan cảnh sát.

Một chiếc xe bị đốt cháy trong cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát
Một chiếc xe bị đốt cháy trong cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát

Tình trạng bất ổn ở các vùng ngoại ô của Pháp bắt đầu sau cái chết của Nahel không phải là chưa từng có.

Trở lại năm 2005, vụ Zyed Benna, 17 tuổi và Bouna Traore, 15 tuổi bị điện giật sau khi trốn cảnh sát trong một trạm biến áp ở ngoại ô Clichy-sous-Bois của Paris đã gây ra 3 tuần bạo loạn trên khắp nước Pháp. Mặc dù những cuộc bạo loạn bắt nguồn từ cái chết của thanh thiếu niên, chúng được thúc đẩy bởi những vấn đề sâu sắc hơn về phân biệt đối xử, thất nghiệp và cảm giác xa lạ với xã hội Pháp.

Gần 2 thập niên sau, những vấn đề và cảm giác bất công đó vẫn ăn sâu vào xã hội Pháp. Tuy nhiên, phản ứng đối với các cuộc bạo loạn có thể khác nhau. Không có video hiện trường nào được ghi lại vào năm 2005 và bạo loạn không lan nhanh như thời điểm này. Phương tiện truyền thông xã hội góp phần khuếch đại mâu thuẫn mới nhất.

Dù vậy nếu vào năm 2005, chính phủ Pháp đã làm gia tăng sự tức giận bằng một phản ứng tàn bạo theo luật tình trạng khẩn cấp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hiện có cách xử lý cẩn thận hơn nhằm tránh bùng nổ bạo lực. Phản ứng đầu tiên của ông Macron là tuyên bố rằng, cái chết của Nahel là “không thể bào chữa được”.

Tấn Vĩ (theo Reuters, AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI