Làn sóng lây nhiễm mới COVID-19 có thể “làm tê liệt” các bệnh viện Nhật Bản

19/04/2020 - 14:26

PNO - Các chuyên gia nhận định hệ thống y tế khẩn cấp của Nhật Bản “đã vỡ trận”, đó là bước đầu tiên của sự tê liệt hệ thống y tế.

Thông tin khiến người Nhật choáng váng là trường hợp một xe cấp cứu chở người đàn ông bị sốt và khó thở bị 80 bệnh viện từ chối và buộc phải tìm kiếm hàng giờ mới được một bệnh viện ở trung tâm thành phố Tokyo nhận bệnh nhân. Một người đàn ông khác có triệu chứng sốt cuối cùng đã được một bệnh viện tiếp nhận sau khi các nhân viên cấp cứu liên lạc với 40 phòng khám không thành công.

Một xe cấp cứu chở bệnh nhân từ tàu du lịch Diamond Princess đến bệnh viện thành phố Yokohama ngày 5/2/2020 - Ảnh: AP/Kyodo
Một xe cấp cứu chở bệnh nhân từ tàu du lịch Diamond Princess đến bệnh viện thành phố Yokohama ngày 5/2/2020 - Ảnh: AP/Kyodo

Hãng tin AP cho biết, Hiệp hội Y học cấp tính Nhật Bản (JAAM) và Hiệp hội Y học khẩn cấp (JSEM) cho biết nhiều phòng cấp cứu các bệnh viện ưu tiên bệnh viêm đường hô hấp cấp và từ chối điều trị cho các bệnh nhân bị đột quỵ, đau tim và chấn thương bên ngoài.

Ban đầu, Nhật Bản dường như kiểm soát được dịch bệnh bằng cách tập trung “đánh chặn” các cụm nhiễm trùng ở những địa điểm cụ thể, thường là các không gian kín như câu lạc bộ, phòng tập thể dục và các địa điểm gặp gỡ. Nhưng sự lây lan của virus vượt xa phương pháp này và hầu hết các trường hợp mới đều vuột ra ngoài tầm kiểm soát.

Dịch COVID-19 đã làm lộ ra những điểm yếu tiềm ẩn trong chăm sóc y tế tại Nhật Bản, vốn từ lâu được ca ngợi vì hệ thống bảo hiểm chất lượng cao và chi phí hợp lý. Ngoài việc người Nhật không sẵn sàng chấp nhận giãn cách xã hội, các chuyên gia còn chỉ ra sự yếu kém của chính phủ, sự thiếu hụt phổ biến các thiết bị bảo hộ và các nhân viên y tế thiếu thiết bị để làm việc trong điều kiện nhu cầu tăng vọt.

Nhật Bản không đủ giường bệnh, thiếu cả nhân viên y tế cũng như thiết bị bệnh viện. Việc buộc bất cứ ai nhiễm virus phải nhập viện, thậm chí cả các trường hợp có triệu chứng nhẹ, đã khiến các bệnh viện quá tải và nhân viên y tế thiếu trầm trọng.

Tuyên bố chung của hai hiệp hội y khoa JAAM và JSEM khẳng định, hệ thống y tế khẩn cấp của Nhật Bản “đã vỡ trận”, đó là bước đầu tiên của sự sụp đổ hệ thống y tế. Bằng cách loại bỏ bệnh nhân, các bệnh viện đang đặt gánh nặng quá mức lên số lượng hạn chế của các trung tâm cấp cứu tiên tiến và quan trọng, các hiệp hội trên cho biết.

Takeshi Shimazu, bác sĩ cấp cứu của bệnh viện Đại học Osaka cho biết, “chúng tôi không còn có thể thực hiện cấp cứu y tế thông thường nữa”.

Ông Yoshitake Yokokura, chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nhật Bản (JMA) cho biết, họ không có đủ áo choàng bảo hộ, khẩu trang và tấm chắn mặt, làm tăng nguy cơ nhiễm virus cho nhân viên y tế và khiến việc điều trị bệnh nhân COVID-19 ngày càng khó khăn. Nhiều bệnh viện nhiễm coronavirus khiến nhân viên y tế phải tự cách ly tại nhà, càng làm cho tình trạng thiếu y, bác sĩ trở nên tồi tệ hơn.

Trong tháng Ba đã có 931 trường hợp xe cứu thương bị từ chối bởi hơn 5 bệnh viện hoặc lái xe phải chạy lòng vòng 20 phút hoặc lâu hơn để đến phòng cấp cứu, con số này cùng kỳ năm ngoái là 700 trường hợp. Trong 11 ngày đầu tiên của tháng Tư, con số đó đã tăng lên 830.

Các chuyên gia Đại học Johns Hopkins (Mỹ) nhận định, với trên 10.296 ca nhiễm và 222 trường hợp tử vong, tình hình Nhật Bản không quá thảm khốc so với thành phố New York (Mỹ), nơi có hơn 10.000 ca tử vong, hay Ý, với hơn 23.000 ca tử vong. Nhưng họ lo ngại tình hình Nhật sẽ tồi tệ hơn nếu dịch lan rộng mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu dụng cụ bảo hộ và các thiết bị điều trị bao gồm khẩu trang và máy thở.

Thủ tướng Shinzo Abe cho biết chính phủ đã bảo đảm cung cấp 15.000 máy thở và đang nhận được sự hỗ trợ của Sony và Toyota Motor Corp. để sản xuất thêm thiết bị y tế đặc dụng này.

Bệnh viện Nhật Bản cũng thiếu ICU (phòng chăm sóc đặc biệt), và Osamu Nishida, chủ tịch Hiệp hội Y học Chăm sóc đặc biệt Nhật Bản cho biết, Nhật chỉ có 5 ICU trên 100.000 dân, trong khi đó con số này ở Đức là 30, Mỹ là 35, Ý là 12.

Hoàng Diệu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI