Làn sóng ‘đại di dời’ sản xuất của Trung Quốc còn tiếp diễn trong năm 2020

09/01/2020 - 15:00

PNO - Bất chấp triển vọng của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung mới đạt được, thường gọi là “thỏa thuận giai đoạn một”, cuộc đại di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp của Trung Quốc ra nước ngoài vẫn tiếp diễn trong năm 2020.

Chi phí tăng cao, quy định phức tạp và tình hình địa chính trị ngày càng bất ổn ở đại lục khiến ngày càng nhiều nhà sản xuất quyết định di dời nhà xưởng khỏi Trung Quốc.

Theo phân tích của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), xuất bản tại Hồng Kông, đợt sóng đầu tiên của các công ty rời khỏi Trung Quốc bắt đầu từ 12-18 tháng trước, và làn sóng thứ hai bắt đầu từ giữa năm 2019. Những diễn biến mới trong quan hệ Mỹ-Trung không ngăn bước được sự ra đi của các công ty nước ngoài sau khi họ từ bỏ giấc mơ tham gia “công xưởng của thế giới” ở Trung Quốc, góp phần định hình nền kinh tế toàn cầu trong 30 năm qua.

Nhiều công ty nước ngoài đang xem xét chuyển cơ sở sản xuất khỏi ​​Trung Quốc do chi phí tăng cao và không thể dự đoán được tình hình xuất khẩu từ đại lục - Ảnh: AP
Nhiều công ty nước ngoài đang xem xét chuyển cơ sở sản xuất khỏi ​​Trung Quốc do chi phí tăng cao và không thể dự đoán được tình hình xuất khẩu từ đại lục - Ảnh: AP

Vài tuần sau khi chuyển sang khởi động máy móc một dây chuyền sản xuất mới gần Bangkok (Thái Lan), nhà sản xuất từng trải Larry Sloven đã châm biếm gọi làn sóng di dời khỏi Trung Quốc là “Elvis đã rời khỏi tòa nhà” – một lối nói hài hước với công chúng sau buổi biểu diễn của vua nhạc pop Elvis Presley để những khán giả còn nán lại hãy giải tán về nhà.

Sau ba thập kỷ xây dựng cơ sở sản xuất ở Trung Quốc, nay trên cương vị giám đốc điều hành, Sloven đã giúp Capstone International Hong Kong (CIHK) cuốn gói khỏi Trung Quốc. Chi phí tăng trước cuộc chiến thương mại và mức thuế 25% đối với các mặt hàng chiếu sáng công ty xuất khẩu ngược “về” Mỹ đã đẩy nhanh dự án di dời xí nghiệp sang Thái Lan được công ty khởi động từ 18 tháng trước.

Bây giờ, mặc dù thời gian để lên kệ tại các cửa hàng ở Mỹ có thể mất tới 40 ngày từ Thái Lan, gần gấp đôi so với đường đi của hàng hóa từ Trung Quốc, nhưng rất ít nhà bán lẻ muốn trả giá cao để duy trì sản xuất ở Quảng Đông. Sloven nói, ngay cả khi thuế quan biến mất vào ngày mai, thì hầu hết mọi người cũng sẽ không quay trở lại.

Đây là tình huống diễn ra tại tất cả các công ty thế giới, vì các công ty quốc tế chấp nhận thực tế rằng “thỏa thuận thương mại giai đoạn một” giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không cải thiện đáng kể việc họ mở nhà xưởng tại Trung Quốc. Hậu quả là một làn sóng di dời sản xuất đã diễn ra từ cuối thập kỷ trước vẫn kéo dài sang thập kỷ mới, với cùng một nguyên nhân: chi phí lao động và môi trường, môi trường pháp lý bất ổn, thuế quan là mối đe dọa thường trực, khiến cho sống và làm việc tại đại lục có nhiều rủi ro.

Những ưu thế về đầu tư 30 năm trước ở Trung Quốc – hỗn hợp các chi phí, chất lượng, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng – nay “không lại” với môi trường đầu tư ở Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mexico, Thái Lan, Việt Nam…

Sloven nói rằng Việt Nam “đã đầy, giống như lấy vé ở tiệm bánh, bạn phải xếp hàng chờ”, còn Thái Lan không có xếp hàng, nhưng cũng sẽ đầy, nên ông cho rằng khởi sự lúc này là một bước đi đúng đắn.

Hàng rào thuế quan đã kéo giảm thặng dư thương mại của hàng hóa Trung Quốc đối với Mỹ 7,9% trong tháng 11, theo dữ liệu do Cục Điều tra dân số Hoa Kỳ công bố hôm 7/1. Hàng xuất khẩu của Trung Quốc, trong đó có mặt hàng điện thoại di động, sang thị trường Mỹ giảm 20,84% so với một năm trước đó và lượng hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 3/2013.

Trong khi đó, Mỹ đã mua thêm hàng hóa từ các quốc gia mà các nhà sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc thường chạy trốn đến. So với tháng 6/2018, một tháng trước khi cuộc chiến thương mại bắt đầu, nhập khẩu hàng hóa của Mỹ từ Việt Nam đã tăng 51,6%, Thái Lan tăng 19,7%, Malaysia tăng 11,3%, Indonesia tăng 14,6%, Đài Loan tăng 30% và Mexico tăng 12,7%.

Một giám đốc công ty cung cấp phụ kiện cho Apple cho biết gã khổng lồ công nghệ Mỹ nói với họ rằng họ nên lên kế hoạch rời khỏi Trung Quốc nếu họ muốn tiếp tục làm nhà cung ứng. Gợi ý đó buộc các công ty nhỏ phải nhòm ngó các địa điểm sản xuất mới ở Đông Nam Á.

Quế Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI