Làn sóng bác sĩ bỏ bệnh viện công ở Đồng Nai

18/01/2022 - 06:18

PNO - Tết Nguyên đán sắp đến gần nhưng trên bàn làm việc của Phòng Tổ chức Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai là một sấp giấy với 16 lá đơn xin nghỉ việc của cả bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên… Tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc còn xảy ra ở nhiều bệnh viện khác tại tỉnh Đồng Nai.

Bác sĩ, điều dưỡng lần lượt xin nghỉ

Trước đó, bệnh viện (BV) đã giải quyết cho 122 người thôi việc từ đầu năm 2021. Trong đó, có 35 bác sĩ, 43 điều dưỡng, còn lại là kỹ thuật viên và cán bộ các phòng, ban.  Chuyện bác sĩ nghỉ việc không mới nhưng năm nay căng thẳng hơn vì ngoài bác sĩ thì ngay cả điều dưỡng, kỹ thuật viên cũng xin nghỉ. Điều đáng nói là họ đều là những người có tay nghề và được đào tạo bài bản. Chia sẻ về tình trạng này, bác sĩ Phạm Văn Dũng, Giám đốc BV Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai, bày tỏ: “So với các năm trước, năm nay các y, bác sĩ nghỉ nhiều hơn, khiến chúng tôi thực sự căng thẳng”.

Nhiều bác sĩ ở Đồng Nai xin nghỉ làm ở bệnh viện công vì thu nhập không tương xứng (ảnh manh tính minh họa)
Nhiều bác sĩ ở Đồng Nai xin nghỉ làm ở bệnh viện công vì thu nhập không tương xứng (ảnh manh tính minh họa)

Tương tự, BV Đa khoa Đồng Nai cũng đối mặt với tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc rất đông dù đây là BV tuyến tỉnh, có cơ sở vật chất khang trang. Trong năm 2021, BV này cũng có 100 người nghỉ việc, trong đó có 29 bác sĩ. Bác sĩ Lê Thị Phương Trâm, Phó Giám đốc BV Đa khoa Đồng Nai, cho hay nhóm xin nghỉ việc đa phần đều là những người có tay nghề, học xong chuyên khoa I (đối với bác sĩ) và có chứng chỉ hành nghề.

Xưa nay, các BV không quá lo lắng tình trạng điều dưỡng nghỉ việc vì rất ít khi xảy ra nhưng giờ lại là điều đáng lo ngại. Bác sĩ Phạm Văn Dũng dẫn chứng, đào tạo một điều dưỡng cao đẳng hết ba năm. Vậy nhưng, một điều dưỡng mới ra trường thu nhập chỉ 3 - 4 triệu đồng/tháng, thấp hơn cả công nhân mới vào nghề. Trong khi lực lượng điều dưỡng làm việc rất vất vả, đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao.

Lương quá thấp, bác sĩ chuyển sang bệnh viện tư

Nguyên nhân chính của tình trạng nhân viên y tế BV công xin nghỉ việc là do thu nhập thấp, môi trường làm việc áp lực. Riêng tình trạng nghỉ việc ồ ạt năm nay nghiêm trọng hơn các năm trước còn do yếu tố dịch bệnh. Năm 2021, các BV hầu như chỉ tập trung cả nhân lực lẫn vật lực để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Trong đợt dịch lần thứ tư, các BV tuyến tỉnh tại Đồng Nai đã triển khai khu hồi sức tích cực COVID-19. Cũng do dịch, lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh vắng, còn BV không làm dịch vụ nên nguồn thu rất eo hẹp. Điều này cũng kéo theo thu nhập của cán bộ, nhân viên BV giảm mạnh. “Điều đáng buồn là những người nghỉ việc đều đã được đào tạo bài bản, có chứng chỉ hành nghề, chuyên môn. Họ nghỉ cũng “kẹt” cho chúng tôi vì không có nhân lực thì không thể triển khai kỹ thuật mới”, bác sĩ Phạm Văn Dũng tâm sự.

Trước tình trạng “chảy máu” bác sĩ, BV Đa khoa Đồng Nai đã tiến hành một cuộc khảo sát. Kết quả cho thấy, có tới 70% bác sĩ mong muốn mức lương tăng lên từ 20 - 25 triệu đồng mới đủ sống; 20% bác sĩ mong muốn mức lương tăng lên từ 25 - 30 triệu đồng. Do đó, mức dao động để bác sĩ đảm bảo làm việc tại BV là khoảng 20 triệu đồng/tháng. “Tuy nhiên, nguồn tài chính để tăng lương cho bác sĩ là rất khó khăn và chưa có giải pháp hữu hiệu” - bác sĩ Lê Thị Phương Trâm chia sẻ.

“Một bác sĩ “làm được việc” tại BV công chỉ có thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng, nhưng ở BV tư, họ sẵn sàng trả gấp 3 - 4 lần thì sao các bác sĩ không nghỉ việc được”, bác sĩ Phạm Văn Dũng băn khoăn. Gần đây, nhiều điều dưỡng giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm cũng sang BV tư làm việc. Theo bác sĩ Phạm Văn Dũng, Nhà nước cần có cơ chế lương ưu đãi hơn cho đội ngũ y tế công, gấp đôi hiện nay may ra mới giữ chân được họ.

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, nhận định chuyện bác sĩ, điều dưỡng có kinh nghiệm nghỉ việc ở BV công không mới nhưng rất đáng báo động. Trên thực tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế ở BV công tốt hơn BV tư, cơ hội thăng tiến sự nghiệp cao hơn, nhưng các bác sĩ vẫn chuyển sang BV tư vì yếu tố thu nhập. Điều này là nỗi băn khoăn của cả lãnh đạo BV và lãnh đạo ngành. Dù ngành y tế đề ra nhiều giải pháp nhằm tăng thu nhập cho nhân viên y tế nhưng thực tế vẫn chưa hữu hiệu vì còn vướng nhiều cơ chế. Cụ thể, hệ số lương chưa hợp lý, không có cơ chế trả lương khác biệt cho người có trình độ cao; viện phí vẫn chưa tính đúng, tính đủ; và thanh quyết toán bảo hiểm y tế còn nhiều bất cập. Hơn nữa, y tế công đang phải “gánh” các ca bệnh nặng, những trường hợp nghèo thì miễn giảm viện phí trong khi BV đã tự chủ tài chính nên “khó càng thêm khó”. 

Gia Huy
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI