“Làn sóng” AI, đồ họa trong MV Việt

11/07/2024 - 07:54

PNO - Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đồ họa trong MV của ca sĩ Việt mang lại trải nghiệm mới cho người xem; cho thấy sự nhanh nhạy thử nghiệm, thích nghi của ca sĩ trong thời đại bùng nổ công nghệ.

Nở rộ MV phong cách mới

Ca sĩ Đan Trường vừa ra mắt MV Em ơi ví dầu với phần hình ảnh được tạo bằng AI. Từ phong cảnh làng quê Việt cho đến chân dung ca sĩ xuất hiện trên video đều do AI thực hiện. Đan Trường phiên bản AI nhìn khá giống với nam ca sĩ ngoài đời qua mái tóc đặc trưng, gương mặt thanh tú. Tuy nhiên, khi âm nhạc cất lên, lời hát và khẩu hình không khớp. Ngoài ra, bài nhạc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ nhưng một số hình ảnh trong MV lại là ruộng bậc thang, núi non trùng điệp của Tây Bắc.

Ca sĩ Đan Trường phiên bản AI trong MV Em ơi ví dầu - Ảnh chụp màn hình
Ca sĩ Đan Trường phiên bản AI trong MV Em ơi ví dầu - Ảnh chụp màn hình

Chia sẻ về quyết định thực hiện MV bằng AI, Đan Trường cho biết, anh muốn mang tới sự mới mẻ cho khán giả, dù biết lựa chọn này mang tính rủi ro lớn. Để làm được MV hiện tại, ê kíp đã kỳ công cho AI “học” nhiều hình ảnh của Đan Trường nhất có thể, kết hợp cùng lúc nhiều công nghệ khác nhau. Về chuyển động, ê kíp cho biết, các công cụ AI hiện tại chỉ hỗ trợ tạo các đoạn video dài 4 giây nên việc kiểm soát hình ảnh rất khó. “Trung bình, để tạo ra một đoạn clip ngắn 4 giây, chúng tôi cần sử dụng từ 4 đến 16 tấm hình. Để hoàn thành MV này, chúng tôi đã dùng các công cụ AI khác nhau để tạo hơn 600 hình ảnh” - Đan Trường chia sẻ.

Trước đó, vào tháng 3/2023, Ann - nữ ca sĩ ảo đầu tiên của Việt Nam - đã ra mắt MV Làm sao nói thương anh gây chú ý trên thị trường nhạc Việt. 2 MV đều là sản phẩm của công nghệ, nhưng so với Em ơi ví dầu, về phần nhìn, MV của Ann mượt mà hơn với đa dạng góc máy, chuyển động.

Thời gian qua, thị trường nhạc Việt xuất hiện nhiều MV đồ họa, ứng dụng công nghệ trong sản xuất. Như Sweet home của ca sĩ Hương Tràm khá ấn tượng về phần nhìn khi cô xuất hiện trong thế giới truyện tranh. Toàn bộ MV đều được vẽ với những chuyển động sinh động như một bộ phim hoạt hình thực thụ. Cách Hương Tràm xuất hiện trong thế giới truyện tranh cũng tạo được sự mới mẻ dù nhiều phân đoạn nhìn cô như bị tách biệt khỏi khung hình.

Cách đây 4-5 năm, xu hướng sản xuất MV phong cách animation (tạm gọi là MV hoạt hình) đã được ca sĩ chọn thực hiện. MV Nếu một mai tôi bay lên trời, Người gieo mầm xanh, Cảm ơn và xin lỗi, Đi đâu để thấy hoa bay... đều là những thước phim hoạt hình bắt mắt, được chú ý ở thời điểm ra mắt. Đến nay, sau một thời gian “nhường sân” cho những phong cách MV khác, animation MV trở lại, trong đó có Mỹ Tâm với MV Cố hương.

Chuộng đơn giản hình thức
Thị trường nhạc Việt có thời gian nổi lên xu hướng thực hiện MV như phim ngắn, với các tình tiết kịch tính nối tiếp nhau. Ca sĩ Hương Giang gần như dẫn đầu xu hướng này khi series Anh đang ở đâu đấy anh của cô được khán giả yêu thích. Nhưng sau thời gian thịnh hành, loạt MV này hiện đã dần thoái trào.

MV Cố hương của Mỹ Tâm được thực hiện theo phong cách hoạt hình - Ảnh chụp màn hình
MV Cố hương của Mỹ Tâm được thực hiện theo phong cách hoạt hình - Ảnh chụp màn hình

Các MV hiện tại chuộng hình thức đơn giản, tập trung đầu tư vào âm nhạc thay vì phần hình ảnh. Như album mới ra mắt của ca sĩ Soobin Hoàng Sơn, anh chỉ đầu tư kinh phí sản xuất 1 MV. Trong đó, anh xuất hiện cùng nữ rapper tlinh (Nguyễn Thảo Linh) với bối cảnh đơn giản, tập trung hiệu ứng ánh sáng, chuyển động của cơ thể. Những bài nhạc còn lại trong album, anh thực hiện MV visualizer (MV đồ họa) cũng đơn giản. Ca sĩ Hà Anh Tuấn với MV Hoa hồng mới đây cũng kết hợp công nghệ AI và 3D thay vì sản xuất MV người đóng như thường thấy.

Ở thị trường nhạc Việt hiện tại, không nhiều ca sĩ chọn “chơi lớn” như Trung Quân khi anh tung 9 MV cho 9 ca khúc trong album đầu tay Người đang yêu. Có thể nỗi lo tốn nhiều kinh phí sản xuất, mất thời gian, ý tưởng thực hiện... nhưng không chắc sẽ được khán giả đón nhận và đạt hiệu quả trong khâu truyền thông nên gần đây, đa phần ca sĩ thực hiện gói ghém hơn, dù cũng tung album đồ sộ tương tự.

Về phía khán giả, công chúng không đòi hỏi tất cả MV phải thật lung linh, có câu chuyện mà quan tâm nhiều hơn đến chất lượng âm nhạc, cảm xúc bài nhạc mang tới. Do đó, tùy vào mục đích, ca sĩ và ê kíp có thể sử dụng công nghệ AI, đồ họa hay hoạt hình để hỗ trợ, chủ yếu mang lại trải nghiệm mới cho khán giả. Với những sản phẩm này, âm nhạc phải thật sự chất lượng vì giữ vai trò chính trong việc tạo cảm xúc, phần nhìn chỉ đóng vai trò phụ.

MV Em ơi ví dầu:

“Đây là sản phẩm mang tính thử nghiệm, xây dựng điều mới mẻ và khác biệt để gửi đến quý khán giả. Có thể vẫn chưa trọn vẹn và thật sự xuất sắc, nhưng vẫn là sự cố gắng mà ê kíp thực hiện” - nội dung được phía ca sĩ Đan Trường đưa ra khi truyền thông cho MV Em ơi ví dầu. Với những sản phẩm tiên phong, việc gặp phải những ý kiến chê bai là điều khó tránh.

Hiện MV Em ơi ví dầu đang bị chê vì gương mặt của AI đơ cứng, nhép không cảm xúc. Khán giả nói, giá như Đan Trường đóng, MV sẽ được ủng hộ nhiều hơn. Đây là điều mà Đan Trường và ê kíp đã lường trước, nhưng anh vẫn quyết định thực hiện. Tinh thần này, nhìn ở hướng tích cực cũng đáng hoan nghênh, vì từ những thử nghiệm ban đầu, các ca sĩ khác, nếu chọn hướng đi tương tự, có thể xem và rút kinh nghiệm để có những sản phẩm tốt hơn.

An Trịnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI