Từ loạt bài "Nạn mua bán người vẫn nhức nhối từng ngày" của báo Phụ nữ TPHCM:

Lần ra đường dây và bắt giữ những kẻ buôn người

04/11/2023 - 06:19

PNO - Từ ngày 4 - 16/10/2023, Báo Phụ nữ TPHCM đăng loạt bài "Nạn mua bán người vẫn nhức nhối từng ngày". Từ lời khai của các nạn nhân, Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Trung đã cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị xác lập chuyên án A2-823p tìm ra đường dây và bắt giữ những kẻ buôn người.

Đại tá Lê Thiết Hùng - Đoàn trưởng Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Trung - cho biết, đây là chuyên án phức tạp bởi sự việc xảy ra đã lâu, ở nhiều địa bàn từ Nam ra Bắc; nạn nhân không biết rõ lai lịch của những kẻ buôn người. Với quyết tâm cao nhất, đặc biệt với sự hỗ trợ của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) các tỉnh Sơn La, Hà Tĩnh, ban chuyên án đã có được những thông tin quan trọng.

Trong tháng 10/2023, ban chuyên án đã triệu tập Lò Văn Sanh (sinh năm 1990, ở huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, hiện sinh sống cùng vợ và 2 con ở xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) để làm việc. Từ lời khai của  Sanh, ban chuyên án tiếp tục triệu tập chị gái của Sanh là Lò Thị Sầu (sinh năm 1984, trú tại huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La). Từ đây, câu chuyện đã dần được sáng tỏ. 

Đối tượng Lò Văn Sanh trả lời các câu hỏi của cán bộ điều tra Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị - Ảnh: Nguyễn Hòa Bình
Đối tượng Lò Văn Sanh trả lời các câu hỏi của cán bộ điều tra Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị - Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Biết không thể chối cãi, Lò Văn Sanh đã thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình. Theo đó, vào năm 2018, Sanh vào tỉnh Bình Dương làm công nhân ở huyện Tân Uyên và quen biết 1 cô gái tên T. (người Vân Kiều, trú tại xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị). Cả 2 nảy sinh tình cảm và chung sống với nhau.

Một thời gian sau, em họ của T. là Hồ Thị Th. (27 tuổi, người Pa Cô, trú tại xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) vào Bình Dương tìm việc làm và ở cùng phòng với Sanh và T. Được khoảng 1 tuần, Sanh nhận được điện thoại của chị gái Lò Thị Sầu, nói tìm người đưa qua Trung Quốc để đàn ông Trung Quốc cưới làm vợ. Thực chất, Sanh hiểu là đưa người vượt biên qua Trung Quốc để bán lấy tiền.

Thấy Hồ Thị Th. không biết chữ, ít hiểu biết, nên Sanh nảy sinh ý định xấu. Sanh nói là giới thiệu Th. ra TP Hà Nội để bán quần áo cho chị ruột của mình, lương tháng 6-7 triệu đồng. Th. đồng ý. Sầu chuyển khoản cho Sanh 5 triệu đồng để “lo việc”. 

Đề phòng bại lộ, Sanh lấy điện thoại của Th. cài đặt chặn hết các số điện thoại của người thân, chỉ Sanh và Sầu mới có thể liên lạc được. Nửa tháng sau, Sầu gửi cho Sanh 4 triệu đồng và nói “Bán được ít nên chị chuyển từng này”. 

Theo lời Sanh, thực ra anh ta có áy náy khi cấu kết với chị gái để bán Th. sang Trung Quốc. Khi T. nghi ngờ vì không liên lạc được với em họ, Sanh đã điện thoại cho chị gái bảo “hay cho Th. quay lại đi” thì Sầu nói “lỡ rồi”, rồi tắt máy. Cuối năm đó, Sanh định đưa T. về quê sinh sống, nhưng vì ám ảnh và lo sợ Th. có thể trốn về tố cáo mình nên đã đưa vợ con đi làm ăn ở một số tỉnh khác. Lúc Sanh bị BĐBP triệu tập, anh ta đang làm công nhân ở tỉnh Hà Tĩnh.

Lực lượng chức năng cùng cơ quan điều tra đọc quyết định khởi tố bắt tạm giam đối tượng Lò Văn Sanh và Lò Thị Sầu - Ảnh: Nguyễn Hòa Bình
Lực lượng chức năng cùng cơ quan điều tra đọc quyết định khởi tố bắt tạm giam đối tượng Lò Văn Sanh và Lò Thị Sầu - Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Là phụ nữ, chưa học hết lớp Mười hai nhưng Lò Thị Sầu sớm đi đó đây, trong Nam ngoài Bắc để buôn bán. Thị ăn mặc sành điệu, nói năng lưu loát, khó có thể nhận ra đây là cô gái được sinh ra ở vùng cao tỉnh Sơn La. Sầu có “máu đỏ đen” nên tìm mọi cách để có tiền và không từ cả những việc làm vi phạm pháp luật.

Khi vào tỉnh Bình Dương thăm T. sinh con, chỉ câu trước câu sau là Lò Thị Sầu đã hỏi em trai “có ai nữa không?”. Vài năm trước, Sầu bị công an bắt vì tội đánh bạc và bị giam tại trại giam Thanh Hóa. Ngày 2/9/2023 vừa qua, Sầu được ân xá, ra tù trước hạn. Thế nhưng, chưa kịp tận hưởng không khí tự do thì Sầu lại bị lực lượng BĐBP triệu tập làm việc. 

Đại tá Lê Văn Phương - Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Trị - cho biết, trên cơ sở kết quả điều tra, BĐBP tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Mua bán người” đồng thời chuyển hồ sơ và bàn giao 2 đối tượng cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Trị để điều tra theo thẩm quyền. Từ vụ án này cho thấy, nạn mua bán người vẫn là một vấn đề nhức nhối. 

 Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI