Lặn lội thân cò

25/07/2015 - 06:10

PNO - PN - Ngày anh dẫn chị về ra mắt, anh em trong nhà đều nhìn chị bằng ánh mắt khinh rẻ, coi thường. Nhiều khi túm tụm lại trò chuyện, họ còn bóng gió ví chị là “đỉa đeo chân hạc”.

Anh là con trai thứ ba trong gia đình năm anh chị em. Gia đình anh thuộc dạng bề thế ở xóm, nhà mở tiệm vàng, tiền bạc luôn rủng rỉnh. Các anh chị của anh người tốt nghiệp đại học trong nước, người đi du học ở nước ngoài. Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật loại ưu, vẽ đẹp lại hát hay. Chị gia đình gốc nông dân, nghèo, anh chị em đều ít học. Chị học hết trung học phổ thông, không có tiền thi vào đại học nên đi làm công nhân may.

Nhiều lần chị có ý định rút lui vì mặc cảm không xứng với anh, nhưng anh lại hết lời khuyên nhủ chị mạnh mẽ giữ lấy tình yêu. Sau những rào cản lời ra tiếng vào, cuối cùng cha mẹ anh cũng miễn cưỡng tác hợp hôn nhân cho anh chị.

Nhưng, lấy anh rồi, chị mới thấm thía nỗi nhọc nhằn. Dù học vẽ nhưng anh lại không đam mê cây cọ mà suốt ngày chỉ chăm chăm vào trồng mấy cây cảnh quanh nhà. Anh không thích đi làm cho công ty vì cho rằng “làm thuê, người ta sai bảo hèn lắm”. Nhà anh quen biết rộng, bà con dòng họ đều có địa vị nên năm lần bảy lượt, cô dì, chú bác giới thiệu hết việc nhà nước đến tư nhân, anh đều lắc đầu từ chối. Nhiều lần chị khuyên nhủ chồng đi làm nhưng anh không nghe.

Lan loi than co

Ngày chị có thai đứa con đầu lòng, dù gần sinh vẫn phải vác bụng bầu chạy xe đi làm. Anh chỉ ở nhà tỉa tót cây cảnh, bán kiếm vài đồng ra vào. Số tiền ấy đủ cho anh cà phê, thuốc lá. Sinh con được hơn hai tháng, chị sốt ruột, không dám ở cữ lâu, gửi cháu cho bà nội trông để đi làm. Tất cả chi phí lớn nhỏ trong nhà đều một tay chị lo liệu. Dù mẹ anh nhiều lần dấm dúi tiền hỗ trợ nhưng chị ái ngại từ chối. Chị sợ miệng lưỡi của các chị dâu, em chồng. Chị không muốn gia đình, dòng họ anh coi vợ chồng chị là “ký sinh”.

Nhìn cảnh con dâu vừa nuôi con, vừa nuôi chồng bằng đồng lương công nhân ít ỏi, gia đình anh bắt đầu nể chị ra mặt. Khác với thái độ xem thường trước đây, họ dần nhận ra anh lấy được chị là có phước. Những ngày mưa gió, con nóng sốt, bệnh tật, chị vừa đi làm, vừa chăm con, trông chị tất tả, mệt mỏi, ai cũng mủi lòng. Ngày xưa, nhiều người nói chị may mắn lấy chồng giàu như “chuột sa hũ nếp” nhưng giờ ngẫm lại, chị mới là người thua thiệt.

Dù chồng không làm ra tiền nhưng những khi gia đình anh có giỗ chạp hay công chuyện, chị đều ít nhiều đóng góp theo kiểu “của ít lòng nhiều”. Chị cũng không bao giờ mở miệng than nghèo kể khổ hay cầu xin sự thương hại, giúp đỡ của nhà chồng. Sự kiên cường, mạnh mẽ, chịu thương chịu khó của chị dần dà làm thay đổi cách nghĩ của mọi người trong gia đình anh về chị. Mẹ và các anh chị em chồng cũng không còn khinh chị ít học. Nhiều lần chị nghe hàng xóm tỉ tê: “Nhà đó có phước mới được cô con dâu vừa hiền lành, vừa siêng năng lại hiếu thuận”.

Nhiều người không khỏi ngạc nhiên hỏi chị sao có thể chung sống với một người chồng lười biếng và vô trách nhiệm như anh. Chị giải thích, anh cũng có nhiều ưu điểm, đối xử với vợ dịu dàng, không vướng vào “tứ đổ tường”… Chị thấy mình hy sinh cho anh cũng đáng. Chị còn bảo, ở đời không ai hoàn hảo. Chị chấp nhận anh vì tin số phận đã định…

 NGUYỄN NGA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI