3 tác phẩm Hai bên chiến tuyến (nhà văn Từ Nguyên Thạch), Nồi đất (Bùi Quang Lâm) và Quỹ chủ (Lưu Vĩ Lân) đưa bạn đọc trở về cùng ký ức chiến tranh, với câu chuyện của những người trong cuộc cũng như góc nhìn về cuộc chiến sau một độ lùi gần nửa thế kỷ.
Tác phẩm Hai bên chiến tuyến vừa chính thức lên kệ vào ngày 30/4
Hai bên chiến tuyến
Bối cảnh truyện và ký đều diễn ra ở Quảng Ngãi, hai bên chiến tuyến là câu chuyện của những gia đình có người tham gia ở hai phía. Từ người thân ruột thịt, bạn bè thâm giao trở thành hai người đối đầu nhau trên chiến trường. Truyện ngắn được chọn làm tiêu đề tác phẩm kể về hai anh em Long và Phụng, họ rất yêu thương nhau nhưng cuộc chiến đã mang họ về hai phía, buộc họ phải đối đầu và lựa chọn giữa tình thâm và sinh tử. Nỗi đau đớn và giằng xé, ám ảnh của các nhân vật được chọn kể bằng thể loại truyện ngắn.
Song hành cùng với thể ký là những ghi chép về sự thật, và dù ở thể loại nào, những câu chuyện được kể lại cũng đều chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc. Bên cạnh những ký ức buồn là những câu chuyện kết thúc có hậu: Đá nở hoa, Mùi củ cải trắng, Đôi nạng gỗ đi qua thành phố... Giữa cuộc chiến, thắp sáng và an ủi lòng người là tình yêu thương, lòng nhân nghĩa, tinh thần đoàn kết về nghĩa đồng bào cao đẹp. Tác giả gửi gắm vào trang viết mong ước hòa hợp, hòa giải dân tộc để xoa dịu, chữa lành vết thương sau chiến tranh.
Nhà văn Từ Nguyên Thạch
“Khi nước mắt rơi cần lắm một chiếc khăn lau. Văn tôi xin được làm chiếc khăn lau. Để không còn nước mắt trên gương mặt, để vén nụ cười vừa hé. Và như bạn thấy, phía sau nước mắt, nụ cười là ước mơ vươn lên một cuộc sống tươi đẹp. Khi viết về chiến tranh là tôi muốn xóa đi chiến tranh, nối vòng tay lớn của dân tộc mà đi tới tương lai. Phải nhớ rằng chiến tranh là không có thắng thua, không có được hơn mà chỉ có mất mát” - nhà văn Từ Nguyên Thạch chia sẻ.
Nồi đất
Sau Đất K - tác phẩm được trao giải thưởng năm 2020 của Hội Nhà văn TPHCM, nhà văn - họa sĩ Bùi Quang Lâm viết tiếp tập tản văn Sài Gòn mưa nắng và mới đây, anh trở lại với tiểu thuyết Nồi đất. Nếu Đất K là câu chuyện về người lính trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam thì Nồi đất là giai đoạn trước khi người lính ấy lên đường nhập ngũ.
“Nồi đất là ký ức thiêng liêng về tuổi thơ anh, gia đình anh, về sự lựa chọn, dấn thân của anh khi Tổ quốc cần, sự chuyển mình đau đớn của một thành phố đi qua những thăng trầm để có được ngày hôm nay. Anh nói với tôi, đọc Nồi đất sẽ hiểu vì sao anh viết Đất K” - nhà văn Trầm Hương, một trong những người đầu tiên đọc tác phẩm khi còn là bản thảo chia sẻ.
Nhiều người nói rằng, sau Đất K có thể Bùi Quang Lâm sẽ khó viết tiếp, hoặc nếu có cũng rất khó vượt qua cái bóng của tác phẩm trước. Nhưng rồi với Nồi đất, anh đã cho thấy trữ lượng văn chương vẫn rất dồi dào khi mang đến cho người đọc một câu chuyện với một ấn tượng rất khác. Nồi đất kể với bạn đọc từ ký ức tuổi thơ, cho đến khi trở thành người lính, đến lúc trở về. Nhưng không chỉ là cuộc đời của nhân vật mà còn là số phận của bao con người, ở một vùng đất hết sức đặc biệt trong lòng thành phố.
Tác phẩm thứ ba của nhà văn - họa sĩ Bùi Quang Lâm
“Tôi chào đời trên vùng đất hoang hóa. Nơi đây là một khu ao tù nước đọng nên mùa nắng nóng nước đóng màng cáu vàng, sặc mùi hôi bốc lên và tiếng ong ong của đủ loài côn trùng ruồi nhặng gây nhiều bệnh tật…” - tác phẩm được mở đầu như thế. Và đó chính là quận 4 với những “khu ổ chuột”, những phận người lam lũ…
Một bối cảnh hết sức cụ thể như quận, huyện rất ít khi xuất hiện trong văn chương. Nhưng Bùi Quang Lâm đã đưa vào tác phẩm của mình bằng những hồi tưởng rất giàu hình ảnh, như thể anh đang vẽ lại quận 4 của một thời bằng ngôn ngữ. Chính điều này khiến cho Nồi đất được đánh giá là có cách tiếp cận khá mới. Từ bối cảnh ấy, cuộc đời của nhà văn - nhân vật cũng như những số phận khác được kể lại, chậm rãi mà đi dài qua cả cuộc chiến tranh, qua cả đời người…
Quỹ chủ
Tiêu đề tác phẩm là một cách chơi chữ của nhà văn Lưu Vĩ Lân, Quỹ chủ là một biệt danh được đặt cho nhân vật Cao trong tác phẩm, có nghĩa ông chủ của Quỹ hỗ trợ gia đình chính sách. Nhưng cũng chính vì lựa chọn này mà Quỹ chủ trở thành một tiêu đề hết sức ấn tượng cho câu chuyện mà nhà văn đã kể trong tác phẩm.
Bối cảnh truyện diễn ra trong khoảng 10 năm, giai đoạn từ những năm cuối thập niên 1960 đến sau ngày giải phóng miền Nam. Trong tác phẩm của nhà văn Lưu Vĩ Lân, chiến tranh không có bom rơi đạn nổ mà đó là số phận kỳ lạ của Cao - một thanh niên làng biển, lớn lên tham gia hoạt động cách mạng và khi hòa bình lập lại, anh trở thành một nhà tư sản. Số phận kỳ lạ đó còn vì những mối quan hệ không thể ngờ đến giữa anh và vợ một cố vấn Mỹ, cùng những thương nhân Hoa kiều, rồi cả những người tổ chức vượt biên, những kẻ rửa tiền, những người thua cuộc và muốn trở về làm một cuộc lật đổ...
Quỹ chủ có cách kể lôi cuốn, lịch sử không được tái hiện bởi những sự kiện cụ thể mà là một tiến trình. Bánh xe thời gian đã quay và cuốn vào đó những cuộc đời, những số phận. Cao không phải là một "hình tượng điển hình" nhưng sự khác biệt của nhân vật mới cho người đọc thấy một nhân diện khác, những góc khuất khác của cuộc chiến, của con người.