Lan đột biến trăm tỷ đã đến lúc “đột biến”?

14/04/2021 - 09:41

PNO - Giám đốc Công an TP. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, triệu tập những người liên quan để làm rõ nghi vấn chủ vườn lan đột biến “ôm” hàng chục tỷ đồng rồi bỏ trốn.

Như báo Phụ Nữ TPHCM đưa tin, Công an huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đang phối hợp với các đơn vị chức năng xác minh thông tin liên quan đến vụ việc chủ vườn lan trên địa bàn huyện “ôm" tiền của khách rồi bỏ trốn.

Thông tin về chủ vườn lan ở Ứng Hòa nghi bỏ trốn được chia sẻ trên Facebook
Thông tin về chủ vườn lan ở Ứng Hòa nghi bỏ trốn được chia sẻ trên Facebook

Người mua đồng loạt trình báo

Thông tin ban đầu, công an nhận được đơn trình báo của ba công dân phản ánh việc chuyển tiền cho chủ vườn lan H.T. tại xóm Chợ, thôn Đinh Xuyên, xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa để mua bán lan đột biến.

Tuy nhiên, đến ngày giao cây thì khách hàng không liên lạc được với chủ vườn lan, khi đến nhà không biết chủ vườn lan đi đâu. Tổng số tiền theo đơn trình báo là khoảng 11 tỷ đồng.

Trước tính chất phức tạp của vụ việc, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP. Hà Nội - đã chỉ đạo Công an huyện Ứng Hòa phối hợp lực lượng chức năng khẩn trương xác minh, triệu tập những người có liên quan để điều tra, làm rõ và xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.

Được biết, không chỉ tại Ứng Hòa, một số địa bàn khác trên TP. Hà Nội cũng nhận được nhiều đơn trình báo của người dân liên quan đến các giao dịch lan đột biến.

Trong đó, Công an huyện Hoài Đức cũng vừa tiếp nhận đơn trình báo của khoảng 7-8 người. Đơn vị này đã cử cán bộ đi xác minh để làm rõ những nội dung trình báo nêu trên.

Anh N.V.S. (trú tại Vĩnh Phúc), một trong những người có đơn trình báo, cho biết thông qua mạng xã hội và người quen, anh biết đến các vườn lan ở huyện Hoài Đức (Hà Nội), huyện Yên Thủy (Hòa Bình), huyện Chương Mỹ (Hà Nội), huyện Long Thành (Đồng Nai)...

Tiếp đó, anh S. đến tận vườn để xem hoa. Chủ vườn giới thiệu nhiều gốc hoa lan đột biến, quảng cáo hoa chuẩn nên anh mua. Tuy nhiên, sau khi anh S. bán lại cho khách, nhiều người phản hồi hoa không phải đột biến, anh nói với chủ vườn thì họ cắt đứt liên lạc.

Theo người này, tổng số tiền mà anh đầu tư vào lan đột biến khoảng 10 tỷ đồng. Khi thấy các gốc lan không phải đột biến, anh mang đến gặp để trả lại cho chủ vườn, họ đều không liên lạc được, vườn thì bỏ trống, vườn thì được người khác quản lý và nói không biết gì.

Tương tự, liên quan đến vụ việc chủ vườn lan ở Ứng Hòa nghi bỏ trốn, trên mạng xã hội Facebook nhiều người chia sẻ rầm rộ thông tin công an đang vào cuộc điều tra. Một số người nhận mình hoặc người quen từng giao dịch với chủ vườn này. Hiện công an phải vào cuộc xác minh nên họ đang rất lo lắng, bất an.

Thời gian qua, công an nhiều tỉnh thành đã cảnh báo về sự rủi ro từ hoa lan đột biến
Thời gian qua, công an nhiều tỉnh thành đã cảnh báo về sự rủi ro từ hoa lan đột biến

Nguy cơ rủi ro là rất lớn

Thời gian qua, lan đột biến trở thành tâm điểm thu hút quan tâm của dư luận. Hàng loạt thương vụ giao dịch lan đột biến với giá hàng chục tỷ, thậm chí cả trăm tỷ đồng được chia sẻ ngập tràn trên Facebook. Kèm theo đó, rất nhiều hình ảnh thể hiện những nhóm người đang giao dịch mua hoa với cả “núi tiền” trước mặt, khiến không ít người phải trầm trồ.

Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có bất cứ cơ quan chức năng nào xác nhận về giá trị thực sự của những thương vụ nêu trên. Trong khi đó, công an nhiều tỉnh thành đã nhiều lần cảnh báo về sự rủi ro từ lan đột biến mang lại.

Điển hình, Công an tỉnh Hưng Yên nhận định việc đầu tư, kinh doanh lan đột biến đang có xu hướng tạo thành trào lưu, nhiều người nhìn từ bên ngoài tưởng việc kinh doanh này dễ kiếm lời nên bất chấp rủi ro, cầm cố tài sản, vay mượn ngân hàng, người thân, thậm chí “tín dụng đen”.

Thế nhưng, các hoạt động liên quan đến mua bán lan đột biến đang tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự. Bởi lẽ, giá trị lan đột biến được định giá tự do, không có căn cứ, là cơ hội cho hành vi thổi giá, gây hấp dẫn giả để dụ người chơi mới, kém hiểu biết tham gia.

Các hoạt động mua bán, giao dịch lan đột biến diễn ra tự phát, không có kiểm soát từ cơ quan chức năng, có nguy cơ biến tướng thành hoạt động đa cấp hoặc rửa tiền. Do không có đảm bảo, chứng nhận hợp pháp về chất lượng lan đột biến nên dễ phát sinh lừa đảo, tranh chấp sau giao dịch.

Tương tự, trước tình hình phức tạp do hoạt động mua bán lan đột biến gây ra, công an các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang… cũng phát đi thông báo cảnh báo tới người dân, đề nghị mỗi cá nhân cần tỉnh táo, nâng cao cảnh giác nhằm tránh bị lừa.

Mới đây nhất, Phòng GD&ĐT huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) còn phát văn bản gửi tới các cán bộ, giáo viên trên địa bàn, đề nghị hiểu đúng bản chất việc kinh doanh lan đột biến để tránh gặp phải hệ lụy xấu.

Theo đó, trên địa bàn huyện đang nổi lên hiện tượng giao dịch, kinh doanh hoa lan đột biến gen với giá trị rất lớn, các thương vụ mua bán được công khai và tuyên truyền trên phạm vi rộng, hình thức phô trương.

Một số cán bộ, đảng viên, giáo viên, nhân viên đã tham gia góp vốn kinh doanh và tuyên truyền, vận động nhiều người cùng tham gia góp vốn, nhiều hộ gia đình thế chấp đất, tài sản để vay tiền tham gia.

Phòng GD&ĐT huyện Lạc Sơn cho rằng việc góp vốn kinh doanh hoa lan đột biến gen bất bình thường có thể sẽ mang nhiều rủi ro, người chơi sẽ phải gánh chịu những hậu quả xấu nếu hoa lan đột biến mất giá trị, "vỡ trận" như cảnh báo trên một số phương tiện thông tin đại chúng.

Nhiều vụ lừa đảo bị phát hiện

Tháng 12/2020, Công an huyện Tân Sơn (Phú Thọ) khởi tố vụ án, khởi tố ba bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên tới 3 tỷ đồng.

Trong vụ này, đối tượng tách lan đột biến thật gắn vào gốc lan Phi Điệp thường bằng keo và chiếm đoạt tiền của nhiều người.

Gần đây, Công an huyện Yên Thủy (Hòa Bình) cũng khởi tố, bắt tạm giam một bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người này thông qua việc bán lan trên mạng xã hội đã lừa đảo bán lan đột biến giả cho nhiều người với số tiền 4,6 tỷ đồng.

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI