Lần đầu tiên Việt Nam dùng robot mổ lấy thận từ người hiến

27/06/2018 - 17:57

PNO - 16 năm sau trường hợp đầu tiên trên thế giới dùng robot lấy thận từ người hiến tự nguyện, lần đầu tiên tại Việt Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện thành công kỹ thuật này.

Người thực hiện thành công kỹ thuật dùng robot mổ lấy thận ghép tại Việt Nam là vị bác sĩ rất quen thuộc - PGS.TS.BS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, người đã thực hiện thành công hàng trăm ca ghép thận.

Năm 2002, bác sĩ Horgan (Mỹ) báo cáo ca đầu tiên phẫu thuật nội soi ổ bụng có hỗ trợ robot cắt thận từ người cho còn sống.

Lan dau tien Viet Nam dung robot mo lay than tu nguoi hien
Hình ảnh ca phẫu thuật dùng robot để lấy thận ghép

16 năm sau, vào ngày 16/5/2018, Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện được kỹ thuật dùng robot mổ lấy thận. 4 ngày sau, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục thành công trong một trường hợp khác. Như vậy, Việt Nam không bị bỏ lại quá xa so với các nước tiên tiến khác về kỹ thuật dùng robot mổ lấy thận để ghép cho người bệnh.

PGS.TS.BS Thái Minh Sâm khẳng định 2 trường hợp dùng robot mổ lấy thận ghép cho bệnh nhân được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng là 2 ca đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á.

Trả lời câu hỏi vì sao các nước trong khu vực chưa sử dụng kỹ thuật này trong mổ lấy thận ghép, PGS Thái Minh Sâm cho rằng có thể do có 2 ê kíp khác nhau: một nhóm các bác sĩ chuyên về hiến ghép tạng và một nhóm các bác sĩ chuyên về kỹ thuật mổ dùng robot. Do 2 ê kíp khác nhau nên chưa áp dụng được kỹ thuật dùng robot để mổ lấy thận ghép. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ vừa là chuyên gia về ghép thận vừa học được kỹ thuật mổ dùng robot. 

Lan dau tien Viet Nam dung robot mo lay than tu nguoi hien
Quả thận sau khi được lấy ra bên ngoài bằng kỹ thuật robot

Kỹ thuật dùng robot mổ lấy thận ghép, theo các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, mang lại nhiều ưu điểm: an toàn, hiệu quả, ít đau, thẩm mỹ, thời gian nằm viện ngắn. Nhưng hiện tại, chỉ lấy thận bằng cánh tay robot từ người cho, chứ chưa thực hiện được ghép thận bằng robot.

Hai trường hợp được ghép thận vẫn theo kỹ thuật mổ hở. Trong thời gian tới, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ tiếp tục cử bác sĩ đi học về kỹ thuật ghép thận bằng robot. Kỹ thuật lấy và ghép thận bằng robot hiện đã được thực hiện thành công tại Ấn Độ. 

Hệ thống robot mà Bệnh viện Chợ Rẫy sử dụng có tên là Robot da Vinci. Trong khu vực Đông Nam Á, dẫn đầu về số lượng robot này là Singapore (7 máy), Thái Lan (6), Việt Nam (4), Mã Lai (4), Philippines (2), Indonesia (1).

Hệ thống phẫu thuật robot xuất hiện đầu tiên tại tại Việt Nam vào năm 2014 ở Viện Nhi Trung ương; năm 2016 tại Bệnh viện Bình Dân; năm 2017 tại Bệnh viện Chợ Rẫy; năm 2018 tại Bệnh viện Vinmec.

Lan dau tien Viet Nam dung robot mo lay than tu nguoi hien
Ông V. - người được ghép thận từ quả thận được lấy ra bằng cánh tay robot

Đa phần phẫu thuật robot được ứng dụng trong các bệnh ung thư. Bệnh viện Chợ Rẫy ứng dụng phẫu thuật robot được 68 trường hợp, trong đó có 2 trường hợp mổ lấy thận.

Hai người cho thận được mổ bằng robot hiện đã xuất viện và hoàn toàn khỏe mạnh, không phải truyền máu khi mổ, không bị biến chứng, không phải chuyển sang mổ hở và xuất viện chỉ sau 2 ngày thực hiện mổ.

Tuy nhiên, thời gian lấy thận bằng robot mất khoảng 4 tiếng (lâu hơn so với kỹ thuật mổ hở thông thường, chỉ mất khoảng 2 – 2,5 giờ). Hai người được nhận thận sức khỏe ổn định, chức năng thận tốt, xuất viện sau 7 ngày nằm viện.

Chi phí của kỹ thuật này vào khoảng 100 triệu đồng và chưa được bảo hiểm y tế thanh toán.

Năm 1980, Mỹ nghiên cứu chế tạo robot phẫu thực hiện các ca phẫu thuật từ xa. Năm 2000, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa kỳ thông qua giấy phép hoạt động hệ thống Robot Da Vinci. Năm 2002, Horgan báo cáo ca đầu tiên phẫu thuật nội soi ổ bụng có hỗ trợ Robot cắt thận để ghép từ người cho sống. Hiện tại, một số trung tâm ghép trên thế giới (Mỹ, Anh, Ý, Ấn Độ…) sử dụng robot để lấy thận ghép.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI