Lần đầu tiên truyền hình trực tiếp khai mạc Lễ kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa

02/02/2025 - 13:09

PNO - Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được tổ chức hằng năm (từ mùng Năm - mùng Bảy tháng Giêng) để tưởng nhớ công lao to lớn của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng các tướng lĩnh, nghĩa quân Tây Sơn và nhân dân đã anh dũng chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

Trong những ngày diễn ra lễ hội sẽ có rất nhiều hoạt động đặc sắc như: Lễ dâng hương, tế lễ của các đoàn tế lễ địa phương; lễ rước kiệu; biểu diễn múa Lân, múa Rồng; biểu diễn võ thuật Bình Định Gia; hội thi cờ tướng, cờ người; viết chữ thư pháp, giới thiệu nghệ thuật truyền thống...

Hình ảnh tổng duyệt Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Đống Đa - Sử vàng lưu danh - Tương lai vững bước”. Nguồn ảnh: KTĐT
Hình ảnh tổng duyệt Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Đống Đa - Sử vàng lưu danh - Tương lai vững bước” - Ảnh: KTĐT

Năm nay, khai mạc Lễ kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được tổ chức vào buổi tối, tại Công viên văn hóa Đống Đa. Đặc biệt, lần đầu tiên lễ hội được truyền hình trực tiếp trên kênh H1 Đài phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các đài phát thanh và truyền hình các tỉnh, thành phố trên cả nước cùng các nền tảng số.

Điểm nhấn là Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Đống Đa - Sử vàng lưu danh - Tương lai vững bước”. Đây là chương trình nghệ thuật đặc sắc được làm theo hình thức bán thực cảnh kết hợp công nghệ 3D mapping để kể câu chuyện lịch sử theo một cách thức mới mẻ, hiện đại với các chương hồi, cảnh diễn nối tiếp, được biến chuyển tinh tế bằng kĩ xảo, âm nhạc hấp dẫn và đa dạng hình thức thể hiện như: ca hát, xiếc, múa, đồng diễn trống…

Theo ban tổ chức, hay vì cách thưởng thức các tiết mục đơn thuần như trước đây, khán giả sẽ cùng được tham gia vào lễ hội, trở thành một phần của lễ hội; có lúc sẽ như đang trong cuộc hành quân thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn, xung quanh là voi, ngựa, giáo mác, cung tên; có khi như đang đứng trên chiến thuyền trong trận chiến Rạch Gầm Xoài Mút; có khi lại như đang hân hoan trong khúc khải hoàn của nhân dân Thăng Long vào mùa Xuân Kỷ Dậu năm 1789… Qua đó, khán giả sẽ cảm nhận được sâu sắc hơn tinh thần và ý nghĩa của lễ hội.

M. Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI