Lần đầu tiên Trung Quốc vượt mặt Mỹ trong cuộc đua về bằng sáng chế

08/04/2020 - 09:45

PNO - Trung Quốc là nơi có số đơn xin cấp bằng sáng chế quốc tế mới nhiều nhất thế giới vào năm 2019, đẩy Mỹ ra khỏi vị trí hàng đầu mà quốc gia này nắm giữ kể từ khi hệ thống chứng nhận được thiết lập hơn 40 năm trước.

Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) - tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc cho biết, có 58.990 đơn xin cấp bằng được nộp từ Trung Quốc vào năm 2019, đánh bại Mỹ với 57.840 hồ sơ.

Con số của Trung Quốc đã tăng gấp 200 lần chỉ sau 20 năm. Mỹ chiếm giữ vị trí nộp đơn đăng ký nhiều nhất trên thế giới mỗi năm kể từ khi hệ thống Hiệp ước Hợp tác Sáng chế được thành lập vào năm 1978.

Hơn một nửa số đơn xin cấp bằng sáng chế (52,4%) hiện đến từ châu Á, với Nhật Bản đứng thứ ba, tiếp theo là Đức và Hàn Quốc.

Quyền sở hữu bằng sáng chế được coi là một dấu hiệu quan trọng của một quốc gia, thể hiện sức mạnh kinh tế và bí quyết công nghiệp.

Người đứng đầu WIPO - ông Francis Gurry - chia sẻ tại một cuộc họp báo rằng Trung Quốc đạt thành công nhờ chiến lược rất có chủ ý từ phía các cấp lãnh đạo, nhằm thúc đẩy đổi mới và đưa đất nước trở thành một quốc gia có nền kinh tế hoạt động ở mức giá trị cao hơn.

Ông Francis nói: “Chiến lược dường như hoạt động rất tốt, và sở hữu trí tuệ chắc chắn là một phần quan trọng trong đó”.

Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO có trụ sở tại Genève, Thụy Sĩ.
Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO có trụ sở tại Genève, Thụy Sĩ

Theo dữ liệu của WIPO, Công ty Huawei Technologies (Trung Quốc) - nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, là nơi sản sinh số bằng sáng chế hàng đầu trong năm thứ ba liên tiếp.

Mỹ đã kêu gọi các nước cấm sử dụng thiết bị từ Huawei cho các mạng điện thoại di động mới, cáo buộc công nghệ của doanh nghiệp có thể được Trung Quốc sử dụng trong hoạt động gián điệp. Đáp trả, Huawei phủ nhận khả năng công nghệ của họ tạo ra nguy cơ bảo mật.

Khi được hỏi liệu mức độ dẫn đầu của Trung Quốc có phải do trợ cấp nhà nước, ông Gurry nói: “Trung Quốc đi theo mô hình sử dụng trợ cấp nhà nước ở mức độ lớn hơn so với các nền kinh tế phương Tây. Vì vậy, đó có thể là một yếu tố đáng quan tâm.

Thế nhưng tôi nghĩ rằng thật thú vị khi Mỹ, một ví dụ về nền kinh tế hiệu quả cao, đã đứng đầu về đổi mới trong thời gian dài với mô hình hoàn toàn khác so với những gì đang diễn ra ở Trung Quốc. Cuộc thi đấu này vẫn chưa kết thúc... và xem chừng cả hai đều chiến thắng”.

Linh La (Theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI