Lần đầu tiên trong đời nghe cha nói thế...

02/03/2021 - 09:30

PNO - Cái “lần đầu tiên” khiến anh Nguyễn Ngọc Mạnh xúc động đã chạm đến tâm can tôi - một người vừa làm con vừa làm mẹ.

Đến hôm nay, tôi mới ngồi xem một loạt những tin tức và video về anh Nguyễn Ngọc Mạnh - người đang được cộng đồng xem như một vị anh hùng sau khi đỡ em bé rơi từ tòa chung cư. Tôi không nói về lòng dũng cảm và hình ảnh tuyệt đẹp của anh nữa, vì đã quá nhiều người nói rồi. Tôi sẽ nhắc đến một chi tiết nhỏ có thể nhiều người không để ý.

Đó là lúc anh về nhà, ôm con gái nhỏ và khóc, sau đó anh lấy lại tinh thần và kể cho bố mẹ nghe những việc vừa trải qua. Bố anh nói: "Thế là được", và anh quệt nước mắt khi kể lại: “Đó là lần đầu tiên trong đời mình được nghe câu ấy”.

Cái “lần đầu tiên” khiến anh Nguyễn Ngọc Mạnh xúc động đã chạm đến tâm can tôi - một người vừa làm con vừa làm mẹ.

Anh Mạnh khi được phỏng vấn đã nhiều lần xúc động, trong đó có nhắc về lời khen của bố.

Anh Mạnh khi được phỏng vấn đã nhiều lần xúc động, trong đó có nhắc về lời khen của bố

Tôi nghĩ, một người dù đã 40 tuổi hay nhiều hơn nữa, cũng vẫn luôn chờ đợi lời ngợi khen từ đấng sinh thành. Với nhiều người, mong muốn được cha mẹ công nhận và tự hào mới là mong muốn mạnh mẽ nhất trong hành trình sống. Nhưng cha mẹ dễ quên mất những điều đơn giản đó, hoặc ngại nói ra với con.

Có thể, những đứa con vẫn thi thoảng nghe từ người ngoài những câu như: “Bố mẹ tự hào về mày lắm đấy” chứ ít khi nghe trực tiếp. Các phụ huynh thế hệ sinh ra chúng ta dạy dỗ con một phần theo bản năng, một phần từ ông bà truyền lại, phần khác lại từ... hàng xóm. Thông tin khoa học, tài liệu, sách báo, mạng xã hội, nghiên cứu... chưa nhiều.

Câu nói “thương cho roi cho vọt” cũng là kim chỉ nam của nhiều người. Cha mẹ cứ dùng roi, dùng hình phạt nặng, dùng sự nghiêm khắc để rèn con. Vì vậy mà không ít người lớn lên dù thành công, nhưng trong lòng vẫn mang những tổn thương.

Tôi chứng kiến không ít người phấn đấu cả đời, có một chút thành tích là muốn khoe với bố mẹ, nhưng rốt cuộc lại chỉ nhận được tiếng “ừm” ngắn gọn. Trong khi đó, chỉ cần một lỗi nhỏ, đứa con ngay lập tức bị chì chiết: “Đồ vô tích sự, chẳng được cái nước gì”.

Cái chữ “vô tích sự” ấy đeo bám và làm trì chân nhiều người, thậm chí có những người đàn ông trưởng thành nhòe mắt khi nhớ lại kỷ niệm buồn của tuổi thơ.

Anh Mạnh và cô con gái 3 tuổi.
Anh Mạnh và cô con gái 3 tuổi

Đến tận giờ tôi vẫn nhớ lần ấy, sau một trận đòn "no", tôi nghe mẹ nói với người bên cạnh: “Thương nó lắm, nhưng vẫn phải đánh cho chừa”. Câu ấy đã khiến cảm giác uất ức trong tôi giải tỏa. Tôi hiểu ra, mình hoàn toàn không bị chối bỏ như trong lời quát tháo của mẹ. Hoá ra mẹ vẫn còn thương tôi. 

Có lẽ chúng ta cũng không xa lạ với chuyện những đứa trẻ chịu đựng bạo lực của cha mẹ, khi tới tuổi thanh niên thì chống đối gia đình, làm những việc phá phách xã hội. Roi vọt và chửi bới quá nhiều khiến họ nghĩ sự tồn tại của bản thân là thừa thãi, phiền toái. Không được ai yêu thương, họ gây sự chú ý bằng những trò phá hoại, lâu dần trở nên không kiểm soát được hành vi.

Mới đây, bạn thân của tôi kể chuyện vợ chồng bạn căng thẳng và bế tắc với đứa con. Bạn nhờ tôi chỉ cho một lớp học kỹ năng làm mẹ. Bạn nói, con trai bạn sau khi bị quát đã lạnh lùng ngồi trong xó. Khi bạn ra xin lỗi vì đã la con oan uổng, cậu bé đã hét lên: “Con chán sống lắm, mẹ cầm dao giết con đi!”. Bạn tôi đã sốc.

Tôi thấy vấn đề của bạn nghiêm trọng, không thể giải quyết chỉ bằng một khóa học online. Bạn cần phải tìm ra được nguyên nhân sâu xa của câu nói đó, phải hoá giải cái cảm xúc “chán sống” của con, từ đó mới có thể tháo gỡ.

Tôi nhắn bạn việc cần làm ngay, là bất cứ khi nào có thể, hãy ôm con và khẳng định cho con biết rằng cha và mẹ luôn yêu con. Bạn cần giúp con cảm nhận được tình yêu thương chứ không phải là sự chối bỏ mà con ngầm hiểu qua những quát tháo, đòn roi. “Ừ, đúng là từ khi sinh đứa thứ ba, mình hay quát con hơn, vì thấy nó cứ chống đối mình”, bạn rầu rĩ.

Tôi cũng là một người mẹ không kiểm soát cảm xúc tốt, tôi hay quát con, nhưng bất cứ khi nào có cơ hội, tôi đều cố gắng sửa chữa lỗi và bù đắp. Tôi cho con biết là cha mẹ rất yêu con, tôi cố gắng thực hiện đủ hoặc hơn tiêu chí “8 cái ôm mỗi ngày”.

Con gái lớn của tôi 8 tuổi. Nhiều khi cháu bày tỏ sự bực bội, phụng phịu vì phải chăm em, nhường em. Để tránh cho con cảm giác không được yêu thương, tránh nảy sinh lòng ganh tị với em nhỏ, tôi luôn khẳng định với con "mẹ rất yêu con và tự hào về con, điều ấy không bao giờ thay đổi". Tôi muốn con ghim trong đầu tình cảm ấy.

Mượn câu chuyện của anh Mạnh và lời nói của bố anh, tôi không trách móc hay phán xét cách làm cha mẹ của thế hệ đi trước. Được cha mẹ nuôi dưỡng dạy dỗ đã là hạnh phúc rồi, con cái phải luôn biết ơn về điều đó. Nhưng tôi muốn nhắn gửi những ông bố, bà mẹ trẻ rằng, chúng ta vẫn nói không tiếc gì với con, vậy thì đừng tiếc những lời khen, lời động viên và hãy lời nói yêu con bất cứ khi nào có thể...

Linh Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI