“Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2018 – HEF 2018” diễn ra tại TP.HCM có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao Chính phủ, các bộ, ban ngành Trung ương, lãnh đạo TP.HCM và khoảng 600 chuyên gia, các nhà khoa học, trí thức, DN trong và ngoài nước.
Nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, đây là lần đầu tiên TP.HCM tổ chức diễn đàn kinh tế nhằm thảo luận vai trò của DN trong việc xây dựng Khu đô thị sáng tạo, cũng như lắng nghe các sáng kiến để kết nối giữa 4 nhà: nhà nước - nhà DN - nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính, trong việc nâng cao năng lực sáng tạo và hiệu quả đổi mới của DN.
Đồng thời góp phần huy động mọi nguồn lực trong xã hội, đặc biệt là nguồn lực từ DN để cùng chung tay, góp sức đưa thành phố phát triển lên tầm cao mới.
|
Lãnh đạo TP.HCM và khoảng 600 chuyên gia, các nhà khoa học, trí thức, DN trong và ngoài nước tham dự diễn đàn kinh tế TP.HCM 2018 |
Trong những năm gần đây, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã lan tỏa và tác động tới mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Tốc độ đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện không có tiền lệ và làm thay đổi tận gốc các lực lượng sản xuất.
Để bắt kịp xu hướng này, TP.HCM đã triển khai Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017- 2020, tầm nhìn đến 2025, trong đó điểm nhấn là xây dựng Khu đô thị sáng tạo tại quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức trên nền tảng phát triển kinh tế số và kinh tế tri thức.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá khu đô thị sáng tạo này sẽ trở thành hạt nhân cốt lõi thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên địa bàn và là nền tảng để triển khai Đề án đô thị thông minh trên toàn thành phố.
Lãnh đạo TP.HCM nhìn nhận để xây dựng thành công Khu đô thị sáng tạo, thành phố cần có sự gắn kết, tương tác giữa tứ giác của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đó là nhà nước - nhà DN - nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính.
|
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại diễn đàn kinh tế TP.HCM 2018. |
Trong đó, DN đóng vai trò trung tâm và là động lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo. DN phải năng cao nâng suất lao động, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, hàm lượng chất xám cao. DN còn là nơi đặt hàng, cung cấp nguồn nhân lực, tài chính, và quan trọng hơn là nơi xuất phát và triển khai các ý tưởng khởi nghiệp và ứng dụng công nghệ mới.
Theo TS. Emmanuel San Andres, Trưởng dự án Nghiên cứu thành phố bền vững và phát triển đô thị, Cơ quan hỗ trợ chính sách thuộc APEC (PSU), nền công nghiệp 4.0 hiện giờ kết nối giữa trí thông minh nhân tạo và các mạng lưới dữ liệu. Những thay đổi về công nghệ làm thay đổi về năng suất lao động và thay đổi chất lượng sống tốt hơn, dễ dàng hơn.
Để bắt kịp xu hướng, TS. Emmanuel San Andres cho rằng người lao động cần phải nâng cao kỹ năng để sử dụng công nghệ mới, khi mà chữ ký điện tử, thương mại xuyên biên giới được áp dụng phổ biến, không cần phải tiếp xúc trực tiếp như trước đây. Song, cần lưu ý nếu không có sự nhất quán về giáo dục, đào tạo kỹ năng sẽ gây căng thẳng ở cộng đồng, đầu tư liên quan đến vấn đề thương mại.
TP.HCM hiện có 372.000 DN trên địa bàn, là một siêu đô thị và đang đóng góp 23% tổng sản phẩm quốc nội, 30% thu ngân sách, 16% sản lượng công nghiệp, 15% kim ngạch xuất khẩu và chiếm 32% số lượng DN của cả nước. |
Cần phát triển vốn con người, phá vỡ ranh giới để hợp tác
Nhiều chuyên gia đến từ Nhật Bản, Singapore... cho rằng, Việt Nam cần chú trọng vào phát triển vốn con người, vốn tài năng để có nhân tài tham gia vào các chuỗi giá trị.
Muốn vậy, cần tạo điều kiện cho các trường đại học chủ động hơn trong việc mở các chương trình hợp tác phù hợp có thể làm thay đổi nền kinh tế.
Như, Singapore hợp tác rất chặt chẽ để phát huy đổi mới sáng tạo, có cơ chế khuyến khích từ nhà nước cho khối tư nhân (như giảm thuế...) để họ mạnh dạn hơn khi tiếp xúc với các viện, trường nghiên cứu. Đồng thời, cần tạo môi trường làm ăn không tắt nghẽn, vì thực tế giao thông tắc nghẽn làm giảm năng suất lao động, thời gian lưu thông trên đường mọi người có thể dành thêm để làm việc.
Bên cạnh đó, muốn năng suất lao động tăng thì phải có chính sách hỗ trợ các công ty, người lao động nâng cao kiến thức, kỹ năng để theo kịp công nghiệp 4.0...
Đặc biệt, những giải pháp đưa ra phải bắt kịp nhanh sự thay đổi liên tục. Nên tập trung đào tạo cho những người trẻ để họ trở thành những người đổi mới sáng tạo trong xã hội.
|
Lãnh đạo TP.HCM lắng nghe đóng góp, chia sẻ từ các chuyên gia tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2018. |
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá cao những sáng kiến cũng như những kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia chia sẻ, giúp thành phố thêm vững bước, tự tin thực hiện thành công các mục tiêu của mình, nhanh chóng trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, tài chính, khoa học công nghệ của khu vực và có một vị trí xứng đáng trên bản đồ các thành phố thông minh, sáng tạo của thế giới.
Chính quyền TP.HCM cam kết sẽ làm hết sức mình để DN thực sự trở thành động lực của đô thị sáng tạo; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, bảo đảm một môi trường kinh doanh thông thoáng, một khung pháp lý minh bạch; sẵn sàng đáp ứng, hỗ trợ tốt nhất các yêu cầu của DN.
Song song đó, các bộ ngành cần phối hợp với nhau, tránh làm việc riêng lẻ với nhau. Cần phá vỡ những biên giới ngăn cản các cơ quan, giúp các ban ngành, nhân viên có thể liên kết làm việc cùng nhau. Các tập đoàn thương mại điện tử lớn như Alibaba, Amazone... đã phá vỡ ranh giới để nhân viên làm việc cùng nhau, nâng cao hiệu quả, năng suất...
Nguyễn Cẩm - Minh Thanh