Lần đầu tiên tổ chức Festival áo bà ba tại miền Tây

06/09/2023 - 14:39

PNO - "Vải dệt bằng tơ khóm có giá thành khoảng 260.000 đồng một mét tới", nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết.

Ngày 6/9, bà Hồ Thu Ánh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - cho biết Festival áo bà ba lần đầu tiên được tổ chức tại địa phương này sẽ diễn ra ở TP Vị Thanh từ ngày 29/9 đến 1/10 tới.

Dự kiến, Festival áo bà ba sẽ được tổ chức định kỳ hằng năm. Sự kiện năm nay diễn ra với nhiều hoạt động phong phú như biểu diễn nghệ thuật, thời trang, ca nhạc, ẩm thực, triển lãm ảnh, thi vẽ tranh, diễu hành... mang đậm giá trị truyền thống dân tộc, hơi thở văn hóa Nam bộ kết hợp với nhiều hoạt động đa dạng khác. 

Từ xa xưa, áo bà ba đã trở thành nét biểu trưng đặc sắc cho vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa của người phụ nữ Nam bộ nói chung và miền Tây nói riêng...
Từ xa xưa, áo bà ba đã trở thành nét biểu trưng đặc sắc cho vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa của người phụ nữ Nam bộ nói chung và miền Tây nói riêng...

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh rằng, Fesitval áo bà ba là sự kiện văn hóa đặc biệt, mới lạ, nhưng gần gũi và ý nghĩa. Qua sự kiện này, địa phương muốn tạo nét riêng.

"Khi nói đến Hậu Giang là có Festival áo bà ba. Qua đó để mọi người biết nhiều hơn về đất và người Hậu Giang. Festival áo bà ba sẽ được tổ chức hằng năm, là điều kiện để phục hồi các món ăn truyền thống của người dân Nam bộ, nhất là của tỉnh Hậu Giang. Vải để may áo bà ba được dệt bằng tơ khóm (lá cây thơm, dứa)”, bà Thu Ánh nói. 

Điểm đặc biệt, theo Ban tổ chức, festival sẽ giới thiệu bộ sưu tập áo bà ba làm bằng vải sợi khóm Cầu Đúc (một loại khóm được trồng trên vùng đất phèn ở Hậu Giang), kết hợp với tơ tằm, do những nghệ nhân dệt tơ tằm ở Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) và Nha Xá (tỉnh Hà Nam) thực hiện.

Áo bà ba đã gắn liền với đời sống thường ngày của người nông dân miền Tây Nam bộ
Áo bà ba đã gắn liền với đời sống thường ngày của người nông dân miền Tây Nam bộ

Theo tổng đạo diễn Festival áo bà ba - nhà thiết kế Minh Hạnh - thông điệp mà sự kiện muốn truyền tải đến mọi người trong và ngoài nước, là sự thấu hiểu bản sắc văn hóa của miền sông nước Nam bộ, phản ánh những thành tựu mà dân tộc Việt Nam đã đạt được trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

"Chính bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc là thông điệp có giá trị cho cuộc sống, và định vị thương hiệu cho dân tộc mình... Toàn cầu hóa về văn hóa phải được chú trọng song song với toàn cầu hóa về kinh tế", bà Minh Hạnh nói.

Được biết, hiện tỉnh Hậu Giang có trên 3.000ha khóm, và cũng là cây nông nghiệp chủ lực của địa phương. Việc sử dụng tơ khóm để dệt vải may áo bà ba không những tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có, mà còn gia tăng giá trị cho cây khóm, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình nông dân tại địa phương.

Thiếu nữ miền Tây duyên dáng với bộ áo bà ba Thiếu nữ miền Tây duyên dáng với bộ áo bà ba

Về quy trình sản xuất vải tơ khóm, nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết tơ được làm bằng cách dùng máy móc hiện đại tách sợi từ lá khóm, sau đó sợi tơ được xử lý và dệt thành vải tơ. "Vải dệt bằng tơ khóm có giá thành khoảng 260.000 đồng một mét tới", nhà thiết kế Minh Hạnh thông tin thêm.

Đông Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI