Lần đầu tiên học sinh được làm bài kiểm tra trên máy tính

12/09/2020 - 12:16

PNO - Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kiểm tra viết trên máy tính chỉ thực hiện ở trường đáp ứng cơ sở vật chất và cần linh hoạt, không cứng nhắc.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT thay thế Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ở Thông tư 26, lần đầu tiên hình thức kiểm tra viết được cho phép thực hiện trên máy tính. Tiến sĩ Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dụcTrung học, Bộ GD-ĐT, cho rằng việc cho phép học sinh có thể làm bài kiểm tra viết trên máy tính nhằm tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin (CNTT) trong giảng dạy nói chung và hoạt động kiểm tra, đánh giá nói riêng.

Việc ứng dụng CNTT trong kiểm tra đánh giá hợp lý, sẽ đẩy mạnh hoạt động đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh và đặc biệt phát triển rất tốt năng lực tự học của người học.

“Tuy nhiên, hoạt động kiểm tra viết trên máy tính chỉ nên thực hiện ở những trường bảo đảm đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Do đó, việc áp dụng Thông tư này cần linh hoạt, không cứng nhắc khi sử dụng phương thức tổ chức bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ trên máy tính”, tiến sĩ Sái Công Hồng lưu ý.

Một điểm nhấn khác của Thông tư 26, đề bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ sẽ được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả theo chuẩn kiến thức kỹ năng, đáp ứng theo mức độ cần đạt của môn học/hoạt động giáo dục.

Cách làm này, theo Tiến sĩ Sái Công Hồng sẽ đánh giá sát thực hơn việc học tập đáp ứng chuẩn đầu ra của học sinh và tạo công bằng cho học sinh giữa các lớp, các trường, các vùng miền.

Thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ tập huấn, hướng dẫn thống nhất việc xây dựng và sử dụng ma trận, đặc tả bài kiểm tra giữa kỳ/cuối kỳ cho các môn học trong toàn quốc.

Một điểm mới đáng chú ý của Thông tư 26 nữa là là tất cả các môn học đều có đánh giá bằng nhận xét. Việc đánh giá bằng nhận xét nhằm hiện thực mục tiêu định hướng đánh giá phẩm chất, năng lực người học; hay nói cách khác là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh.

Theo đó, học sinh sẽ được đánh giá nhiều lần, bằng nhiều hình thức khác nhau và có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân. Từ đó, kết quả của hoạt động kiểm tra, đánh giá sẽ sát thực với năng lực của học trò, giúp các em hình thành, phát triển được phẩm chất, năng lực cơ bản cần thiết trong cuộc sống.

Thông tư 26 cũng quy định phương thức đánh giá cụ thể thông qua thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh trong quá trình học tập.

Đồng thời, các hoạt động đánh giá được cụ thể hóa hơn so với thông tư trước đây. Trong đó, kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua: hỏi - đáp; viết ngắn; thuyết trình; thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập gắn với chủ đề dạy học cụ thể.

Kiểm tra, đánh giá định kỳ gồm: kiểm tra/đánh giá giữa kì và kiểm tra/đánh giá cuối kỳ. Loại hình kiểm tra, đánh giá này cũng được đa dạng hóa thông qua bài kiểm tra (có thể thực hiện trên giấy, hoặc trên máy tính với thời gian từ 45 phút đến 90 phút, đối với môn chuyên tối đa là 120 phút); bài thực hành; dự án học tập.

Theo Tiến sĩ Sái Công Hồng việc sử dụng hình thức kiểm tra, đánh giá thông qua bài thực hành, dự án học tập giúp mức độ đánh giá được rộng hơn, sâu hơn so với nội dung kiểm tra, đánh giá thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập trong đánh giá thường xuyên.

Tuy nhiên, trước khi thực hiện kiểm tra, đánh giá, giáo viên cần hướng dẫn và công khai tiêu chí đánh giá cho học sinh, bảo đảm khách quan, công bằng, tương đương về mức độ hay yêu cầu cần đạt so với các hình thức kiểm tra, đánh giá khác...

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI