Lần đầu tiên ghép gan cứu người hôn mê do gan bị hỏng

08/05/2024 - 06:12

PNO - Hơn 2 tuần sau ca mổ, chị T.T.H. (46 tuổi, Hà Nội) đã khỏe mạnh trở lại, có thể ăn uống, chuyện trò bình thường.

Chị H. bị hiếm muộn nên phải tìm tới phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm và đã 4 lần chuyển phôi không thành (lần gần nhất vào giữa tháng Tư vừa qua). Không chỉ vậy, chị H. còn bị viêm gan B. Sau lần vào phôi cuối cùng, chị cảm thấy mệt mỏi nên được gia đình đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Bệnh nhân được chẩn đoán suy gan cấp, tình trạng vàng da tăng, chức năng gan và tri giác giảm, sốt cao. Chị H. được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với chẩn đoán suy gan cấp - bệnh não gan độ 3 trên nền viêm gan B và được chỉ định phẫu thuật ghép gan.

Chị H. hồi phục tốt sau ca ghép gan
Chị H. hồi phục tốt sau ca ghép gan

Theo tiến sĩ Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - bệnh nhân đã rơi vào hôn mê sâu, suy đa tạng. Nếu không ghép gan cấp cứu thì khả năng tử vong nhanh, sự sống chỉ kéo dài từ 24-48 giờ.

Chồng của bệnh nhân đã đăng ký hiến gan cho vợ nhưng không thể vì không hòa hợp nhóm máu. Trong thời khắc sinh tử thì gia đình của một nam bệnh nhân 40 tuổi, bị chết não, cùng nhóm máu với chị, đã hiến gan cho chị H. dù xác suất thành công của ca ghép được đánh giá là không cao.

Chiều 22/4, các bác sĩ đã thực hiện ca ghép gan khó. Sau 9 tiếng, ca phẫu thuật đã kết thúc mỹ mãn. “Sự thành công là rất ngoạn mục. Lần đầu tiên hệ thống y tế Việt Nam thực hiện ghép gan cho bệnh nhân hôn mê do gan hỏng, suy gan tối cấp” - ông Dương Đức Hùng chia sẻ.

Sau ca ghép, lá gan mới của chị H. được đánh giá là hoạt động, bài tiết mật tốt. Các tổn thương phổi hiện đã cải thiện, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt sau 14 ngày. Các chuyên gia nhận định, việc thực hiện thành công ca ghép gan cho người bệnh suy gan tối cấp từ người cho chết não mở ra cơ hội mới cho nhiều bệnh nhân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của chuyên ngành ghép tạng của ngành y tế Việt Nam.

H. Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI