Lần đầu tiên đào tạo kỹ sư ngành kỹ thuật ô tô số

14/01/2025 - 06:42

PNO - Để theo kịp sự phát triển của công nghệ cũng như đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường trong và ngoài nước, năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội mở chương trình đào tạo kỹ sư chuyên sâu đặc thù kỹ thuật ô tô số (Digital Automotive Engineering).

Đáp ứng yêu cầu của ngành công nghiệp ô tô hiện đại

Chương trình do Trường Cơ khí, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa TPHCM) phối hợp xây dựng, với định hướng giải quyết nhu cầu lao động trình độ cao trong lĩnh vực ô tô điều khiển bằng phần mềm, được xem là tương lai của ngành công nghiệp ô tô.

Theo đó, sinh viên tốt nghiệp hệ cử nhân các ngành kỹ thuật ô tô, kỹ thuật cơ điện tử, điều khiển và tự động hóa, kỹ thuật điện tử, khoa học máy tính, khoa học dữ liệu, an toàn thông tin, công nghệ thông tin, kỹ thuật cơ khí điện lực… đều có thể đăng ký xét tuyển. Chương trình cũng mở rộng cho cử nhân từ các trường đại học khác, với điều kiện đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng đầu vào.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo kỹ sư chuyên sâu đặc thù kỹ thuật ô tô số giữa Tập đoàn FPT với Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông và Trường Cơ khí - Đại học Bách khoa Hà Nội - Nguồn ảnh: FPT
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo kỹ sư chuyên sâu đặc thù kỹ thuật ô tô số giữa Tập đoàn FPT với Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông và Trường Cơ khí - Đại học Bách khoa Hà Nội - Nguồn ảnh: FPT

Nội dung đào tạo của chương trình là trang bị cho học viên kiến thức chuyên sâu về phát triển phần mềm gồm: kỹ thuật phát triển phần mềm; kiến trúc AUTOSAR (AUTomotive Open System Architecture) - kiến trúc hệ thống mở tự động, với mục tiêu tạo và thiết lập một kiến ​​trúc phần mềm tiêu chuẩn mở cho các bộ điều khiển điện tử (ECU) trong ngành công nghiệp ô tô; lập trình nhúng; lập trình ứng dụng thông tin giải trí; hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao; trí tuệ nhân tạo ứng dụng; hệ thống cơ điện tử trên ô tô… Đồng thời phát triển kỹ năng thiết kế và mô phỏng cơ khí ô tô số với các công cụ hiện đại như thiết kế, mô phỏng và kiểm thử cơ khí ô tô trong môi trường số hóa, giúp người học sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của ngành công nghiệp ô tô hiện đại.

Sinh viên sẽ thực hành trên hệ thống hiện đại của Trường Cơ khí, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông như: Hệ thống mô phỏng chuyển động thực tế ảo CKAS MotionSim VR; hệ thống siêu máy tính: NVIDIA DGX A100 80GB. Đặc biệt, trong chương trình học có học kỳ doanh nghiệp. Học viên có 6 tháng thực tập tại các doanh nghiệp lớn như FPT Automotive, Hyundai Kefico, VinFast, Nissan… Đầu bài nghiên cứu, phát triển sẽ đến từ chính thực tiễn của doanh nghiệp. Chương trình được thiết kế và giảng dạy bởi các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kỹ thuật ô tô, công nghệ thông tin, cơ điện tử, điện - điện tử, tự động hóa…

Doanh nghiệp cần hàng ngàn kỹ sư

Tiến sĩ Ngô Lam Trung - Phó trưởng khoa Kỹ thuật máy tính, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) - cho biết, ngành công nghiệp ô tô đã và đang bước vào “chu kỳ tiến hóa” mới, cách tiếp cận phát triển ô tô điều khiển bằng phần mềm (SDV) đang dần trở nên phổ biến. Theo dự báo của Market and Market, thị trường SDV được dự đoán tăng từ quy mô 213,5 tỉ USD trong năm 2024 lên tới 1.237,6 tỉ USD vào năm 2030, với tỉ lệ tăng trưởng hằng năm 34%. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm thị phần lớn nhất. Tại Việt Nam, VinFast, FPT đang tìm kiếm hàng ngàn kỹ sư chất lượng cao trong lĩnh vực này.

Theo ước tính của Khoa Kỹ thuật máy tính, trong 10 năm tới, Việt Nam cần đến 30.000 kỹ sư và lập trình viên cho công nghệ ô tô số, nhất là trong xu hướng điều khiển bằng phần mềm. Chương trình đào tạo kỹ sư chuyên sâu đặc thù kỹ thuật ô tô số được mở để “bắt nhịp” với tiềm năng phát triển của lĩnh vực này, hướng đến cung cấp cho thị trường lao động Việt Nam và khu vực các kỹ sư có năng lực phát triển phần mềm ô tô cũng như có khả năng triển khai thiết kế, mô phỏng và kiểm thử cơ khí xe ô tô.

Tập đoàn FPT cũng đã trao tặng 1 phòng thí nghiệm đào tạo về công nghệ ô tô số, đặt tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Đồng thời, dựa trên thế mạnh chuyên môn và kinh nghiệm làm việc với các khách hàng lớn trên thế giới, FPT sẽ đưa ra các đề xuất cập nhật những xu hướng công nghệ mới nhất trong lĩnh vực xe hơi, nhằm thiết kế các chương trình học tập phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Phía FPT cũng đưa ra những gợi mở về định hướng để các kỹ sư công nghệ thông tin thuộc chương trình nắm bắt những cơ hội để phát triển nghề nghiệp tại Việt Nam và thế giới. Ông Chu Quang Huy - Giám đốc nhân sự Tập đoàn FPT - cho hay, công nghệ ô tô số là một trong các lĩnh vực trọng tâm trong định hướng chiến lược của tập đoàn. Mục tiêu của FPT là doanh thu lĩnh vực này đạt 1 tỉ USD. Để đạt được mục tiêu này, FPT rất cần những nhân sự tài năng.

Kỹ thuật ô tô số là ngành đào tạo kỹ sư (1,5 năm, tương đương 60 tín chỉ) đầu tiên tại Việt Nam. Học viên sau khi tốt nghiệp được cấp bằng kỹ sư chuyên sâu đặc thù, tương đương với bậc 7 của thạc sĩ theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Học phí dự kiến tương đương chương trình cử nhân, dao động trong khoảng 24-30 triệu đồng/năm.

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI