|
Bác sĩ CK1 Trần Phước Bình - khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy - hướng dẫn anh K. cách vận động |
Viết thư "xin chân" cho chính mình
Bác sĩ Lê Anh Tuấn – Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM - cho biết, bệnh viện đã ghép thành công 2 đoạn “xương 3D tổ ong” cho anh H.V.K. (33 tuổi, ở Quảng Ngãi). Trước đó, anh K. phải phẫu thuật cắt bỏ xương chày do ung thư xương.
Bác sĩ Anh Tuấn nói: “Xương 3D tổ ong” thực chất là các mảnh ghép in 3D bằng titan, có hình dáng tổ ong. Các mảnh ghép này sẽ thay thế xương chày đã bị cắt bỏ khi anh K. điều trị ung thư xương”.
Trước đó, vào năm 2018, anh K. được Bệnh viện Đà Nẵng phát hiện ung thư xương giai đoạn đầu, phải hóa trị. Đến tháng 3/2019, anh tiếp tục đến Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM điều trị do khối u trên xương chày trái to dần, đau nhức, hạn chế vận động khớp gối. Các bác sĩ tiếp tục hóa trị 6 đợt cho anh.
Sau đó, anh được thông báo phải cắt bướu và một đoạn đầu trên xương chày khoảng 11cm để điều trị ung thư xương.
Theo các bác sĩ, nếu điều trị bằng phương pháp thông thường, khả năng anh K. bị cắt gọt xương phía dưới chân trái. Tiếp theo bác sĩ sẽ cắt một phần xương đùi trên chuyển xuống để thay thế. Nhưng điều này sẽ làm cho trục xương chân yếu, không vững, đi lại khó khăn. Ngoài ra, cuộc mổ bộc lộ vết mổ rộng và đụng tới xương, nguy cơ chảy máu khó cầm, mổ kéo dài, nguy cơ nhiễm trùng chắc chắn sẽ cao, nhiều bất lợi khó phục hồi.
Thấy anh K. còn trẻ, lúc này, PGS.TS.BS Đỗ Phước Hùng – Phó khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy - đã tư vấn phương pháp ghép xương titan vào vị trí xương chày đã loại bỏ của anh. Nếu anh K. chấp nhận sử dụng phương pháp này, cơ hội đi lại của anh vẫn tiếp diễn thay vì phải cắt bỏ chân.
“Bác sĩ nói tôi là bệnh nhân đầu tiên mà Bệnh viện Chợ Rẫy áp dụng gắn titan vào chân. Ban đầu tôi hơi lo lắng. Nghĩ đến bệnh ung thư, tôi không biết mình còn sống được bao lâu? Tôi mạnh dạn tự viết một lá thư gửi đến Viện nghiên cứu của Úc (Tổ chức Csiro) để “xin chân”. Tôi tin vào bác sĩ Hùng và hy vọng sẽ mang điều gì đó mới mẻ cho chính mình và y học Việt Nam”, anh K. nói.
|
Sau mổ ghép "xương" 4 ngày, anh K. đã có thể đi lại bằng nạng. |
Thiết kế xương cứu bệnh nhân
Một tháng sau, các bác sĩ Úc và Bệnh viện Chợ Rẫy thiết kế “mảnh xương” cho anh bằng công nghệ in 3D. Một công ty công nghệ tại Việt Nam chấp nhận tài trợ 2.500 đô la Úc để “in” mảnh xương này.
ThS.BS Nguyễn Hoàng Phú – một trong những bác sĩ thiết kế “xương” cho anh K. nói thêm, mảnh xương được thiết kế trên hình ảnh phản chiếu chân lành của anh K. Tức là các bác sĩ sử dụng kết quả chụp chẩn đoán hình ảnh chân phải của anh K. để đo kích thước, sau đó dựng lên mảnh xương cần ghép cho chân trái của anh.
Khi hoàn tất, mẫu thiết kế này được gửi lại sang Úc để các nhà nghiên cứu mô phỏng, dựng lên mảnh xương bằng titan. Xương này thuận tiện, nhẹ nhàng và nuôi xương cho anh K..
Các bác sĩ bật mí, thay vì đúc nguyên khối kết hợp lõi kim loại, các bác sĩ đã đề xuất tạo hình xương 3D như tổ ong.
Bác sĩ Hùng nói thêm: “Nếu xương được làm như tổ ong sẽ rất nhẹ, chỉ khoảng 128gr so với đúc khối nặng 1-2kg. Dạng tổ ong còn chịu được lực gần 6 tấn nên anh K. hoàn toàn yên tâm đi lại khi vết thương lành.
Bên cạnh đó, những lỗ của tổ ong còn “dẫn dụ” các tế bào xương vào sinh sôi nảy nở, làm tổ bền vững. Theo thời gian, mảnh ghép trở thành vật thể của chính bệnh nhân và không bị thải loại ra ngoài. Trái lại, nếu chỉ dùng vật liệu kim loại đơn thuần, bệnh nhân sẽ rất bất tiện, nặng nề. Quan trọng, thời gian tới anh K. vẫn còn tiếp tục điều trị ung thư xương”.
|
Đây cũng là động lực để anh K. tiếp tục điều trị căn bệnh ung thư của mình |
PGS.TS.BS Đỗ Phước Hùng thông tin: Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ công nhận titan là hợp kim lành tính, hầu như không gây biến chứng nhiễm trùng, đào thải, phản ứng thuốc… cho người sử dụng.
Sau 4 ngày phẫu thuật ghép mảnh titan, anh K. đã có thể tập đi lại bằng nạng. Thời gian tới, các bác sĩ sẽ tiếp tục lên phương án xử trí khớp gối cho anh K. vận động thuận tiện hơn.
Bác sĩ Lê Anh Tuấn nói thêm: “Dù mảnh ghép titan 3D đã được ứng dụng ở Việt Nam từ năm 2019 tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện K… nhưng đều là titan đúc khối. Đây là lần đầu tiên mảnh ghép titan 3D dạng tổ ong được ứng dụng tại Việt Nam.
Để thực hiện được phương pháp này, từ năm 2018, bệnh viện đã triển khai thí nghiệm ghép trên thỏ. Kết quả sau 5 tuần, tế bào xương bắt đầu sinh sôi. Sau 6 tháng đã “làm tổ” phủ kín mảnh ghép titan 3D tổ ong.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ theo dõi sát tiến triển của anh K. qua các chẩn đoán hình ảnh. Đây là một khởi đầu rất đáng mừng trong điều trị cũng như nâng đỡ chất lượng cuộc sống cho những bệnh nhân buộc phải xử lý cắt bỏ xương”.
|
Phạm An