Giá thuốc có giảm nhưng thời gian điều trị tăng, vậy tổng số tiền chi ra cho khám chữa bệnh có giảm? Điều tối quan trọng là chất lượng điều trị. Nếu chỉ lấy giá kế hoạch trừ đi giá trúng thầu để “khoe” tiết kiệm tiền tỷ, e rằng lại tiếp tục trượt vào vết xe đổ của đấu thầu thuốc tập trung đã từng xảy ra tại TP.HCM. Rốt cuộc, chỉ tạo kẽ hở cho thuốc dỏm chen vào.
Theo thông tin trên một số tờ báo gần đây, việc đấu thầu thuốc tập trung đầu tiên do Trung tâm Mua sắm thuốc quốc gia, Bộ Y tế thực hiện, cho kết quả hơn 20 thuốc trúng thầu giảm hơn 20% so với giá kế hoạch 2.600 tỷ đồng (dựa trên giá trúng thầu trung bình năm 2016), tương đương giảm trên 590 tỷ đồng. Thậm chí, nhiều mặt hàng được chấm trúng thầu (ở vị trí số 1) có mức giá giảm lên tới 50 - 70% so với giá mua trung bình năm ngoái.
Vẫn theo báo chí, phía cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) cũng sẽ mở rộng đấu thầu tập trung. Cơ quan này đang tổng hợp nhu cầu từ các bệnh viện (BV) để chuẩn bị đấu thầu tập trung hơn 20 mặt hàng thuốc với số lượng lớn. Mục tiêu của đợt đấu thầu này nhằm giảm từ 10% trở lên so với giá năm 2016.
Thuốc giá rẻ không có lợi cho tổng chi phí điều trị
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Thuận - Viện Nghiên cứu kinh tế y tế và quản trị BV TP.HCM - cho rằng, nếu chỉ quan tâm đấu thầu thuốc để có thể giảm được 590 tỷ đồng thì quá phiến diện… Bởi “cách tính” của bác sĩ có phần khác với Bộ Y tế và cơ quan BHXH. Họ nhìn ở khía cạnh điều trị.
Nếu dùng thuốc tốt mắc tiền hơn, nhưng thời gian điều trị ngắn, trong khi thuốc giá rẻ, thời gian điều trị kéo dài, cái nào có lợi hơn? “Chúng ta không trả lời được câu hỏi giá thuốc giảm mà thời gian điều trị tăng, vậy tổng chi phí cho việc khám chữa bệnh của toàn xã hội có giảm hay không? Không trả lời được vì xây dựng cả một chương trình đấu thầu quốc gia, nhưng lại không nghiên cứu các trường hợp phản ứng có hại của thuốc để phục vụ công tác lựa chọn thuốc đủ điều kiện tham gia đấu thầu là một thiếu sót lớn”, ông Thuận nói.
Như đã từng phát biểu, ông Thuận nhấn mạnh, tư duy đấu thầu thuốc hiện nay chỉ mới dừng lại ở tiêu chí giá thuốc, chưa tính trên tổng chi phí xã hội cho một ca bệnh. “Chi phí xã hội đó bao gồm chi phí khám chữa bệnh, tiền công bác sĩ, nhân viên y tế, khấu hao thiết bị, thời gian nằm viện điều trị của người bệnh, bệnh nhân bỏ hết công ăn việc làm cho thời gian điều trị bệnh… so với tổng chi phí điều trị này, tiền thuốc thật ra chỉ chiếm 10%”, ông Thuận nêu.
Siết chi: Đổ khó lên đầu bệnh nhân
“Phản biện” chuyện chất lượng điều trị, Bộ Y tế cho hay, các thuốc đủ điểm kỹ thuật mới được xét đến giá, nghĩa là chất lượng thuốc phải đảm bảo chuẩn.
Tuy nhiên, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM - lại có quan điểm trái ngược.Theo bà Lan, phần lớn các thuốc dự thầu đều vượt qua tiêu chí kỹ thuật vì thị trường có quá nhiều thuốc “na ná” nhau và chưa kể thang điểm kỹ thuật chưa hợp lý. “Đấu thầu quy mô quốc gia hay riêng lẻ thì cũng vậy thôi, vẫn phải xây dựng thang điểm kỹ thuật chấm thầu theo thông tư hiện hành. Nào là thông tư 20, 10, 01/2012, 11/2016… nhưng hiện các thông tư này chỉ đánh giá thuốc qua các tiêu chí kỹ thuật mà sản phẩm nào cũng đạt. Rõ ràng đã bỏ qua đánh giá tiêu chí hiệu quả trị liệu của thuốc”, bà Lan nói.
Lấy giá kế hoạch trừ giá trúng thầu rồi “khoe” tiết kiệm tiền tỷ, nhằm phản ánh điều gì? Bà Phạm Khánh Phong Lan - người từng phụ trách quản lý dược phẩm tại TP.HCM phân tích, vào năm 2014, TP.HCM cũng thường “tự sướng” khi đi đâu cũng nêu thành tích đấu thầu tập trung tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng. “Giá kế hoạch xây dựng dựa trên giá thị trường và giá trúng thầu năm trước của nhóm hàng. Nhưng vẫn có những trường hợp chào thầu rẻ bất ngờ, hòng chắc thắng. Người làm chuyên môn không tài nào hiểu nổi làm sao có thể sản xuất bảo đảm chất lượng với mức giá như thế được.
Thuốc H-Capital trong vụ án VN Pharma là một ví dụ. Giá kế hoạch là 66.000 đồng, thì giá trúng thầu của VN Pharma với thuốc H-Capita chỉ có 31.000 đồng. Rẻ hơn trên phân nửa. Sao cứ lấy chênh lệch rồi bảo tiết kiệm. Nếu dùng thuốc dở, tăng ngày điều trị, lâu khỏi bệnh thì tiết kiệm cái gì? Rốt cuộc chỉ tạo kẽ hở cho thuốc dỏm, kém chất lượng chen vào”, bà Lan nói.
Theo cách tính của BHXH Việt Nam, dự kiến chi phí khám chữa bệnh do quỹ BHYT chi trả năm 2017 là hơn 90.000 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuốc chiếm 50-60%. Lấy những con số này để củng cố cho quan điểm giảm giá thuốc là lập tức giảm gánh nặng cho cả bệnh nhân và quỹ bảo hiểm e rằng chưa thuyết phục.
Trong lần chất vấn Tổng giám đốc BHXH Việt Nam tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14, bà Lan đặt vấn đề, chi phí thuốc chiếm đến hơn 50% tổng chi phí khám chữa bệnh là do giá thuốc cao hay do chi phí khám chữa bệnh thấp so với mặt bằng chung thế giới? Bội chi quỹ BHYT phải chăng còn do chi phí quản lý và các chi phí trung gian khác? Liên tiếp khoe tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng nhờ đấu thầu theo thông tư mới, vậy sao số chi cho thuốc vẫn cứ tăng hàng năm?
“Mục tiêu tăng cường quản lý để giảm giá thuốc 10-15% trong năm 2017 phải chăng là nói giá thuốc đang đắt, điều này có gì đó mâu thuẫn với nhận định của Bộ Y tế rằng giá thuốc ở Việt Nam thấp hơn thế giới. Tôi cho rằng vấn đề là phải kiểm soát tiêu cực ở một số mặt hàng và ở các kênh khác chứ không phải lấy bệnh nhân BHYT ra để giảm chi. Nếu đi theo định hướng một nền y tế giá rẻ, sẽ là sai lầm không thể cứu vãn về chất lượng.
Muốn khỏi vỡ quỹ, phải xem lại nhiều giải pháp khác chứ không chỉ siết chi, tức là đổ cái khó lên đầu bệnh nhân. Đó chính là phải giảm chi phí trung gian quản lý, tăng cường quản lý bằng công nghệ thông tin, đa dạng hoá các loại bảo hiểm, hợp lý hoá mức thu chi theo các đối tượng khác nhau... chứ không phải chỉ lo siết chi”, bà Lan nhận định.
Chưa kể, trong khi Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đang thi nhau đấu thầu tập trung với mục tiêu giảm giá thuốc hơn nữa, vậy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của BV, cũng như chất lượng thuốc sẽ đi về đâu?
Cần nghiên cứu hiệu quả điều trị làm điều kiện xét dự thầu
Một trong các giải pháp để đấu thầu thuốc có lợi cho điều trị là phải thống kê các trường hợp phản ứng có hại của thuốc trên mô hình bệnh tật của từng địa phương để phục vụ công tác lựa chọn thuốc đủ điều kiện tham gia dự thầu.
Thực tế, có hiện trạng BV than phiền một số loại thuốc trúng thầu có phản ứng phụ không tốt cho bệnh nhân, một số loại thuốc không đạt yêu cầu điều trị, một số loại thuốc hư hỏng trước khi được sử dụng, một số loại khác có tỷ lệ hư hao, bể vỡ cao (trong khi BV không được trừ chi phí cho lượng thuốc hư hao, bể vỡ này)…
Hiện, các hiện tượng này không được ghi nhận chính thức để tiến hành phân loại, so sánh với các thuốc khác trong các đợt đấu thầu tiếp theo. Điều đó dẫn đến không công bằng cho các thuốc có chất lượng cao, hiệu quả trong điều trị hoặc các loại thuốc có chất lượng cao ít bị hao hụt trong quá trình vận chuyển và lưu kho tại BV.
Theo tôi, cần thành lập bộ phận thống kê tác dụng phụ của thuốc và thống kê phản ánh của các bác sĩ điều trị để phân loại các thuốc có chất lượng cho các đợt đầu thầu tiếp theo.
Ông Nguyễn Duy Thuận - Viện Nghiên cứu kinh tế y tế và quản trị BV TP.HCM
|
Quốc Ngọc