Huỳnh Văn Hòa Hiệp là Phó tổng giám đốc Công ty Meval Singapore (chuyên về giải pháp chiếu sáng). Anh “nghiện” một chuyện khá lạ là… viết cho con từ lúc con còn trong bụng mẹ. Trong hơn 5.000 tấm hình trên facebook của anh, có đến 80% là hình hai đứa con gái sinh đôi và hình vợ chồng anh bên các con. Anh khoe, hạnh phúc của anh là hạnh phúc đôi: anh có đôi và vợ anh lại sinh đôi.
So với bạn bè, anh thuộc dạng “cha già, con mọn”. Bạn bè ngồi lại với nhau toàn kể chuyện con vào đại học, con lập gia đình, trong khi anh thì khoe cặp con gái sinh đôi đã lên lớp… chồi.
Thời trẻ, Hiệp ham học và học giỏi. Tốt nghiệp đại học ngành khoa học xã hội, anh tiếp tục sở hữu khối “tài sản”: bằng Anh văn, bằng ĐH Kinh tế, bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đài Loan và hàng loạt giấy chứng nhận đã qua những khóa học chuyên ngành kinh tế tại Hà Lan, Philippines… Giỏi nghề nên công việc của anh không thiếu, lúc nào cũng vừa đi làm, vừa đi dạy. Anh đi khắp nơi trên thế giới làm việc, du lịch…
Đến cái tuổi gần 40, bạn bè hỏi chuyện vợ con, Hiệp vẫn cười trừ. Anh gặp nhiều, quen nhiều nhưng chưa thấy ai đúng là một nửa của mình. Anh vẫn chờ người trong mộng…
Hóa ra, người ấy chẳng ở đâu xa, mà chính là người thường bán vé máy bay cho anh - cô Nguyễn Thị Thanh Nga, làm đại lý cho VN Airlines. Đi đâu anh cũng gọi điện cho Nga, nghe cô tư vấn, chọn giá, chọn hãng bay. Anh mến cô vì làm việc có trách nhiệm, luôn ân cần với khách. Rồi những cuộc trò chuyện giữa anh và Nga cứ lâu hơn, nội dung nhiều hơn.
|
Huỳnh Văn Hòa Hiệp cùng vợ con. |
Từ lúc nào không biết, anh cứ muốn gọi cho Nga cả những lúc không mua vé. Anh thích ở cô tính chân thật, không màu mè… và yêu lúc nào không hay. Sau sáu năm mua vé máy bay, anh có được một mối tình đủ tin tưởng, thật sự hòa hợp để tiến tới hôn nhân.
Vậy là 10 năm sau khi có công việc, có nhà cửa ổn định, anh mới có vợ. Năm 2006, Hiệp kết thúc cuộc sống độc thân, bắt đầu với những bữa cơm nóng vợ nấu từ bếp nhà, mê nhất là món canh chua cá rô. Những vui buồn trong đời anh giờ có người chia sẻ. Lúc bên nhau, họ chỉ muốn tìm niềm vui, vì không có nhiều thời gian.
Họ cũng mong sự có mặt của trẻ con để ngôi nhà thêm ấm áp, nhưng mãi đến bốn năm sau, Nga mới có thai. Niềm vui kéo dài chẳng được bao lâu thì Nga hư thai. Nỗi đau đó khiến vợ chồng càng yêu thương nhau hơn. Với họ, hạnh phúc không chỉ là màu hồng, mà giờ đã có cả nước mắt, nhưng miễn là được khóc cùng nhau.
Những an ủi, động viên nhau khi mất mát càng làm cho tình vợ chồng thắm thiết. Nỗi ám ảnh hiếm muộn từ đó cũng lên mầm sợ hãi. Hai năm sau, Nga lại có thai. Vợ chồng lại tràn ngập niềm tin, hồi hộp chờ đợi xen lẫn âu lo. Bác sĩ báo song thai, hai bé gái. Vợ chồng vỡ òa hạnh phúc. Một danh sách mua sắm được lập ra, mỗi thứ đều hai cái, giống hệt nhau.
Căn nhà nhỏ bừng sáng bởi sự có mặt của hai thiên thần. Gương mặt của Hiệp và Nga cũng rạng rỡ, vì con cái quả là thứ trang sức đẹp nhất trên đời. Lần đầu có con, ở tuổi ngoài 40, lại là con sinh đôi, Hiệp “choáng” với hạnh phúc. Một kiểu hạnh phúc rất lạ, rất khác và hơn hẳn khi anh mua được hai cái nhà, lấy được nhiều bằng cấp, kiếm được nhiều tiền.
Niềm vui đi kèm với bao bận rộn. Thời còn độc thân, đi xa chẳng lo, giờ đi đâu Hiệp cũng ôm cái điện thoại chờ nghe vợ kể chuyện con, nghe con khóc, xót lòng khi biết con ốm mà ba không có ở nhà. Hình ảnh vợ “vật vã” với hai đứa con gái nhỏ có một sức hút ghê gớm, khiến mỗi lần xong việc anh chỉ muốn về nhà ngay để được… phục vụ vợ con.
Giữa những bộn bề của công việc, Hiệp vẫn thu xếp những cuộc hẹn hò với vợ con ở quán cà phê, tổ chức những chuyến du lịch cả nhà sao cho trở thành một giáo trình “giáo dục” con. Lên bốn, hai con gái của anh đã biết sự khác biệt của các địa danh Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc, Huế, Hà Nội, Đà Lạt…
Ba mẹ còn luyện cho con nhiều kỹ năng: chuẩn bị đồ mang theo, tự vác, kéo hành lý, ăn nhanh hơn, ngủ sớm hơn… Đi chơi cũng phải kỷ luật, đúng giờ, không đòi quà. Đi xa, con nhỏ, ba mẹ cực thân, mang vác nhiều hành lý, nhưng anh nhận ra trong hàng trăm chuyến đi của đời mình, đi với vợ con là vui nhất. Hiệp còn là “ca sĩ” của gia đình, mà khán giả ruột là hai cô con gái. Có con, Hiệp đâm ra thuộc nhiều bài hát thiếu nhi.
Bạn bè hay đùa: “Hiệp giờ chỉ mê… gái, nuôi gái”. Anh cười sung sướng: “Bạn bè bù khú, vui chơi giải trí, cày cuốc làm ăn… tôi đều đã trải qua. Giờ chỉ còn ham muốn duy nhất là sống với các con. Gia đình vợ con giúp tôi từ bỏ nhiều thói quen một cách dễ dàng. Thân này kể bỏ!”.
Với Hiệp, hai cô con gái là tất cả. Có con, vợ chồng mặn nồng hơn, yêu nhau hơn vì cùng yêu con. Hiệp là trụ cột, lo kinh tế gia đình, vợ giữ vai chính chăm sóc con. Nga hiền, an tâm vì luôn tin chồng “chỉ biết có gia đình”.
Hiệp vẫn miệt mài với những chuyến đi xa, nhưng nhờ có gia đình tiếp sức, công việc của anh có vẻ như cũng hanh thông hơn. Anh có nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một chốn để quay về, đó là nơi vợ con mong chờ anh.
Nhìn lại một chặng đời, Hiệp tâm sự: “Sau 5 năm từ khi vợ chồng tôi có tin vui, nhà lúc nào cũng rộn ràng vì phục vụ cho hai cô bé này. Nghĩ đến 5, 10, 20 năm sau thấy xa thật, thậm chí không dám nghĩ. Tốt nghiệp đại học, giảng dạy, đổi việc, có nhà mới, có con cái, thấy mình cũng già đi. Thêm tuổi là thêm trải nghiệm, thêm thử thách, thêm những ý nghĩ ngổn ngang trong đầu, lại thêm tóc bạc. Được học, được làm, được vui chơi, gặp gỡ bạn bè và đặc biệt là có gia đình bên mình thì đó chính là hạnh phúc”.
Trường Sơn