Tính năng vượt trội
Bệnh nhân là anh L.V.T. (41 tuổi, ngụ tỉnh Trà Vinh). Trước đó, anh T. bị đau đầu dữ dội nên được gia đình đưa đến bệnh viện. Từ kết quả chụp X-quang, CT và MRI não, các bác sĩ đã xác định bệnh nhân bị dị dạng mạch máu não, chỉ định phẫu thuật. Đây chính là ca bệnh đầu tiên tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM được phẫu thuật dưới sự hỗ trợ của hệ thống kính vi phẫu hiện đại.
|
Ca mổ dị dạng mạch máu dưới sự hỗ trợ của hệ thống kính vi phẫu hiện đại - Ảnh: Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM |
Trường hợp của anh T. được chọn là ca mổ thị phạm, truyền hình trực tiếp từ hội trường cho các bác sĩ cùng học hỏi. Ca mổ diễn ra trong khoảng 3 giờ 30 phút.
Sau ca mổ, bệnh nhân tỉnh táo, hồi phục nhanh, hết đau đầu và yếu liệt. Thạc sĩ - bác sĩ Đào Nguyễn Trung Luân - Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cho biết bệnh nhân xuất viện vào ngày 16/11.
Theo bác sĩ Đào Nguyễn Trung Luân, trong chuyên ngành ngoại thần kinh, kỹ thuật mổ dưới kính hiển vi đã được triển khai từ 25 năm trước. Thế nhưng, hệ thống kính vi phẫu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM vừa áp dụng có những tính năng vượt trội, đổi mới hơn hẳn. Kính vi phẫu cũ chỉ có chức năng phóng đại hình ảnh để bác sĩ nhìn rõ hơn lúc mổ còn hệ thống kính vi phẫu hiện đại này ngoài tính năng phóng đại từ 4 - 12 lần hình ảnh thật còn giúp bác sĩ phân biệt được đâu là vùng não bệnh, đâu là vùng não lành, dựng hình mô phỏng 3D, vẽ biểu đồ để bác sĩ biết mình đang tiến hành như vậy là tốt hay không tốt cho bệnh nhân. Nhờ đó, các phẫu thuật viên có thể vừa mổ vừa dự liệu tình trạng người bệnh để can thiệp phù hợp.
Không chỉ thế, hệ thống còn có thể so sánh hình ảnh tại hai thời điểm khác nhau trong cùng một ca mổ, đưa ra biểu đồ đánh dấu vị trí tổn thương, ghi nhớ từng thời điểm của ca mổ để phẫu thuật viên có thể xem lại các thao tác được thực hiện trước đó.
Tính năng trên giúp các bác sĩ so sánh kết quả ngay trong quá trình mổ, kiểm tra xem những tổn thương đã được xử lý tốt hay chưa, từ đó kịp thời điều chỉnh, giúp ca phẫu thuật đạt hiệu quả cao nhất.
Ngoài ra, hệ thống kính mới còn có khả năng đo, đếm, ước lượng dữ liệu thời gian thực như một trợ lý ảo, được trang bị hệ thống robot giúp phẫu thuật viên có thể xoay trở, phóng to, thu nhỏ hoặc mô phỏng môi trường ảo 3D (không gian ba chiều)…
Phát huy thế mạnh về điều trị và đào tạo
Việc triển khai hệ thống kính vi phẫu hiện đại không chỉ phát huy thế mạnh của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM trong ứng dụng các kỹ thuật cao, ít xâm lấn với sự phối hợp đa chuyên khoa hiệu quả mà còn mang ý nghĩa lớn cho công tác đào tạo phẫu thuật thần kinh. Toàn bộ quá trình thực hiện ca mổ được ghi hình và trình chiếu trực quan, sinh động để các phẫu thuật viên có cơ hội học tập, trải nghiệm thực tế dễ dàng.
Trước đây, chỉ có phẫu thuật viên chính mới có thể theo dõi tiến trình phẫu thuật. Khắc phục nhược điểm này, hệ thống kính vi phẫu hiện đại được số hóa dữ liệu, có khả năng trình chiếu trực tiếp ca mổ cũng như lưu lại các ca mổ đã diễn ra. Vì vậy, mọi thành viên tham gia ca mổ đều có thể học hỏi và phân tích.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Minh Anh - Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, chúng ta cần hiểu vi phẫu là kỹ năng quan trọng nhất của phẫu thuật viên thần kinh, được ứng dụng trong điều trị hầu hết các bệnh lý của não bộ (u não, xuất huyết não, dị dạng mạch máu não…) và cột sống (u tủy, thoát vị đĩa đệm…). Do cấu trúc của não bộ, tủy sống và các dây thần kinh rất phức tạp, mọi thao tác đều phải được thực hiện dưới kính hiển vi. Hệ thống kính vi phẫu có vai trò phóng đại phẫu trường (vùng phẫu thuật) giúp các thao tác diễn ra tỉ mỉ và chính xác nhất.
Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhiều công nghệ mới đã được ứng dụng nhằm giúp ca mổ diễn ra an toàn hơn, mang lại hiệu quả cao hơn cho người bệnh cũng như bảo tồn tốt các cấu trúc thần kinh quan trọng. Hệ thống kính vi phẫu hiện đại vừa được triển khai tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM có thể phóng đại phẫu trường lên 4 -12 lần, phân định rõ cấu trúc mô bình thường và các mô có bệnh lý dưới ánh sáng huỳnh quang. Hệ thống quang học giúp tăng cường độ sáng của hệ thống mạch máu não phức tạp.
Bên cạnh đó, phẫu thuật viên có thể thao tác trực tiếp thông qua hình ảnh 3D được mô phỏng từ hệ thống kính vi phẫu. Với sự hỗ trợ của hệ thống kính vi phẫu hiện đại này, phẫu trường sáng hơn, thao tác chính xác hơn giúp giảm thiểu tối đa xâm lấn, nâng cao hiệu quả điều trị.
Nhu cầu lớn về phẫu thuật bệnh lý ngoại thần kinh
Vi phẫu gần như là “độc quyền” của ngoại thần kinh. Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, chỉ có rất ít chuyên khoa thi thoảng “mượn” kính hiển vi để mổ, ví dụ như các ca ghép gan hoặc trong phẫu thuật thẩm mỹ ghép vạt da. Các tính năng hiện đại của hệ thống kính này giúp nâng cao tính an toàn trong phẫu thuật thần kinh, hạn chế cao nhất tỷ lệ biến chứng, tai biến và loại bỏ triệt để tổn thương ở não.
Trong năm 2020, Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã mổ chương trình và mổ cấp cứu bệnh lý đột quỵ, can thiệp mạch máu, u não cho khoảng 2.500 trường hợp. Từ đầu năm 2021 tới nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số ca bệnh can thiệp ngoại thần kinh tại bệnh viện có giảm nhưng vẫn ở mức 1.500 ca.
Số liệu trên cho thấy nhu cầu được điều trị phẫu thuật đối với các bệnh lý ngoại thần kinh là vô cùng lớn. Do đó, lĩnh vực này rất cần được đầu tư những kỹ thuật, công nghệ hiện đại hơn để cứu sống người bệnh, giúp họ có cuộc sống chất lượng.
Theo bác sĩ Luân, khi mổ ngoại thần kinh tại bệnh viện, bệnh nhân được bảo hiểm y tế chi trả theo quy định. Chi phí cho một ca phẫu thuật áp dụng hệ thống kính vi phẫu hiện đại sẽ không chênh lệch nhiều so với những ca mổ truyền thống trước đây.
Những triệu chứng của bệnh lý liên quan tới ngoại thần kinh mọi người cần lưu ý: - Động kinh - Đau đầu (có thể đau dữ dội) - Méo miệng, nói đớt - Yếu liệt một phần cơ thể - Mất thị lực Những triệu chứng trên xảy ra có thể do não bị xuất huyết hoặc bị khối u chèn ép. Dị dạng mạch máu não là một trong những nguyên nhân gây xuất huyết não. Trong số các ca đột quỵ do xuất huyết não (đặc biệt là ở trẻ em và người trẻ), khoảng 2% do dị dạng mạch máu não. Đây là bệnh lý có yếu tố di truyền. Đa số bệnh nhân không cảm thấy có triệu chứng, ở một số người lại xuất hiện các triệu chứng giống như đột quỵ. Dị dạng mạch máu não rất nguy hiểm. Mạch máu bị dị dạng có thể vỡ ra gây xuất huyết não, khiến bệnh nhân có nguy cơ đột tử cao. Có những phương pháp chẩn đoán dị dạng mạch máu cũng như các bệnh lý ngoại thần kinh nói chung: DSA (chụp mạch máu não), CT (chụp cắt lớp), MRI (chụp cộng hưởng từ). Để phát hiện sớm các bất thường về não bộ, ngoài việc theo dõi các triệu chứng lạ, người dân nên khám định kỳ hằng năm. |
Trâm Anh