Lận đận tìm việc tuổi U.40

24/08/2024 - 15:48

PNO - Ở tuổi 39, nếu được nhận vào một nơi nào đó, chị cũng sẽ phải học việc lại từ đầu và chấp nhận mức lương bằng sinh viên mới ra trường.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tầng chung cư nhà tôi có 12 nhà. Nếu trừ 4 chị đang đi làm công sở, 2 bác đã về hưu, 2 cô vợ mới cưới và chưa có con thì có đến 4 chị em đang ở nhà trông con. Tôi cũng trong số này.

Dù mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng chúng tôi đều giống nhau về lý do nghỉ việc. Xuân - cô bạn hàng xóm của tôi - trước đây làm bộ phận nhân sự trong một cơ quan nhà nước. Khi mang bầu và sinh con gái thứ 2, vì nơi làm việc cách xa nhà 15km, đi sớm về muộn, mức lương chỉ đủ để thuê người giúp việc trông con nên Xuân quyết định nghỉ làm. Cô nghĩ đợi con lớn sẽ tìm công việc tương tự.

Khi con trai thứ 2 tròn 1 tuổi, tôi cũng bàn với chồng việc tôi ở nhà trông con. Trước đó, tôi thay nhiều người giúp việc nhưng đều không ổn. Người thì tính tình ẩu đoảng, người hay xin nghỉ bất ngờ, người biết nấu ăn thì không biết trông trẻ hoặc ngược lại… Phải chịu đựng quá nhiều người giúp việc không ưng ý và dự án ở chỗ làm đang ở thời điểm đòi hỏi sự tập trung cao độ, tôi chỉ muốn được ở bên con mà không phải nghĩ ngợi gì về công việc.

Ở một số nước Bắc Âu, có chính sách cho cả người chồng được hưởng chế độ thai sản. 2 vợ chồng nghỉ luân phiên 3 tháng cho tới khi em bé đến tuổi gửi trẻ. Nhưng những gia đình tôi biết quanh đây, việc người chồng được nghỉ khi vợ sinh con 5 ngày cũng ít được áp dụng, chưa nói đến nghỉ cả tháng.

Sau khi sinh con, người mẹ mặc định là người chăm sóc trẻ và nhiều trường hợp là người chăm sóc duy nhất trong nhà. Hết thời gian thai sản, không có người trông con và không có điều kiện để gửi con đi nhà trẻ (vì những cơ sở tốt, nhận trông trẻ dưới 1 tuổi thường có chi phí rất cao) chúng tôi đành chấp nhận lùi lại sự nghiệp, ưu tiên trông con.

Nếu chỉ có 1 con, nghỉ quãng thời gian 1-2 năm, sau đó quay lại đi làm, người phụ nữ dễ tìm việc hơn, nhưng chị em cùng tầng chúng tôi đều đã nghỉ ít nhất 3 năm vì sinh liền tù tì 2 con. Chúng tôi gặp rất nhiều rào cản nếu muốn quay trở lại thị trường lao động.

Dễ thấy nhất là nhiều tuyển dụng công việc giới hạn tuổi dưới 35 hoặc thậm chí là 30. Tuổi tác càng lớn càng khó xin việc. Ngoài ra, những kỹ năng làm việc trước đây của chúng tôi bị mai một đi hoặc không còn phù hợp với hiện tại nữa. Ít hay nhiều, chúng tôi đều thấy mình lạc hậu và chậm chạp.

Chị Thu - từng là kiểm toán viên trong tập đoàn nước ngoài - chia sẻ: “Nếu bây giờ bắt chị phải đi kiểm kê từng con số, hạng mục, chị chịu đấy. Đầu óc cứng đơ, vốn liếng tiếng Anh cũng rơi rớt dần hết. Bây giờ, chị chỉ muốn tìm công việc liên quan đến hành chính hoặc dịch vụ khách hàng”.

Nhiều tuyển dụng giới hạn độ tuổi (Ảnh: Internet)
Một mẫu tuyển dụng giới hạn độ tuổi (ảnh: Internet)

Nhưng câu hỏi đặt ra là, ở tuổi 39, ngay cả khi được nhận vào một nơi nào đó, chị Thu cũng sẽ phải học việc lại từ đầu và chấp nhận mức lương bằng sinh viên mới ra trường. Mức lương đó không đủ để chị hạch toán những chi phí thiết yếu trong gia đình sống ở thành phố, có 2 đứa con: 4 tuổi và 9 tuổi.

Thậm chí, nếu công việc mới đòi hỏi thời gian hành chính từ 8g sáng đến 5g chiều, chị còn phải thuê người giúp việc theo giờ để họ đón con, làm việc nhà.

Tôi đỡ hơn nhiều chị em khi có nghề tay trái là viết lách, có thể nhận nhiều đầu việc để làm tại nhà, có cơ hội ra ngoài nhiều hơn. Nhưng thi thoảng, tôi vẫn ngước nhìn sang những người bạn không bị ngắt quãng vì ở nhà trông con, nay họ đều có những bước tiến rất lớn.

Ở độ tuổi gần 40, nếu không là quản lý cấp cao thì các bạn cũng có mức lương gấp 2, gấp 3 so với 10 năm trước. Nếu muốn tìm việc ổn định ở thời điểm này, tôi phải chấp nhận làm nhân viên của các bạn, với mức lương như xưa.

Có nhiều người hỏi, vì sao không tiếp tục ở nhà chồng nuôi (và nhiều người chồng cũng yêu cầu vợ như vậy), nhưng tôi nghĩ, ai cũng có nhu cầu kiếm tiền, tiêu đồng tiền mà không phải nhìn sắc mặt của người khác. Hơn nữa, việc ra ngoài đi làm còn giúp phát triển bản thân, mang đến cảm giác vui vẻ, thư giãn hơn là loanh quanh góc nhà.

Trong số 4 chị em chúng tôi, chị Hạnh là người lận đận nhất khi đi tìm việc, vì chuyên môn của chị không rõ ràng. Thời điểm nghỉ việc để trông con, chị đang làm một công việc tạm thời. Sau 6 năm có con nhỏ và chồng đi làm xa, chị tìm việc rất khó. Thay vì việc văn phòng, chị lại trải qua những việc như bán trái cây, học nghề gội đầu, nail…

Bây giờ, sau những thử nghiệm ra ngoài không thành công, chị lại quay về với nghề chính là nội trợ. “Buồn nhất là mình ở nhà nhiều thì chồng con sẽ mặc định mọi việc trong nhà đều là của mẹ. Chồng chị, đến việc nấu ấm nước sôi cũng không biết. Nhà hết nước uống thì hỏi: “Em ở nhà làm gì?”. Những câu hỏi như thế dễ chạnh lòng lắm”.

Nhưng dù có tâm sự ra sao, hay trong lúc đợi chờ những phương án việc làm khả thi, chị em chúng tôi vẫn tự nhắc nhau nhìn về hướng tích cực. Chúng tôi dạy con tự lập, biết làm việc nhà, đồng hành cùng con trong việc học, vẫn bàn nhau những cách sắp xếp thời gian, làm đẹp và tìm hiểu về chuyên môn, công việc để luôn ở trong một trạng thái sẵn sàng cho bất kỳ cơ hội nào đến.

“Thực tế vậy, nhưng chúng ta không được thỏa hiệp với những công việc mà mình không thích hoặc lương quá thấp. Quyết tâm phải chứng tỏ được năng lực bản thân và có công việc xứng đáng thì chúng ta mới đi làm” - chị Hạnh thi thoảng lại “hô khẩu hiệu” với chúng tôi.

Linh Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI