Lận đận... bao cao su

30/11/2015 - 14:27

PNO - Sử dụng bao cao su (BCS) là một trong những biện pháp an toàn tình dục. Tuy nhiên, ở một số nơi, vì định kiến mà chiếc BCS bị cấm đoán.

Hậu quả của việc cấm đoán là có thai ngoài ý muốn, nạo phá thai chui hoặc BCS đội giá lên gấp nhiều lần... mới đây, chính quyền quận Luwu (dân cư đa phần theo đạo Hồi) trên đảo Sulawesi (Indonesia), ra thông báo cấm bán BCS. Ông Andi Mudzakkar, người đứng đầu quận Luwu giải thích, xóa sổ BCS là cách tốt nhất nếu muốn ngăn chặn thực trạng "ăn cơm trước kẻng" của giới trẻ tại đây.

Một tuần sau khi thông báo đưa ra, bất cứ cửa hàng nào còn trưng BCS trên kệ sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn. Theo quy định mới, chỉ những ai trên 17 tuổi mới có quyền mua BCS. Ở Indonesia, tuổi được phép kết hôn với nam giới là 19, nữ giới là 16 tuổi.

Nhân viên xã hội Yakub Gunawan thuộc tổ chức phi chính phủ Red Institute, chuyên phòng chống HIV cho rằng, lệnh cấm của quận Luwu là trở ngại dẫn đến hàng loạt hành vi tình dục không an toàn, hậu quả khôn lường. Theo anh, chính quyền quận Luwu thay vì “chĩa mũi dùi” vào BCS, hãy sớm có chương trình giáo dục giới tính hiệu quả cho giới trẻ.

Lan dan... bao cao su
Một phụ nữ Indonesia tuyên truyền sử dụng bao cao su nhân Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS 1/12 - Ảnh: AP

Đây không phải là lần đầu tiên lệnh cấm bán các sản phẩm và thuốc hỗ trợ an toàn tình dục xuất hiện ở Indonesia. Tháng Sáu vừa qua, các nhà lập pháp tỉnh Bengkulu cho biết đang soạn thảo dự luật cấm bán thuốc ngừa thai tại tỉnh này.

Tháng 2/2015, thành phố lớn thứ hai của Indonesia là Surabaya cũng đưa ra quy định tương tự quận Luwu sau khi hàng loạt hộp chocolate bán ra trong ngày Valentine đều có kèm… BCS. Năm 2012, ông Asrorun Ni’am Sholeh, Phó chủ tịch Ủy ban Bảo vệ trẻ em Indonesia từng lên án việc bán BCS cho giới trẻ, vì đây là cách tiếp tay và làm xói mòn giá trị đạo đức.

Trong bối cảnh hiện nay, như đánh giá của ông Arist Merdeka Sirait, người tham gia nhiều dự án bảo vệ quyền lợi trẻ em, thì dù muốn hay không, do tốc độ phát triển nhanh của xã hội cùng sự thu hút từ các phương tiện truyền thông, giới trẻ ngày nay chủ động và tiếp cận sớm với hành vi tình dục.

Vì vậy, nếu chỉ cấm đoán mà quên giáo dục, các em mãi mãi không hiểu đúng về tầm quan trọng của an toàn tình dục. Hai năm trước, Bộ trưởng Y tế Indonesia Nafsiah Mboi khi còn tại chức đã thể hiện quan điểm ủng hộ việc tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng BCS cho thanh niên, nhưng sau đó, bà bị các nhóm chính trị gia theo đạo Hồi chỉ trích dữ dội. Họ đồng nhất việc sử dụng BCS với vấn đề đạo đức mà quên rằng, Indonesia đang đối mặt với bài toán vô cùng nan giải.

Lây nhiễm HIV/AIDS vẫn là vấn nạn đáng ngại nhất tại Indonesia. Từ năm 2005-2013, số người chết vì căn bệnh này tăng 427%. Theo Liên Hiệp Quốc thì năm 2010, có 333.200 người Indonesia nhiễm HIV.

Chính quyền địa phương luôn đổ lỗi cho quan hệ ngoài hôn nhân, thuốc kích thích quan hệ tình dục là nguyên nhân lây lan bệnh. Chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/ AIDS (UNAIDS) bác bỏ lập luận trên.

UNAIDS chỉ ra rằng, thiếu kiến thức an toàn tình dục, thiếu thuốc hỗ trợ ngăn chặn sự lây lan của virus HIV là nguyên nhân khiến căn bệnh này tăng với tốc độ khó cưỡng tại đây.

Myanmar cũng có lệnh cấm tương tự Indonesia. Dịp tết truyền thống Thingyan giữa tháng Tư năm nay, Myanmar cấm bán thuốc ngừa thai, Viagra, BCS… với lý do để kéo giảm tội phạm tình dục. Đây là biện pháp cứng rắn nhất liên quan đến các mặt hàng trên trong nhiều năm nay. Thế là chủ các cửa tiệm phải giấu tất cả “hàng cấm” nếu không muốn bị bắt giam.

Thực tế, BCS vẫn được bán lén lút với giá cao hơn nhiều so với bình thường vì nhu cầu sử dụng không hề giảm. Giới chuyên môn cho rằng, cấm bán thuốc ngừa thai gây thêm nhiều vấn đề xã hội rắc rối khác.

Mục đích chính của các nhà hoạch định là giảm thiểu tối đa hậu quả từ quan hệ tình dục thiếu an toàn, nhưng cách thức khác nhau nên kết quả đạt được cũng khác biệt đáng kể.

Hà Lan được xem là hình mẫu trong việc tiếp cận vấn đề. Ở xứ sở hoa tulip, việc tìm hiểu về cơ thể, có ý thức cao trong bảo vệ cơ thể là những bài học đầu tiên của trẻ từ bốn-bảy tuổi. Hầu như mọi trường cấp II đều có các bài giáo dục giới tính và hơn một nửa các trường tiểu học có thảo luận về tình dục, tránh thai.

Biện pháp truyền thông theo hướng khuyến khích đối thoại công khai, các chương trình chăm sóc sức khỏe và tình dục đảm bảo tiếp cận bí mật và không phán xét. Từ cuối thập niên 1980, chính phủ Hà Lan đã trợ cấp gói giáo dục về giới tính, tạo điều kiện cho thanh thiếu niên có lựa chọn thích hợp về sức khỏe và tình dục. Hiện nay, Hà Lan có tỷ lệ thanh niên mang thai ngoài ý muốn ở mức thấp nhất thế giới.

Thiên Anh (Theo Bangkok Post, Asian Correspondent, WSJ, wikipedia)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI