Làm vườn có thể giảm nguy cơ ung thư và gắn kết cộng đồng

22/02/2023 - 16:58

PNO - Theo một nghiên cứu mới, làm vườn có thể giúp giảm nguy cơ ung thư, tăng cường sức khỏe tinh thần và gắn kết cộng đồng.

 

Làm vườn có thể giúp giảm nguy cơ ung thư, tăng cường sức khỏe tinh thần và gắn kết cộng đồng - ẢNH: SWNS
Làm vườn có thể giúp giảm nguy cơ ung thư, tăng cường sức khỏe tinh thần và gắn kết cộng đồng - ẢNH: SWNS

Các nhà khoa học cho biết việc ăn nhiều trái cây và rau củ, tập thể dục nhiều hơn và xây dựng các mối quan hệ xã hội có thể làm giảm căng thẳng, lo lắng và nguy cơ mắc các bệnh khác nhau. Dù vậy, chúng ta vẫn chưa rõ liệu những người khỏe mạnh sẽ thích làm vườn hơn hay việc làm vườn có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe.

Tiến sĩ Jill Litt - giáo sư Khoa Nghiên cứu môi trường tại Đại học Colorado, Boulder, Mỹ - đã tiến hành khảo sát 291 người trưởng thành không làm vườn ở độ tuổi trung bình là 41. 219 người này được chia thành 2 nhóm: làm vườn và không làm vườn.

Nhóm làm vườn đã nhận được 1 khu vườn, một số hạt giống và cây giống cùng 1 khóa học làm vườn cơ bản. Cả hai nhóm đều được theo dõi về chế độ dinh dưỡng và sức khỏe tinh thần thông qua các phép đo cơ thể và đeo máy theo dõi hoạt động.

Sau 1 năm, nhóm làm vườn đạt được các chỉ số cơ thể tích cực hơn. Họ ăn trung bình 1,4g hoặc nhiều hơn 7% chất xơ mỗi ngày so với nhóm còn lại. Đồng tác giả James Hebert - Giám đốc chương trình kiểm soát và phòng ngừa ung thư của Đại học Nam Carolina (Mỹ) - cho biết: “Tăng 1g chất xơ có thể có tác động tích cực đối với sức khỏe”.

Nhóm làm vườn cũng tăng cường hoạt động thể chất khoảng 42 phút mỗi tuần và cảm thấy mức độ căng thẳng, lo lắng giảm đi, trong đó những người rơi vào tình trạng nặng nhất cũng cảm nhận rõ rệt các vấn đề sức khỏe tâm thần giảm đáng kể.

Nhiều người tham gia khảo sát sống ở những khu vực mà khả năng tiếp cận rau quả tươi với giá cả phải chăng là vô cùng hạn chế. Một số là những người nhập cư có thu nhập thấp sống trong những căn hộ không có sân vườn. Việc làm vườn có thể xây dựng các kết nối xã hội trong cộng đồng và mở ra không gian để mọi người chia sẻ kinh nghiệm với nhau. “Khi bạn tìm đến một khu đất để tự trồng lương thực, bạn sẽ bắt đầu quan tâm đến mảnh vườn của hàng xóm xung quanh và chia sẻ các kỹ thuật trồng trọt. Theo thời gian, các mối quan hệ sẽ nảy nở” - tiến sĩ Litt nói.

Hà Thụy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI