Làm vợ thương binh: Dù vất vả nhưng chưa bao giờ tủi thân, hối hận

31/07/2024 - 06:10

PNO - Sáng 30/7, nhân kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Hội LHPN TPHCM tổ chức họp mặt 100 chị em là vợ thương binh.

Hướng về sân khấu, bà Dương Thị Thúy (phường 9, quận Phú Nhuận) rưng rưng nhớ về những ngày tháng khó khăn của mình. Bà Thúy là vợ của thương binh Đặng Đình Quang - người đã mất một chân. Năm 1986, là cán bộ phụ nữ, bà Thúy thường xuyên đến thăm các gia đình thương bệnh binh, đã gặp và cảm mến ông Quang.

Dù gia đình không đồng ý nhưng bà Thúy đã thuyết phục để đến với ông Quang. Và vợ chồng họ đã sinh được 2 con, sống với nhau hạnh phúc. Bà Thúy nghẹn ngào: “Tôi cảm mến anh ấy vì sự chịu thương chịu khó vươn lên. Cả tuổi trẻ của anh đã cống hiến hết mình cho cách mạng, vì Tổ quốc, nên tôi tin anh cũng sẽ là người có đạo đức, có kỷ luật và thương yêu vợ con”.

Lãnh đạo Hội LHPN TPHCM thăm hỏi, động viên các dì, các chị là vợ của các thương binh
Lãnh đạo Hội LHPN TPHCM thăm hỏi, động viên các dì, các chị là vợ của các thương binh

Trong những năm đất nước còn khó khăn, là vợ thương binh, khó khăn của gia đình bà Thúy càng thêm chồng chất. Những lúc trái gió trở trời, vết thương trên cơ thể trở chứng khiến ông Quang đau đớn, bà Thúy không chỉ phải chăm sóc, vỗ về ông nhiều hơn mà còn là “cái nạng” vững chắc để chồng nương tựa.

Nhưng khi cơn đau qua đi, ông Quang lại cố gắng phụ giúp vợ mọi việc trong nhà, tăng gia sản xuất, trồng rau. Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình họ khá đủ đầy. “Tôi ngưỡng mộ anh trong việc nuôi dạy 2 đứa con ăn học thành tài, luôn sống chuẩn mực để các con noi theo” - bà Thúy tự hào.

Là vợ thương binh Tiêu Tuấn Mãnh, bà Bùi Thị Giáng kể, ông Mãnh đi bộ đội năm 1982. Đến năm 1984 ông bị thương và cụt một bên chân khi làm nhiệm vụ trên chiến trường Campuchia. Sau điều trị, ông Mãnh được đưa về làm việc tại một hợp tác xã. Từ đó, ông gặp bà Giáng và nên duyên vợ chồng.

Hơn 36 năm bên nhau, họ đã có 3 đứa con và cuộc sống hạnh phúc. “Tôi luôn sát cánh mỗi khi anh cần, cùng nhau ăn cơm, cùng nhau đi thăm khám bệnh, cùng nhau nuôi dạy con cái. Tuy không giàu nhưng tôi vô cùng mãn nguyện và chưa bao giờ hối hận vì đã chọn anh” - bà Giáng bộc bạch.

Nắm chặt tay chồng - thương binh Dương Đình Tấu - khi bước vào hội trường, bà Dương Thị Hà (74 tuổi, phường Thạnh Lộc, quận 12) khiến nhiều người ngưỡng mộ. Bà vui vẻ: “Hôm nay là họp mặt vợ thương binh nhưng chồng tôi muốn hộ tống tôi và chung vui cùng chị em nên xin đi theo”.

Ông Dương Đình Tấu là thương binh nặng. Là một chiến sĩ đặc công Sài Gòn - Gia Định, từng tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968, ông đã 8 lần bị thương, 6 lần lên bàn mổ. Ông bày tỏ: “Tôi cố gắng đứng ở đây để giao lưu, chia sẻ cùng chị em, để mọi người thấy rằng, những thương binh như tôi không tàn phế, vẫn luôn là chỗ dựa vững chắc cho vợ và các con. Đồng thời, tôi muốn cảm ơn vợ tôi đã vất vả bao năm tháng, luôn là động lực để tôi phấn đấu mỗi ngày”.

Bà Hà kể về chồng: đất nước giải phóng, ông Tấu đã mang trên mình rất nhiều vết thương, nhưng ông tiếp tục sang chiến trường Campuchia làm nhiệm vụ.

“Năm 1980, ông trở về với 2 tay 2 nạng, không làm được gì. Khi ấy, các con còn nhỏ, thiếu thốn đủ bề, gia đình tôi vô cùng khó khăn. Tôi lo công tác tại đơn vị rồi về chăm sóc chồng, con. Vất vả là thế nhưng tôi chưa bao giờ hối hận, tủi thân khi chọn anh làm chồng” - bà Hà nghẹn ngào.

Dịp này, Hội LHPN TPHCM đã tặng 100 phần quà cho các dì, các chị là vợ của thương binh.

Ngọc Trăm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI