Làm vợ đau nhất là bị chồng chê, chồng bỏ

22/03/2017 - 09:41

PNO - Má tôi và má anh là bạn. Thấy anh hiền, gia đình khá giả, vậy là má gả tôi cho anh. Về nhà chồng tôi mới biết, tiếng tăm giàu có của gia đình anh chỉ còn cái vỏ.

 Anh chẳng biết làm gì, chỉ chơi rong. Để lo sinh kế, tôi nhận may quần áo và bán tạp hóa. Cực nhọc hơn 10 năm, tích góp được ít vốn, tôi mua nhà máy xay lúa để chồng trông coi.

Lam vo dau nhat la bi chong che, chong bo
 

Tiếng là ông chủ nhưng anh chẳng làm gì ngoài việc nằm toòng teng trên võng chờ thu tiền. Công nhân bớt xén gạo, cám, tráo cả phụ tùng anh cũng không hay. Sốt ruột, tôi dẹp tiệm may, trực tiếp quản lý nhà máy. Tôi theo sát từ khâu vận chuyển lúa, ra thành phẩm, xếp vào kho. Máy hư lặt vặt, tôi nhìn thợ sửa rồi học theo.

Cả ngày người tôi lấm lem dầu mỡ và bụi cám. Nhiều người thắc mắc: “Ông chủ đẹp trai, phong độ, sao lại lấy bà vợ đầu bù tóc rối như con ở” khiến tôi cũng tủi thân. Nhưng, nếu tôi không lăn vào công việc, làm sao có ăn?

Hôm nghe tin chồng cặp bồ với cô chủ quán cà phê, tôi chới với. Mấy chị hàng xóm hăng máu, xúi tôi đánh ghen, còn tình nguyện phụ một tay. Tôi như người mất lý trí, dao lớn dao nhỏ gom hết vô giỏ, xách theo để… trừng trị tình địch. Đến nơi gặp ngay cảnh chồng tôi đang tình tứ giũa móng tay cho cô bồ trẻ. Liếc “đội quân” hùng hậu của tôi, anh thản nhiên: “Chuyện nhà người ta, các bà xía vô làm gì? Còn cô nữa, nhìn lại mình xem, có bằng một góc người ta không?”.

Tôi buông giỏ dao, khuỵu xuống, lòng lạnh ngắt, rơi rụng. Mấy chị xúm lại khiêng tôi ra xe. Tôi thua cô gái kia ngay lúc bước chân vào cửa. Tôi tự an ủi, chồng đi, xem như bớt một gánh lo. Nói vậy thôi, chứ bao năm cung phụng chồng như ông hoàng, việc lớn nhỏ gì cũng không để chồng động tay, giờ chồng bỏ, sao không đau.

Chồng tôi đòi chia đôi tài sản. May mà lúc mua nhà máy tôi để má chồng đứng tên. Bà thương tôi, không chịu bán nhà máy. Không có tiền, chồng tôi bị bồ đá, lủi thủi quay về. Người về mà hồn vẫn lạc ở đâu đâu, cả ngày nằm thượt ra, chẳng màng đến việc gì. Tôi không biết nên mừng hay lo. Số phận vẫn chưa thôi thử thách. Một lần sửa máy, tóc tôi bị dây tời cuốn, tróc da nửa đầu. Khi dừng được máy, tôi còn rơi xuống, gãy chân.

Những ngày nằm bệnh viện, tôi vẫn phải gắng gượng quản lý công việc từ xa. Chồng tôi ngồi đó kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” nên mối hàng cứ mất dần. Ngày tôi xuất viện, anh chỉ liếc qua, buông một câu buốt óc: “Đầu trọc còn bị què. Tôi hết dám ra đường cùng cô”. Nỗi đau thể xác không sánh được câu nói lạnh tanh đó.

Lam vo dau nhat la bi chong che, chong bo
 

Đang lúc cùng đường, tôi trúng số một khoản tiền lớn, như được hồi sinh. Không ngờ, chỉ vài hôm sau, trời mờ sáng tôi nghe tiếng con gái thất thanh: “Mẹ ơi, ba đi rồi”. Tôi tỉnh giấc. Chiếc tủ sắt mở toang, tiền bạc mất sạch. Anh để lại mấy lời, nói phải đi để làm lại cuộc đời. Đòn chí mạng đó quật tôi lê lết cả năm không dậy nổi.

Nếu không có má chồng và ba đứa con an ủi, chắc tôi đã đi theo ông bà. Tôi bán nhà máy, mở lại tiệm tạp hóa để kiếm tiền chợ. Chân tôi đã lành, nhưng do di chứng nên dáng đi khập khiễng rất khó coi. Các con thấy tôi cứ trốn trong nhà, nên thay nhau dắt tôi đi tập thể dục, đi chơi chỗ này chỗ kia. Số tôi không được chồng thương, nhưng ông trời cũng bù đắp cho tôi ba đứa con ngoan.

Tôi đã trèo khỏi miệng vực. Đường từ nay có lẽ đã bằng phẳng hơn. Tôi tự dặn mình phải đi tới, không ngoái lại, chỉ thêm đau lòng.

Nguyễn Thùy Liên


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI