Làm vợ có phải là một công việc?

09/06/2023 - 14:20

PNO - Nếu nói rằng làm vợ là một công việc, và chỉ là công việc mà thôi, thì công việc đó quả thật là quá nặng nề!

Chào chị Hạnh Dung,

Tôi năm nay 43 tuổi, kết hôn được 13 năm, có 2 con 1 trai 12 tuổi, và 1 bé gái 6 tuổi. Tôi trở thành một người mẹ nội trợ toàn thời gian từ khi kết hôn. Đôi khi tôi nhận thấy chồng tôi giống con trai của tôi hơn là cây tùng, cây bách cho tôi bóng mát và sự che chở.

Tôi muốn hỏi, ký giấy đăng ký kết hôn có phải là mình đang ký vào một hợp đồng lao động không? Nếu cảm thấy quá mệt mỏi và chán nản, phải chăng mình nên tìm một công việc khác phù hợp hơn? Mình có ích kỷ khi đang xem gia đình như một chốn công sở không? Mình mệt mỏi với 2 chữ thiên chức của người mẹ và tình nghĩa vợ chồng. Chân thành cảm ơn thời gian của chị đã đọc thư này.

My Lan

Chị My Lan thân mến,

Nhận được thư của chị đã hơn 2 tuần mà Hạnh Dung phân vân mãi chưa có câu trả lời cho chị: Làm vợ có phải là một công việc hay không? Và nếu mệt mỏi chán nản với công việc đó, thì mình có nên đổi việc hay không?

Câu hỏi mà có rất nhiều người nghĩ rằng thật dễ trả lời với nhiều người phụ nữ. Bởi chắc chắn nhiều người không cho rằng làm vợ là công việc. Nó là tình yêu, là sự gắn kết, là nghĩa tình thủy chung suốt đời. Nó là trách nhiệm với gia đình, với chồng, với con. Nó cũng là nơi người làm vợ, làm mẹ nhận lại những điều như thế: tình yêu thương, sự chăm sóc của những người thân...

Nói tóm lại, chỉ cần search trên mạng vài giây với hai từ khóa "làm vợ", chúng ta sẽ có đến hàng ngàn hàng ngàn câu trả lời mà ai cũng có thể hiểu được, chấp nhận được, như một nguyên tắc từ bao đời nay. Thế nhưng, Hạnh Dung lại không thể đưa những câu trả lời đó cho chị. 

Bởi vì một điều hết sức rõ ràng, Hạnh Dung cảm nhận trong câu hỏi có vẻ đơn giản của chị đang chất chứa nhiều tâm tư, sự mệt mỏi, chán nản, thất vọng... Một người vợ, người mẹ đang phân vân về những điều mình đang làm cho gia đình, chồng con.

Làm sao để giúp chị thay đổi tâm trạng, làm sao giúp chị cảm nhận lại ý nghĩa của việc mình đang làm... chỉ bằng vài trăm chữ? Thật sự với Hạnh Dung là khó, khó hơn rất nhiều so với những câu hỏi tình huống khác.

Vậy thì, với riêng chị, bỏ qua những câu trả lời thông thường, công thức quen thuộc, Hạnh Dung muốn nói một điều: Với người này, làm vợ là một hạnh phúc, khi được chăm sóc người thân của mình, gìn giữ ngọn lửa ấm áp của gia đình... thì với người khác, làm vợ cũng có thể chỉ là một công việc, khi mà họ không tìm thấy hạnh phúc trong đó, không tìm được nguồn động viên, chia sẻ, cảm giác ấm áp từ những việc họ làm cho những người thân. Và đó quả là một điều bất hạnh, khổ sở.

Nhưng nếu nói rằng làm vợ là một công việc, và chỉ là công việc mà thôi, thì công việc đó quả thật là quá nặng nề, chị ạ. Một công việc thông thường, khi người ta đi làm, sẽ chỉ kéo dài 8 tiếng đồng hồ, chỉ 5 ngày/tuần, có nghỉ thứ bảy, chủ nhật, nghỉ lễ, tết, có lương, có thưởng, có sự chọn lựa thay đổi nếu thất vọng, hết thích, mệt mỏi...

Còn "công việc" làm vợ là từ ngày này qua ngày khác, 24/24, suốt tuần, suốt năm, suốt tháng, thậm chí suốt đời. Nó là những trách nhiệm, hy sinh, lo lắng... không được trả công bằng vật chất thông thường. Nó làm trái tim ta thăng trầm với bao nhiêu cảm xúc. Cho nên, nếu coi làm vợ chỉ là một công việc, thì có lẽ khó có người phụ nữ nào chấp nhận chịu đựng công việc đó đến suốt đời.

Thật sự, đọc bức thư của chị, Hạnh Dung nghĩ rằng có lẽ nó được viết ra vào một lúc nào đó chị rất bức xúc, rất mệt mỏi, rất chán nản... mà thôi. Bởi nếu thật sự chị coi đó chỉ là một công việc, chị không thể chịu đựng nó tới 13 năm ròng, chị không thể có hai bé vừa trai, vừa gái chắc chắn là rất đáng yêu và nhiều người mơ ước. Nhưng rồi cái lúc mệt mỏi đó cũng đã qua đi, chị đã bình tâm lại và lại làm người vợ, người mẹ của yêu thương, của hy sinh, chăm sóc... không ngừng nghỉ.

Điều quan trọng là giờ đây chị phải làm sao cho những giây phút đó không trở lại nữa. Các con chị cũng đã lớn, chị có thể trở lại với công việc, bước ra ngoài xã hội, tìm cho mình một vị trí nào đó, tự làm ra tiền, có những đam mê khác cho bản thân như tập thể thao, học đàn, học vẽ, hay thậm chí là may vá, đan lát... 

Hãy tự thay đổi những công việc của mình, những cảm xúc nhàm chán mệt mỏi của mình, tiếp thêm nguồn năng lượng để sống, yêu thương và hạnh phúc. Theo Hạnh Dung, đó là điều tốt nhất chị làm được, để hai từ "làm vợ" của chị có ý nghĩa hơn là một công việc. Bởi khi chị hạnh phúc và mạnh mẽ, tươi mới và đam mê, chị sẽ mang đến hạnh phúc nhiều hơn cho chồng, cho con của mình, và chị sẽ tự tìm ra ý nghĩa của hai từ "làm vợ" tốt nhất.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI