Làm việc với Thủ tướng, TPHCM hứa vừa chống dịch vừa phấn đấu tăng trưởng trên 6,5%

13/05/2021 - 09:49

PNO - Ngày 13/5, đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đã có buổi làm việc tại TPHCM. TPHCM là địa phương đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ chọn làm việc trong chương trình làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ với các địa phương, sau khi kiện toàn Chính phủ.

TPHCM đạt nhiều thành tựu trong thực hiện mục tiêu kép

Tại phiên làm việc, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố đã kiểm soát được dịch COVID-19, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa chủ động phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đạt nhiều kết quả tích cực.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong báo cáo tại phiên làm việc
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong báo cáo tại phiên làm việc

Cụ thể: tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I năm 2021 đạt 329.600 tỷ đồng, tăng 4,58% so với cùng kỳ; tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 7,9%; thương mại bán lẻ hàng hóa tăng 9%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 26,3%; 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu tăng 11,7%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 15,5 tỷ USD, tăng 14%; lượng khách nội địa đạt gần 6,2 triệu lượt, tổng doanh thu đạt hơn 29,7 nghìn tỷ đồng, tăng 17%...

Công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 được triển khai tốt. Thành phố xác định đây là cuộc chiến thực sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo cho sự phát triển dài hạn. Tổng số ca nhiễm phát hiện tại thành phố từ tháng 1/2020 đến nay là 267 trường hợp; đã điều trị khỏi cho 244 trường hợp, không có trường hợp tử vong. Thành phố đã tiêm vắc-xin cho 59.900 người, hiện tất cả đều ổn định.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, thành phố sẽ huy động cả hệ thống chính trị để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu trong năm 2021, trong đó phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn thành phố GRDP đạt trên 6,5%, góp phần tích cực cùng cả nước hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Đề xuất, kiến nghị 5 nhóm vấn đề

Để thành phố tiếp tục phát triển, ông Phong kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giải quyết 5 nhóm nội dung trọng tâm.

Quang cảnh phiên làm việc giữa đòn công tác do Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu tại TPHCM
Quang cảnh phiên làm việc của đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu tại TPHCM

Nhóm 1 là về phân cấp, phân quyền cho TPHCM. Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, hiện nay, một số nội dung trong Nghị định số 93/2001/NĐ-CP không còn phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và không tạo cơ chế thuận lợi cho sự phát triển của thành phố. Do đó kiến nghị sớm xây dựng Đề án ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 93 của Chính phủ về phân cấp một số lĩnh vực cho thành phố trong quý II năm 2021.

Nhóm 2 là về khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, với 4 kiến nghị: chấp thuận điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giai đoạn 2022 - 2025 là 23%; ban hành Quyết định về danh mục doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa giai đoạn 2021-2025 và Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 để địa phương có sơ sở thực hiện; ban hành Nghị định hướng dẫn việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Nhóm 3 là về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, thành phố kiến nghị chấp thuận thông báo điều chỉnh mức vốn dự kiến đầu tư công của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ các nguồn vốn đầu tư thành phố có thể huy động được theo đúng khả năng cân đối và nhu cầu của thành phố là 261.967 tỷ đồng

Nhóm 4 là các kiến nghị liên quan đến TP. Thủ Đức, với 3 nội dung: xây dựng Đề án về cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP. Thủ Đức, trình Chính phủ trong quý II năm 2021; kiến nghị cho phép TP tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh Dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư phía bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề xuất của nhà đầu tư cho Dự án giai đoạn 2 của Công ty Intel Products Việt Nam.

Nhóm 5 là về quản lý đô thị với 6 kiến nghị: ban hành Nghị quyết ủy quyền cho UBND TPHCM điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chung thành phố tại một số khu vực; cho phép UBND TPHCM quyết định điều chỉnh mục tiêu dự án, quỹ nhà phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội hoặc thương mại thay cho Bộ Xây dựng; cho phép nhà đầu tư tham gia xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ, xuống cấp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có) đối với toàn bộ diện tích đất thu hồi và giao trong phạm vi thực hiện dự án. Đồng thời, cho phép TP lựa chọn chủ đầu tư thực hiện xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ (cấp B, C, D) theo hình thức chỉnh trang đô thị.

Về Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, TP kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện và đề xuất Chính phủ hỗ trợ 100% vốn ngân sách Trung ương để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố. 

Cạnh đó, một số dự án như khép kín đường Vành đai 3, 4… TP cũng kiến nghị giải quyết một số khó khăn.

Kiến nghị liên quan Tổng công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV (Saigontourist) 

Theo ông Phong, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV (Saigontourist) thuộc nhóm cổ phần hóa, Nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ. Tuy nhiên, hiện nay, Saigontourist đang quản lý 4 khách sạn có giá trị lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật cần được bảo tồn và có vị trí tại trung tâm thành phố, mang tính đảm bảo an ninh - quốc phòng. Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phương án chấp thuận chủ trương thành lập một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc TP để tiếp nhận, quản lý đối với 4 khách sạn thuộc Saigontourist và các khoản góp vốn liên doanh nêu trên khi các doanh nghiệp Nhà nước (bao gồm Saigontourist) thực hiện cổ phần hóa. Phương án 2 là chấp thuận chủ trương không thực hiện cổ phần hóa Saigontourist khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2021 - 2025.

Theo ông Phong, Saigontourist là đơn vị chủ chốt, quan trọng trong chiến lược phát triển ngành du lịch; đồng thời đơn vị này còn thực hiện các nhiệm vụ chính trị của TP giao. Saigontourist đang có trên 50 phần vốn góp tại các doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực du lịch, trải dài hầu hết các tỉnh, thành cả nước và phần lớn các doanh nghiệp này đang sử dụng các nhà đất có vị trí trung tâm, đắc địa tại địa phương hoạt động.

Trường hợp Saigontourist được giữ 100% vốn Nhà nước, TP sẽ có cơ sở điều chuyển thêm một số khoản vốn góp liên doanh trong lĩnh vực khách sạn về Saigontourist quản lý, tạo điều kiện nâng cao vai trò chủ chốt của Saigontourist.

Tuyết Dân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
TIN MỚI