Làm việc không nghỉ ngơi, người trẻ nhập viện do xương khớp

28/06/2017 - 16:00

PNO - Ngồi trước máy tính và giữ tư thế cột sống quá lâu dẫn đến đau, mỏi cơ năng vùng cổ lưng; thậm chí người trẻ mang giày cao gót hoặc vận động sai cách dẫn đến chấn thương khớp nhiều lần.

Bác sĩ Huỳnh Phương Nguyệt Anh, khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Dược (ĐHYD) TP.HCM cho biết, trung bình mỗi ngày, bệnh viện này tiếp nhận khoảng 300 lượt bệnh nhân khám xương khớp, trong đó chiếm 1/3 là người từ 18-35 tuổi. 

Lam viec khong nghi ngoi, nguoi tre nhap vien do xuong khop
Một bệnh nhân 17 tuổi đang được khám xương khớp ở BV ĐHYD TP.HCM


Cứ tưởng “lướt” qua được

Trên hàng ghế đợi ở khu vực phòng khám xương khớp của Bệnh viện ĐHYD TP.HCM, có ba cô gái và hai chàng trai trên dưới 25 tuổi. Chị Nguyễn Thu T. (24 tuổi, nhân viên một ngân hàng ở Q.5, TP.HCM) tựa vào người thân, đi cà nhắc vào phòng khám bệnh.

Bạn trai của chị T. cho biết, khoảng 10 ngày nay, cổ chân phải của chị T. bỗng dưng đau nhức, chị không chịu đi khám vì nghĩ lướt qua được. Thế nhưng, hai hôm nay, chị đau nhiều nên anh “cưỡng chế” đến đây. 

Lam viec khong nghi ngoi, nguoi tre nhap vien do xuong khop
 

Anh đang kể thì dừng lại vì chị T. đi ra với đôi mắt ậng nước, ngồi phịch xuống nói như mếu: “BS nói phải mổ, nếu không, sau này phải thay khớp”. 

Còn ở trước khu vực phòng khám cơ xương khớp của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) có một cô gái tên Trần Thị Thục H., SN 1995 ở Quảng Nam với dải băng quấn chặt hai gối. Sự mệt mỏi, lo âu thể hiện rõ qua tiếng thở dài và vẻ mặt cau có. 

Trước đây, sức khỏe H. bình thường, tính rất vui vẻ, năng động. Hai tháng trước, tự dưng H. bị đau đầu gối, lúc đầu đau nhẹ, gần đây nhức đến mức đi đứng rất khó khăn, phải quấn băng thun chặt mới đi được, đứng lên ngồi xuống là gối kêu lạo xạo.

Lam viec khong nghi ngoi, nguoi tre nhap vien do xuong khop
 

H. đã đi khám ở một bệnh viện, được chẩn đoán bị viêm cột sống dính khớp nặng. Bác sĩ nói bệnh này khó chữa, nguy cơ bị tàn phế cao nên H. sợ mất ăn mất ngủ và hối hận, vì thời sinh viên, H. bị đau lưng nhưng cứ nghĩ do ngồi nhiều, chỉ mua thuốc giảm đau uống.

Đau lưng, khám ra hoại tử chỏm xương đùi

Bác sĩ Huỳnh Phương Nguyệt Anh cho biết, người trẻ khi đến khám xương khớp thì thường là lúc bệnh nặng. Vì trước đó, khi  mới có dấu hiệu đau, mọi người ỷ sức trẻ sẽ lướt được, hoặc chủ quan bỏ qua các dấu hiệu đau thoáng qua, đến khi cơn đau tái đi tái lại, hoặc đau nhiều hơn mới chịu đi khám và có không ít người phải đối diện với nguy cơ tàn phế khi bệnh vào giai đoạn nặng nhất. 

Trường hợp của anh Nguyễn Minh K., 30 tuổi, ở Q.Tân Bình, TP.HCM là một ví dụ. Khi đưa người thân đi khám tổng quát ở Bệnh viện ĐHYD TP.HCM, anh K. tiện thể cũng khám cái lưng hay đau.

Lam viec khong nghi ngoi, nguoi tre nhap vien do xuong khop
 

Anh khai bệnh: “Thỉnh thoảng tôi bị đau lưng, đau không nhiều lắm, nhưng kéo dài cả năm nay. Bác sĩ coi giùm cột sống tôi có vấn đề gì không?”. Khi khám và chụp XQ, không phát hiện tổn thương vùng cột sống, bác sĩ yêu cầu chụp thêm khớp háng thì phát hiện anh K. bị hoại tử chỏm xương đùi giai đoạn 3 (giai đoạn 4 là nặng nhất). Kết quả này khiến anh K. hết sức ngỡ ngàng.

“Hoại tử chỏm xương đùi có thể do chấn thương lúc nhỏ, nhưng bản thân và gia đình không để ý nên tổn thương ngày càng nặng hơn. Ngoài ra, bệnh còn xảy ra ở người hút thuốc lá lâu năm, uống rượu bia nhiều, hoặc sử dụng thuốc corticoid nhiều”, bác sĩ Nguyệt Anh nói.

Các chuyên gia xương khớp cho biết, lạm dụng thuốc giảm đau khiến men gan tăng cao, dẫn đến viêm gan cấp, nặng hơn thì bị suy gan; còn thuốc chống viêm thường có tác dụng phụ lên dạ dày, thận, tim mạch, có thể gây viêm loét, xuất huyết tiêu hóa hoặc gây suy thận. 

 

Tích cực luyện tập để xương khớp khỏe mạnh

Có hai nhóm người trẻ bị bệnh về xương khớp. Một là những người trẻ làm việc không nghỉ ngơi, ngồi trước máy tính và giữ tư thế cột sống quá lâu dẫn đến đau, mỏi cơ năng vùng cổ lưng; người trẻ mang giày cao gót hoặc vận động sai cách dẫn đến chấn thương khớp nhiều lần. Nhóm còn lại là đau khớp do bệnh tự miễn, bị gout, do rối loạn chuyển hóa… 

Đau khớp diễn tiến âm ỉ, kéo dài và khi thời tiết chuyển mùa, gân cơ, bao khớp co rút lại nên thường đau nhức nhiều hơn. Dấu hiệu đau khớp ở người trẻ là: cảm giác đau tại khớp, nhất là khi thời tiết thay đổi, hoặc vận động nhiều sẽ sưng đau vùng khớp nặng hơn. 

Khi có dấu hiệu đau nhức, sưng khớp, hoặc ngồi xuống đứng lên nghe khớp kêu lạo xạo, lụp cụp thì nên đến BV khám, điều trị kịp thời. Cần tránh lạm dụng thuốc hoặc xử trí theo những phương pháp không có cơ sở khoa học và nhất là không được chủ quan, ỷ sức trẻ có thể “lướt” bệnh. 
Để có hệ xương khớp khỏe mạnh, người trẻ cần tích cực vận động, luyện tập thể thao như: yoga, đi bộ, bơi, đá bóng… 
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI