Làm tượng cụ Hiến và những mẩu chuyện nhỏ về trường Viết văn Nguyễn Du

16/11/2019 - 13:07

PNO - Trước ngày kỷ niệm 35 năm Trường Viết văn Nguyễn Du (1979 - 2014), khoa Viết văn, Báo chí tự nhiên sinh ra ý tưởng làm tượng cụ Hiến. Lúc ấy cụ đã mất được 3 năm.

Ai hiểu về việc tạc tượng thì biết là khó chứ không dễ. Khó từ ý tưởng, chất liệu, kích cỡ, kiểu dáng, đường nét, thần thái. Nếu chất liệu bằng đồng thì còn là kỹ thuật đúc, bệ tượng, nơi đặt tượng… Nghĩa là rất công phu.

Tôi quen họa sĩ Lê Thiết Cương. Anh sáng tác trên khá nhiều chất liệu, nhưng mạnh nhất vẫn là tranh sơn dầu, tượng thì ít làm. Trong một cuộc nhậu, tôi nêu ý tưởng làm tượng cụ Hiến. Anh liền ủng hộ ngay.

Tôi hỏi anh sẽ giúp được những gì? Anh cười cười bảo, cứ làm đi, việc đáng làm thì nên làm, lo gì ông, tôi sẽ sẵn sàng giúp ông… Nghe thế, tôi như được khích lệ.

Lam tuong cu Hien va nhung mau chuyen nho ve truong Viet van Nguyen Du
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với gia đình nhà văn Nguyễn Công Hoan cùng thầy trò trường Viết văn Nguyễn Du, khóa V

Lê Thiết Cương bảo: “Với ông Hiến, tôi không có một quan hệ cụ thể nào, nhưng tôi quý, nể ông ấy”. Đó là lý do để anh xắn tay vào việc một cách vui vẻ, hào hiệp.

Cương là tay họa sĩ yêu văn chương. Mà bản thân Cương cũng viết nhiều. Viết báo, viết phê bình, giới thiệu mỹ thuật rất có cá tính, có duyên. Bạn bè của Cương rất đông, có đến hơn nửa là cánh làm văn học. Tuy không viết ra, nhưng anh thường có những nhận xét về văn chương, nhất là về thơ, tinh sắc như một nhà phê bình văn chương thực thụ. Thế nên anh yêu Hoàng Ngọc Hiến cũng là điều dễ hiểu.

Được lời như cởi tấm lòng. Trở về, tôi bàn bạc với khoa. Ngặt một nỗi, kinh phí chắc là không nhỏ, mà khoa thì nghèo. Không có thì đi kêu gọi. Tôi nêu ý tưởng với các bậc đàn anh học Trường Viết văn Nguyễn Du những khóa đầu. Hầu như "chúng khẩu đồng từ", ai cũng khích lệ. Nhưng khích lệ bằng tinh thần là chính. Vẫn ngặt cái khoản chi… Các thầy cô thử phát động sinh viên xem sao. Tuy chúng chẳng thể có nhiều, nhưng phương châm tích tiểu thành đại. Được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Không bắt buộc. Mà chúng cũng lại vui vì được góp cùng.

Riêng với gia đình thầy, chúng tôi chỉ đến gặp cô Nga, phu nhân của thầy để trình bày ý tưởng, cung kính xin phép thôi, chứ tuyệt nhiên giấu câu chuyện tiền nong.

Một hôm, cô Nga chống gậy xuống khoa hỏi han việc làm tượng, rồi đưa cho một món tiền nho nhỏ, bảo là không phải tiền của cô, cô cũng không có tiền, nhưng đây là món tiền của thằng cậu, em ruột cô.

Lâu nay việc lớn việc nhỏ nhà này, kể cả ốm đau từ vợ chồng con cái, hễ ai làm sao, đi bệnh viện này nọ, cậu ấy đứng ra lo hết. Cậu ấy tuy có dư dả hơn tôi, nhưng không thể nói là giàu được. Nhưng cậu ấy tốt lắm, lòng thảo lắm… Nên các em phải nhận, coi đây là chút trách nhiệm của gia đình, chút gọi là gửi gắm các em. Các em phải nhận cho cậu ấy vui, chứ không cậu ấy tủi thân… Cô đã nói thế thì làm sao chúng tôi có thể chối từ.

Hôm sau, đích thân tôi mang một mớ tiền đến đưa cho Lê Thiết Cương, bảo rằng biết số tiền này chẳng đáng là bao, tuy nhiên nó là sự gom góp ân tình của các thầy cô, các sinh viên khoa tôi và có cả của gia đình cụ Hiến, nên mong bạn giúp.

Tôi cũng chẳng biết một bức tượng với quy mô và chất liệu đồng tốt như dự kiến thì giá cả thế nào. Đánh bạo hỏi Cương, rằng thì là… cái số tiền này có được nửa bức tượng không? Lê Thiết Cương cười cười bảo, ông không cần biết giá cả làm gì, thôi thì tôi xin nhận, còn lại thiếu bao nhiêu, tôi lo, được chưa!

Lam tuong cu Hien va nhung mau chuyen nho ve truong Viet van Nguyen Du
Tượng cụ Hiến được đặt tại Trường Viết văn Nguyễn Du (nay là khoa Viết văn, Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội)

Cương chơi với một họa sĩ điêu khắc tượng chân dung khá có uy tín. Ông ấy có một xưởng làm tượng ngoài bãi sông Hồng. Chẳng biết Cương trao đổi những gì mà tôi thấy ông điêu khắc vui lắm. Vậy là ông điêu khắc đã nhận lời.

Sau mấy lần cùng Cương đi xem phác thảo, chúng tôi có mời phu nhân và hai ái nữ của thầy đi xem phác thảo lần cuối. Nhà điêu khắc bờ sông ân cần lắng nghe góp ý của những người trong gia đình thầy.

Đúng vào lễ kỷ niệm thành lập trường, bức tượng được khánh thành.

Hôm ấy các đồng nghiệp của thầy, các thành viên trong gia đình thầy và học trò nhiều thế hệ đã tham dự nghi thức khánh thành bức tượng. Đặc biệt, trong buổi lễ, nhà văn Nguyên Ngọc, Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, hai người bạn thân của thầy Hiến lúc sinh thời, đã nói những lời sẻ chia sâu sắc.

Lê Thiết Cương, “tác giả” chính của bức tượng chỉ cười rất tươi, chẳng nói gì, mời phát biểu đôi lời, nhưng từ chối.

Lam tuong cu Hien va nhung mau chuyen nho ve truong Viet van Nguyen Du
Từ phải sang: Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, nhà văn Nguyên Ngọc, họa sĩ Lê Thiết Cương đứng bên tượng thầy Hoàng Ngọc Hiến

Lễ hội qua đi. Ít hôm sau, tôi gọi điện tỉ tê hỏi nhà điêu khắc về giá cả cụ thể. Ông ấy cho biết Lê Thiết Cương đã lo đủ rồi, chỉ có ngần ấy thôi. Bọn em chơi với nhau nên giá cả nhẹ nhàng thế thôi.

Thì ra là thế. Tôi tính nhẩm trong đầu, toàn bộ số tiền mà tôi mang đến gửi Lê Thiết Cương mới chỉ bằng một phần tư tổng chi. Vậy là ba phần tư còn lại, Lê Thiết Cương đã hào hiệp chi dùm một cách thầm lặng, không cần ai biết.

Tượng đã xong, đã kê trên kệ tượng làm bằng gỗ màu ngà với những đường vân nổi chìm rất đẹp. Ngúc ngoắc cái đầu, xê bên nọ dịch bên kia, Cương bảo: “Tôi cảm thấy còn thiếu thiếu một cái gì nữa. À, ông chọn cho tôi một câu thật hay của ông Hiến, để tôi cho khắc trên tấm đồng rồi gắn vào kệ tượng". 

Tôi bảo, thầy Hiến có nhiều câu hay. Tôi đưa ba câu để ông chọn nhé.

1. “Người Nghệ là người có tất cả mọi thứ, chỉ trừ hạnh phúc”.
2. “Tôi viết phê bình để làm “sáng giá” và “sang giá” những tác phẩm tôi tâm đắc”.
3. "Cái nước mình nó thế”.

Cương cười sướng, bảo cả ba câu đều hay, nhưng lấy câu thứ hai cho nó lành. Chỗ này là trường học viết văn, câu này là hợp nhất.

Khi gắn xong cái biển đồng dưới thân tượng, thấy bức tượng thầy “sáng giá” và “sang giá” hẳn lên.

Chỉ có thể là con mắt Thiết Cương!

Văn Giá

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI