Làm tròn 15 điểm: Không đủ điều kiện đăng kí xét tuyển ĐH 2016

31/07/2016 - 07:57

PNO - Ban tư vấn tuyển sinh giải đáp một số thắc mắc liên quan đến kỳ tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2016.

Làm tròn 15 điểm vẫn không đủ điều kiện đăng kí xét tuyển ĐH

Một thí sinh tại Đà Nẵng đặt câu hỏi: "Điểm của em là 14.98, với số điểm này em có được làm tròn lên 15 không? Khi đã làm tròn có đủ điều kiện nộp đăng ký xét tuyển (ĐKXT) ĐH không? Và em có thể ĐKXT trường CĐ Công nghệ không?"

Ban tư vấn tuyển sinh ĐH Đà Nẵng giải đáp: "Số điểm của em được làm tròn lên 15, tuy nhiên không đủ điều kiện nộp ĐKXT Đại học. Theo đó, điểm xét tuyển Đại học phải từ 15 điểm gốc trở lên, không tính điểm làm tròn. Với số điểm này thì lựa chọn vào Cao đẳng Công nghệ là đúng đắn. Sau khi hoàn thành chương trình học 3 năm, em hoàn toàn có thể thi liên thông lên các trường Đại học khác trên toàn quốc".

Lam tron 15 diem: Khong du dieu kien dang ki xet tuyen DH 2016

Một số thí sinh lo ngại: "Đến 15/8 mới có kết quả, trong khi đó 12/8, Đại học Đà Nẵng đã ngừng nhận ĐKXT đợt 1, như vậy không thể dùng điểm phúc khảo để xét tuyển đợt 1.

Ban tư vấn giải đáp: "Theo quy định của Bộ GD&ĐT, điểm phúc khảo sẽ có sau 1 tháng công bố kết quả thi, đối với Đại học Đà Nẵng, dự kiến 17/8 sẽ có điểm phúc khảo. Các em có thể sử dụng điểm chưa phúc khảo để nộp ĐKXT đợt 1. Sau khi có điểm phúc khảo, các em tiếp tục nộp các đợt bổ sung".

21 điểm có thể đỗ ngành kinh tế của nhiều trường Đại học

Một thí sinh Bến Tre đặt hỏi: "Em đạt 21 điểm khối A, có thể đăng ký vào những trường nào có khối ngành kinh tế ở miền Nam?"

Trả lời: Căn cứ phổ điểm của Bộ GD&ĐT, điểm chuẩn các ngành khối kinh tế năm 2015 và chỉ tiêu xét tuyển 2016, nhiều chuyên gia tư vấn của các trường đại học khu vực phía Nam đánh giá, điểm trúng tuyển khối ngành này sẽ giảm nhẹ 1-2 điểm so với năm 2015.

Với 21 điểm, ngoài ĐH Ngoại thương (cơ sở 2 TP HCM), ĐH Kinh tế TP HCM, một số ngành của ĐH Kinh tế Luật (ĐH Quốc gia TP HCM), ĐH Ngân hàng..., thí sinh có thể đăng ký hầu hết các khối ngành kinh tế của các trường. Các bạn nên tham khảo mức điểm trúng tuyển năm ngoái trước khi quyết định.

Cụ thể: Điểm chuẩn ngành Kinh tế Đối ngoại, ĐH Kinh tế Luật (ĐH Quốc gia TP HCM), thường cao nhất trường. ĐH Ngân hàng TP HCM có ngành Tài chính Ngân hàng và Kiểm Toán; ĐH Giao thông Vận tải TP HCM có ngành Kinh tế vận tải, ĐH Giao thông Vận tải (cơ sở 2, TP HCM) có ngành Kinh tế Xây dựng; ĐH Tài chính Marketing có ngành Marketing, năm nay dự đoán có ngành Logistic, cũng sẽ thu hút khá đông thí sinh đăng ký.

Nếu thích học ngành Quản trị Kinh doanh, Marketing, Kế toán – Kiểm toán, Kinh tế công, Tài chính Ngân hàng..., thí sinh có thể đăng ký vào ĐH Tài chính Marketing TP HCM, một số ngành của ĐH Ngân hàng TP HCM (trừ ngành Tài chính Ngân hàng và Kinh doanh Quốc tế), các ngành khối Kinh tế của ĐH Công nghiệp TP HCM, ĐH Giao thông Vận tải TP HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, ĐH Nông lâm TP HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Sài Gòn. Điểm chuẩn khối kinh tế của các trường này thường thấp hơn ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế TP HCM nhưng cao hơn các trường ngoài công lập.

Bên cạnh đó, các trường ngoài công lập, đạt điểm 20, cơ hội trúng tuyển vào các trường phía Nam rất lớn. Hầu hết các trường này có điểm chuẩn chỉ dao động hơn mức điểm sàn của Bộ GD&ĐT từ 2-3 điểm, tuy nhiên theo học các trường ngoài công lập, mức học phí sẽ cao hơn.

Theo đó, rất nhiều trường khối ngoài công lập đào tạo các khối ngành kinh tế có thể kể đến như ĐH Công nghệ TP HCM, ĐH Công nghệ Sài Gòn, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Văn Lang, ĐH Hồng Bàng, ĐH Văn Hiến, ĐH Hoa Sen, ĐH Lạc Hồng...

Hà My

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI