Bắt buộc “tự nguyện”
Nhiều phụ huynh (PH) lớp 11 Trường THPT Phước Long (Q.9, TP.HCM) hiện rất bức xúc với các khoản thu đầu năm của trường. Trước khi bầu Ban đại diện cha mẹ học sinh (ĐD CMHS) lớp, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) đã thông báo các khoản thu tự nguyện nhưng bản kế hoạch thu chi “tự nguyện” này không được gửi CMHS, cũng không được trình bày rõ ràng như thông lệ, mà sau khi nói qua là GVCN đưa danh sách in sẵn cho từng PH ký tên đóng tiền tại chỗ.
Ngoài các mục “tự nguyện” như cơ sở vật chất, các hoạt động của trường, phụ đạo HS yếu, GV còn “định hướng” thêm hai mục thu khác là bảng tương tác - 100.000đ và bảo trì máy móc thiết bị - 100.000đ.
Điều CMHS thắc mắc là GVCN đã không thảo luận với họ về các khoản này trước khi bắt họ “tự nguyện”. Việc thu được thực hiện trước cả việc bầu Ban ĐD CMHS lớp nên PH cứ ngơ ngác mà chẳng ai dám có ý kiến gì.
Ông Nguyễn Tiến Hỷ, Hiệu trưởng Trường THPT Phước Long phân tích: “Khoản thu “Quỹ khuyến học, khuyến tài” của trường mà GVCN ghi thêm phụ đạo HS yếu là lỗi của GV. Với các khoản thu theo dạng tự nguyện, PH có thể đóng bao nhiêu thì đóng. Bảng tương tác là món nợ từ những năm trước. Việc đóng 50.000đ/HS/năm để bảo trì, duy tu các máy vi tính trong phòng tin học là dùng để bảo dưỡng, sửa chữa, mua sắm các thiết bị trong phòng máy vi tính khi cần thiết. Khoản thu “Quỹ tài trợ cho các hoạt động khác của trường” là tự nguyện, dành chi cho các hoạt động sửa chữa nhỏ của nhà trường và các hoạt động khác phục vụ cho chính HS, không phải là tiền cơ sở vật chất”.
|
Học sinh Trường THPT Phước Long phải đóng tiền bảo trì máy tính |
Thực tế, từ lâu ngành giáo dục đã bãi bỏ việc thu tiền cơ sở vật chất. Việc dùng các khoản đóng góp của CMHS để phụ đạo HS yếu, bồi dưỡng HS giỏi và hỗ trợ các hoạt động của trường như sửa chữa, bảo trì, trả lương hoặc khen thưởng cán bộ, GV… cũng đã bị cấm.
PH Trường THPT Nguyễn Trung Trực (Q.Gò Vấp) cũng “tố” trường đã “ép” PH đóng quỹ CMHS và tài trợ giáo dục đến 800.000đ/năm, tiền bảo trì máy lạnh 30.000đ/ tháng. “Đã vậy, tiền thu được là bao nhiêu, chi thế nào, chi những việc gì PH không được biết. Mới đây, trường còn tiếp tục bắt chúng tôi đóng tiền hỗ trợ “chuyên đề nâng cao” cho khối 12 là 120.000đ/HS/tháng. Việc này thật phi lý vì khi trường tổ chức dạy hai buổi, PH đã đóng học phí rồi, sao còn phải đóng tiền để học chuyên đề nữa?”, một PH bức xúc.
Ông Đinh Minh Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trung Trực giải thích: “Đúng là Ban ĐD CMHS có đề ra các khoản quỹ tài trợ giáo dục nhằm hỗ trợ các hoạt động của trường nhưng chúng tôi thu tự nguyện chứ không cào bằng. Về khoản “chuyên đề” của lớp 12, trường dự kiến thu để ôn luyện cho HS lớp 12 chuẩn bị thi, nhưng đã hủy không thu nữa.”.
Nhiều khoản thu "lạ"
Đến nay, những bức xúc của PH Trường THPT Thủ Thiêm (Q.2) đã tạm lắng, nhưng bài học cay đắng từ ngôi trường này vẫn còn nguyên ý nghĩa với rất nhiều trường. Chuyện cụ thể là ngày 11/9, trong phiên họp PH đầu năm, trường khiến PH sốc nặng với nhiều khoản lạm thu như “hiện đại hóa phòng học”, “chuyên đề tự chọn nâng cao”, giấy thi, vệ sinh phí, tin nhắn, Anh văn tăng cường, chứng chỉ tin học MOS… lên đến 2 triệu đồng.
PH phản ứng gay gắt khiến hiệu trưởng trường là ông Phạm Văn Nghĩa phải sửa ngay những khoản thu vào ngày hôm sau. Ông Nghĩa lý giải: Trường được Sở GD-ĐT chọn là trường xây dựng thư viện điện tử, vốn do UBND TP cho vay kích cầu 10 tỷ đồng không lãi suất, PH sẽ hoàn vốn trong bảy năm. Do thư viện đã có sẵn, tiền vay không sử dụng hết nên ông đã triển khai mô hình trường học tiên tiến hội nhập với việc trang bị màn hình ti vi 70 inches kết nối máy chủ, hai máy điều hòa, hai camera cho tất cả các lớp học.
Về mức thu hồi 300.000đ, 100.000đ và 50.000đ/ HS/tháng tùy khối lớp, ông Nghĩa lập luận: “Muốn làm thì phải có dự án. Dự án do đối tác của Sở là Greenhouse (Công ty cổ phần văn hóa Ngôi Nhà Xanh) làm cho trường, mức thu nói trên cũng do họ tính. Tôi có lỗi là đã không triển khai thông tin này đến các thành viên trong trường và PH”.
Như vậy có thể hiểu, 10 tỷ mà ông Nghĩa dự tính vay kích cầu để xây dựng thư viện điện tử và hiện đại hóa phòng học thực chất là tiền của PH (vì PH phải trả) nhưng ông Nghĩa vẫn tự ý chi xài, thậm chí đưa cho người khác (Greenhouse) tiêu phụ, mà không đếm xỉa gì đến PH.
Thêm một khoản tiền “nóng bỏng” khác của trường là “chuyên đề tự chọn nâng cao” 340.000đ/ tháng (HS khối 12) và 180.000đ/ tháng (HS khối 10 và 11). Thực chất, đây là khoản tiền thu cho 6 tiết dạy tăng thêm ngoài 9 tiết đã tăng theo quy định trong buổi hai. Việc làm này là sai quy định, PH cũng không đồng tình vì không được bàn bạc trước.
Về hai khoản thu “khủng” là chứng chỉ tin học Mos: 805.000đ/HS (triển khai đại trà) và tiếng Anh tăng cường (thí điểm cho hai lớp) với hai mức 710.000đ và 780.000đ/ HS/tháng, ông Nghĩa nói: “Môn tin học, HS học hoàn toàn miễn phí, sau này các em muốn thi MOS mới phải đóng tiền thi, không muốn hoặc không có khả năng thì có thể thi chứng chỉ nghề tin học. Riêng tiếng Anh tăng cường thì 100% PH tự nguyện”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì không phải vậy. Trường dự định thu ngay từ đầu 805.000đ tiền chứng chỉ MOS. Riêng mức phí tiếng Anh tăng cường 780.000đ/tháng cho 7 tiết học mỗi tuần (5 tiết học với GV nước ngoài, 2 tiết học với GV của trường) mỗi lớp có 44 HS, thì đây là mức phí “cắt cổ”.
Một chuyên viên trong lĩnh vực giáo dục phân tích: Với mức phí 780.000đ/ HS, lớp có 44 HS sẽ thu được 34.320.000đ/tháng. Mỗi tháng phải trả 20 tiết GV nước ngoài với mức 25 USD/tiết (khoảng 550.000đ) hết 11 triệu đồng, số còn lại hơn 23 triệu đồng (GV của trường hưởng lương Nhà nước), đi về đâu? Ông Nghĩa giải thích, đối tác của chương trình này là IES qua môi giới của Greenhouse, chia chác thế nào là chuyện của họ, ông không biết.
Hoàng Minh - Gia Tuệ