Mới bắt đầu năm học - thời điểm của những văn bản chấn chỉnh lạm thu trong nhà trường được các cơ quan chức năng ban hành liên tục. Thế nhưng, chưa năm nào, câu chuyện xấu xí này hết... xấu. Nguyên nhân chắc chắn không loại trừ lãnh đạo trường quản lý không nghiêm hoặc có ý đồ khác, giáo viên thiếu tinh tế... nhưng liệu phụ huynh - đối tượng trực tiếp bị lạm thu - có vô can? Hay chính họ góp phần “hỗ trợ” cho những khoản thu quá quy định, những khoản đóng góp trở thành cuộc đua “thể diện”?
Phụ huynh quá sốt sắng?
Ngày 19/8, học sinh ở TP.HCM mới bắt đầu tựu trường, nhưng trước đó ít ngày, một nhóm phụ huynh lớp 5/2 của Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) đã mở cuộc trao đổi tin nhắn để kêu gọi đóng góp mua vật dụng cho lớp. Tin nhắn thể hiện một phụ huynh trích lại lời nhắn của thầy T. (giáo viên của lớp), đại ý: thầy cần micro, mực in, quạt đứng và thay dây cắm máy vi tính.
Vị phụ huynh này tạm tính mực in cần gần 1 triệu đồng, micro khoảng 1,6 triệu đồng, dây máy tính 500.000-700.000 đồng, quạt đứng tầm 2 triệu đồng. Dự trù cần khoảng 7 triệu đồng và hỏi ý kiến các phụ huynh khác. Các phụ huynh trao đổi và chốt lại rằng, một phụ huynh hỗ trợ ban đại diện chuẩn bị trước các thứ thầy cần, đầu năm học họp sẽ tính.
Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản: mua sắm máy móc, trang thiết bị đồ dùng dạy học cho trường, lớp
Dư luận không xa lạ gì với những phụ huynh quá nhanh nhảu, nhiệt tình trong việc vận động đóng góp cho trường, lớp. Ban đầu, xuất phát từ việc hỗ trợ nhà trường mang lại những thiết bị tiện ích cho con em mình nhưng dần dà, sự hỗ trợ “biến hình” thành những cuộc chạy đua uy thế của ban đại diện hoặc nhóm phụ huynh. Điều này không chỉ làm khó cho những phụ huynh khác mà còn tạo ra những thông lệ xấu trong nhà trường.
Cô Tống Thị Mai Hương, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết: sau khi nhận thông tin phản ánh từ báo đã tìm hiểu thì đúng là có nhóm phụ huynh của lớp 5/2 dự tính như vậy để hỗ trợ các thiết bị cần thiết cho việc dạy và học của con em trong lớp. Đầu năm, có phụ huynh trong lớp hỏi thầy “lớp còn thiếu gì”, thầy thiệt tình nói và dẫn đến sự việc như báo nêu.
“Đây là sự việc hy hữu và bất ngờ mà chúng tôi cần phải rút kinh nghiệm với toàn thể giáo viên: khi trao đổi với phụ huynh phải thật cẩn trọng để tránh hiểu lầm tương tự. Trường không có thông lệ vận động đóng góp không đúng quy định. Mạnh Thường Quân hoặc phụ huynh thấy lớp con mình cần thiết thì có thể tự động hỗ trợ, ví dụ như có phụ huynh mang quạt ở nhà vào rồi hết năm lại mang về…”, cô Mai Hương nói.
Trước những trường hợp vận động đầu năm học, cô P.T.T., giáo viên THPT tại Lagi (tỉnh Bình Thuận), nhìn nhận: “Cũng khổ cho thầy, đó toàn là những thứ cần thiết cho học sinh. Nếu phụ huynh không hỗ trợ chẳng lẽ thầy phải bỏ tiền túi ra mua? Trường học không được lạm thu nhưng những khoản cần phục vụ cho hoạt động học tập của các em thì phụ huynh cũng nên thông cảm. Chỉ có điều đóng góp làm sao để không làm tổn thương nghề giáo và những phụ huynh không tham gia tài trợ".
Tuy nhiên, sự bày vẽ không cần thiết để “lập công” với giáo viên, với ban giám hiệu chắc chắn phần lỗi thuộc về phụ huynh và không thiếu trách nhiệm của người quản lý cố tình mắt khép hờ để thụ hưởng.
Bao nhiêu văn bản nhắc nhở vẫn không ăn thua
Mỗi đầu năm học, các sở giáo dục thi nhau ra văn bản quy định các khoản thu, cấm lạm thu, cấm lợi dụng hội cha mẹ học sinh vận động đóng góp…
Cách đây vài hôm, Sở GD-ĐT TP.HCM có văn bản hướng dẫn khung mức thu đối với các khoản thu thỏa thuận cho các đơn vị trực thuộc năm học 2019-2020. Sở này yêu cầu các đơn vị chủ động xây dựng dự toán thu đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi, thu đúng mục đích, thực hiện công khai kế hoạch thu - chi từng khoản đến từng phụ huynh trước khi thực hiện. Khi thu phải cung cấp hóa đơn đầy đủ cho học sinh. Các khoản thu được liệt kê rõ và quy định hẳn hoi mức trần để các trường bàn bạc thống nhất với phụ huynh.
Trong văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu trong năm học 2019-2020, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng nhấn mạnh nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định tại Thông tư số 55 của Bộ GD-ĐT. Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban. Không được thu các khoản: bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường, tiền trông xe của học sinh; vệ sinh trường lớp; khen thưởng cán bộ, giáo viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ, giáo viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Các cơ sở thực hiện đúng việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn viện trợ, tài trợ, quà biếu tặng tại các cơ sở giáo dục theo quy định tại Thông tư số 12 của Bộ GD-ĐT.
Dường như năm nào ngành giáo dục các tỉnh, thành đều đưa ra những văn bản tương tự, nội dung năm sau không khác năm trước, có chăng chỉ khác giá tiền. Thế nhưng, bao nhiêu văn bản nhắc nhở vẫn không ăn thua bởi văn bản chỉ nằm trên giấy còn thực hiện vẫn là con người. Thực tế, lạm thu hay những cuộc vận động của ban đại diện cha mẹ học sinh vẫn chưa có hồi kết.
Thanh Thanh