Làm theo trò nguy hiểm trên mạng, trẻ có bất thường?

06/11/2020 - 06:17

PNO - Gần đây liên tiếp xảy ra trường hợp trẻ em bị tổn thương, thậm chí là tử vong do bắt chước các trò chơi nguy hiểm trên mạng. Tại sao các video độc hại lại cuốn hút và câu dẫn được trẻ làm theo?

 

Khi thấy trẻ có biểu hiện rối loạn giấc ngủ, ám ảnh, hành vi kỳ lạ cần nhanh chóng đưa con đi khám để được điều trị và tư vấn tâm lý kịp thời - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Khi thấy trẻ có biểu hiện rối loạn giấc ngủ, ám ảnh, hành vi kỳ lạ cần nhanh chóng đưa con đi khám để được điều trị và tư vấn tâm lý kịp thời - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Hoảng hồn khi bé lớp lá tự dùng thun cột tay, cột cổ

Tiến sĩ - bác sĩ Đinh Thạc, Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho biết bản thân ông đã tiếp nhận điều trị tâm lý cho ba trường hợp liên quan tới các video, trò chơi trên mạng có nội dung hướng dẫn người chơi tự gây tổn thương và cuối cùng là tự sát. 

Trường hợp thứ nhất là hai chị em gái đang học lớp chồi và lớp lá, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM, được bố mẹ đưa đi khám tâm lý.

Chị P.T.D., 32 tuổi, mẹ của hai bé chia sẻ, khi đi học về các bé vẫn hay tự mở YouTube xem phim hoạt hình. Gần đây, chị D. phát hiện các con mình có hành vi kỳ lạ như lấy dây thun cột vào tay, dùng khăn cột vào cổ. May mắn, khi hai bé chơi trò này đều có người lớn ở gần đã kịp thời phát hiện nên chưa xảy ra hậu quả đáng tiếc. 

Nghĩ mãi không biết con mình học ai mà nghịch dại như vậy, chị D. đã gọi điện nhờ cô giáo để ý trên lớp xem có bạn nào hay chơi trò lấy dây cột cổ, cột tay để các bé bắt chước thì phối hợp cùng ngăn chặn. Ngoài ra, chị D. vào kiểm tra máy tính bảng xem dạo này con xem phim hoạt hình gì.

Lúc này, chị phát hiện các bé xem trò chơi Momo và kênh YouTube có nội dung rùng rợn. Từng nghe kể đây là trò chơi có cô gái đầu gà, hai mắt lồi ra trông quái dị, hướng dẫn trẻ các hành vi nguy hiểm, thậm chí là tự sát khiến chị D. hoảng sợ. Mặc dù đã giải thích và cấm con không được chơi trò này nữa nhưng chị D. lo lắng trẻ con như tờ giấy trắng, một khi đã ghi nhớ thì sẽ có ấn tượng rất lâu, lỡ lúc người lớn không để mắt các bé sẽ làm điều dại dột. Được biết, trò chơi này còn dọa rằng nếu không làm theo thì sẽ gặp điều xui xẻo, bị lời nguyền nên khiến nhiều bé hoảng sợ mà tin theo.

Ngoài hai bé gái này, bác sĩ Thạc còn tiếp nhận điều trị cho bé trai đang học lớp Năm, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM. Mẹ của bệnh nhi kể rằng con chơi trò chơi trên mạng có tên gọi là Cá voi xanh. Trò chơi đề ra 50 ngày thách đấu, mỗi ngày là một thử thách, càng về sau độ khó tăng dần. Gần tới ngày cuối cùng, trò chơi này sẽ thách trẻ làm các hành vi gây tổn thương cơ thể như khắc hình cá voi lên tay, cắt tay, thậm chí tự sát. Rất may, bé trai mới chỉ tham gia trò chơi này vài ngày thì bị mẹ phát hiện.

Trẻ thích trò kinh dị, lớn lên dễ có khuynh hướng bạo lực

Cha mẹ của các bé nói trên đều có chung thắc mắc rằng con mình dễ dàng trở thành đối tượng bị lôi kéo của những trò chơi độc hại đó, liệu tâm lý các bé có bất ổn hay không. Tại sao bao nhiêu trẻ cũng dùng điện thoại thông minh, máy tính bảng vào mạng chơi mà không trở thành nạn nhân của trò thách đấu này. Chính vì thế, họ đưa con đi khám tâm lý nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia.

Trước tiên, bác sĩ Đinh Thạc chia sự tác động của những trò chơi, video mang nội dung độc hại trên ba nhóm trẻ để phụ huynh nhìn nhận được rõ ràng hơn. 

Nhóm trẻ thứ nhất khi tham gia các trò chơi, xem video trên sẽ sợ, ám ảnh nhưng vẫn lén xem. Trẻ xem là vì tò mò. Khi lỡ xem rồi thì bị hù dọa không làm theo thử thách sẽ phải chịu hình phạt như kiểu lời nguyền. Vì cả tin và hoảng sợ nên trẻ làm theo. Hệ quả sau đó, trẻ sẽ bị rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu, thậm chí hoảng sợ tới mức sinh ra ảo giác, luôn lo lắng có người ám hại mình, theo dõi mình, không dám ở một mình… 

Với nhóm trẻ thứ hai thấy các hình ảnh rùng rợn, kinh dị trên video, trò chơi là chủ động tránh xa, không dám xem tiếp. Cuối cùng là nhóm trẻ thứ ba: tự tìm kiếm và ưa thích những trò chơi, video có nội dung kinh dị, bạo lực. Trẻ cảm thấy phấn khích trước sự thách thức của trò chơi, càng nguy hiểm càng muốn chinh phục. Khi hoàn thành thử thách trẻ sẽ có cảm giác mình là số một, mình can đảm hơn mọi người.

Những trẻ thuộc nhóm thứ ba thường có đời sống tâm lý bất ổn, lớn lên trong hoàn cảnh chứng kiến bạo hành hoặc bị bạo hành. Như vậy, nguy cơ các bé này tự gây tổn thương và tự sát là rất cao, không phát hiện để điều trị tâm lý kịp thời, trẻ còn có thể bị rối loạn về hành vi, sau này trưởng thành sẽ mang khuynh hướng bạo lực, hung hăng, luôn gây hấn.

Theo bác sĩ Thạc, để bảo vệ trẻ trước các nội dung độc hại trên mạng, phụ huynh hãy cài đặt phần mềm ngăn chặn trẻ truy cập vào các video, trò chơi không phù hợp với độ tuổi. Đừng giao chiếc điện thoại hay máy tính bảng cho con chơi một mình, hãy ở cạnh để thỉnh thoảng nhìn con đang xem gì. Không chỉ thế, phụ huynh cần hạn chế thời gian con chơi game, chơi điện thoại, hãy kéo trẻ ra khỏi thế giới ảo trên mạng bằng cách tương tác với trẻ nhiều hơn: nếu là bé gái thì rủ bé cùng mẹ nấu ăn, bé trai thì cùng ba chơi các trò thể thao vận động (bóng bàn, cầu lông)…

Trẻ trở thành nạn nhân của các nội dung độc hại trên mạng phần lớn trách nhiệm do cha mẹ, chúng ta chưa quan tâm đúng mức tới con mình. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI