Làm thế nào để vui trong nhà?

21/06/2021 - 14:52

PNO - Từ hôm thành phố tiếp tục giãn cách lần hai trong tháng Sáu, vợ chồng tôi ở nhà. Hằng ngày, ngoài giờ làm việc online với công ty, vợ tôi cứ đi ra đi vào, hết thở dài lại chép miệng: “Tình hình này rồi không biết sống ra sao”.

Mỗi buổi sáng xem tin tức trên báo mạng, cơ quan y tế cho biết số ca mắc mới là nàng lại thở dài:

- Lại thêm hai mấy ca nữa rồi, chết mất!

- Thôi, quên số ca nhiễm đó đi, mình hát karaoke nhé! Anh sẽ bật bài Lan và Điệp - tôi cố an ủi. 

- Hát hò gì, hâm à? Đang lo nẫu cả người ra đây!

- Vậy, em định làm gì?

- Phải đi mua thêm ít mì gói, ít đồ ăn nguội.

- Tủ lạnh đầy đồ ăn ra rồi.

- Thì cất lên tủ gỗ, tủ gỗ đầy thì cất… xuống gầm tủ… Chứ tình hình này, thêm vài lần giãn cách nữa thì chết đói.

Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

Thấy nàng bi quan quá đỗi, tôi đành phải nói chuyện nghiêm túc:

- Được rồi, cho anh biết, thực ra em lo điều gì?

- Anh hỏi hay nhỉ? Lo… dịch chứ lo gì nữa?

- Em lo thế, con COVID-19 nó có biến mất không? Nỗi lo của em có làm tan trận dịch này đi không?

- Tất nhiên là không! Anh hỏi vớ vẩn. Chính vì dịch ngày càng căng thì người ta mới lo, chỉ có anh… cứ nhơn nhơn.

- Anh không nhơn nhơn, anh cảnh giác, anh thực hiện mọi khuyến cáo của Bộ Y tế, nhưng anh không lo lắng như em. Vì sao em biết không? Vì càng lo lắng ta càng dễ nhiễm bệnh.

- Cái gì mà càng lo lắng càng dễ nhiễm bệnh? - nàng hoảng hốt.

- Vì tâm trạng của em thế nào, em sẽ tạo ra môi trường xung quanh như vậy. Em nghĩ mà xem, trong cuộc sống, nếu em gặp ai đó hay nói chuyện về bệnh tật, y như rằng người đó có bệnh. Em gặp ai vui vẻ toàn nói chuyện thành công, y như rằng họ là người thành công. Ý nghĩ họ thế nào, cuộc đời họ như vậy.

Đó là quy luật đấy! Quy luật về sức mạnh của tinh thần. Tinh thần của bạn thế nào, thế giới của bạn như vậy.

Khi tinh thần em lạc quan, ý nghĩ em vui vẻ, thì người em tỏa ra năng lượng với tần số… mạnh, từ đó em hút về mình năng lượng tốt của trời đất. Khi em lo lắng, sợ hãi, tinh thần em yếu đi, năng lượng xấu sẽ ập tới, em sẽ… mắc bệnh, hoặc mệt mỏi hoặc… 

- Thật à?

- Thật chứ sao! Em không thấy, trong thực tế, có người bị bệnh hiểm nghèo hẳn hoi, nhưng họ lạc quan, họ tin tưởng ở chính mình, thế là họ vượt qua bệnh tật một cách thần kỳ, chính các bác sĩ cũng phải kinh ngạc.

Vài người khác khi bị bệnh thì bi quan, chỉ nghĩ đến cái chết, thế là bệnh càng nặng. Hiện em lúc nào cũng lo lắng, lúc nào cũng nghĩ tới con vi-rút, anh bảo đảm con vi-rút sẽ đến với em sớm thôi.

- Vậy mình nên làm thế nào? - vợ tôi bắt đầu băn khoăn.

- Làm như anh đây này! Vui vẻ lên. Dịch bệnh và con vi-rút ngoài kia không thuộc về ta, ta không điều khiển được chúng, nhưng ý nghĩ của ta là thuộc về ta. Chỉ cần thay đổi ý nghĩ, ta sẽ nhận về cái ta nghĩ. Khi em bắt đầu nghĩ về một điều gì đó, tức là em đã mời gọi nó đến. Nghĩ về những điều vui vẻ, thì sự vui vẻ bình an sẽ đến.

- Thôi được, vậy… bật Lan và Điệp đi, em hát Lan, anh hát Điệp…

Sau đó, chúng tôi hát karaoke cả buổi, tất nhiên là đóng cửa, chỉ hát cho nhau nghe không  làm phiền hàng xóm.

Chúng tôi trêu chọc nhau, và nỗi lo về con vi-rút cũng như dịch giã ngoài kia như bị đẩy lùi…

Tai họa tự nhiên luôn đến với thế giới chúng ta một cách bất thình lình, như bão lụt, động đất, sóng thần và dịch bệnh…

Tuy nhiên, tai họa chưa kịp hại ta, thì ta đã tự hại mình bằng sự hoảng loạn. Sự hoảng loạn thái quá cũng nguy hiểm không kém sự chủ quan thái quá, vì cả hai đều giống nhau ở sự mù quáng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thật ra, có những phương pháp mà các nhà khắc kỷ từ thời cổ đại đã thực hành rất hiệu quả, và điều đó giúp họ vượt qua hoàn cảnh một cách bình tĩnh. Họ khuất phục được hoàn cảnh chứ không để hoàn cảnh khuất phục họ.

Epictetus là triết gia khắc kỷ nổi tiếng thời đế quốc La Mã, sống thời kỳ đầu Công nguyên, ông để lại cho hậu thế lời khuyên nổi tiếng như sau: “Một số điều nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, và một số khác thì không”.

Điều này có nghĩa rằng, chỉ sau khi bạn đã đối mặt và chấp nhận nguyên tắc nền tảng này và học cách phân biệt giữa những gì bạn có thể và không thể kiểm soát, thì bạn mới đạt được bình an nội tâm và cách hành xử hữu hiệu.

Ở trong tầm kiểm soát của chúng ta là những quan niệm, ý nghĩ, khát vọng và những tình cảm yêu ghét của riêng chúng ta… Đây chính là những khu vực mà chúng ta cần quan tâm bởi vì chúng trực tiếp tùy thuộc vào chúng ta. 

Làm chủ những khu vực này trong nội tâm, chúng ta hoàn toàn bình an trước mọi hoàn cảnh, dù thuận lợi hay khó khăn đến mức nào. 

Biên kịch Đỗ Trí Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI