Làm thế nào để có thể đơn phương ly hôn mà vẫn giữ được quyền nuôi con

15/02/2019 - 14:00

PNO - Mẹ chồng vu oan tôi lấy cớ đi làm để ngoại tình, tôi phản ứng thì bị chồng đánh. Tôi muốn ly hôn và giành quyền nuôi con nhưng chồng không chịu ký vào đơn.

Hỏi: Tôi và chồng tôi kết hôn được 3 năm và có một cháu bé 2 tuổi. Tôi là nhân viên bán hàng, anh là lái xe. Cưới về mới biết anh rất gia trưởng và nhất nhất nghe theo lời mẹ chồng. Mẹ chồng luôn bảo tôi là đàn bà cứ ở nhà là được, không được cãi chồng, chồng đánh phải chịu, lỡ chồng có theo gái thì phải chính chuyên mà chờ. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là tết này, mẹ chồng bắt tôi nghỉ việc chỉ ở nhà lo việc nhà. Tôi không đồng ý nên bà khó chịu, cấm không cho tôi về ngoại. Mùng hai tết, khi họ hàng chồng đến bà còn vu oan tôi lấy cớ đi làm để ngoại tình lăng nhăng, tôi phản ứng thì bị chồng đánh mà không ai can ngăn.

Tôi muốn ly hôn và giành quyền nuôi con nhưng chồng tôi không chịu ký vào đơn. Tôi phải làm sao? Về tài sản chúng tôi tích góp mua chiếc xe ô tô để anh chạy xe kiếm tiền, vậy chia như thế nào?

Lê Thị Minh Thân (Quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh)

Lam the nao de co the don phuong ly hon ma van giu duoc quyen nuoi con
Hình minh họa

Chào bạn, trước hết tôi rất chia sẻ với hoàn cảnh của bạn khi đối mặt với cuộc hôn nhân không may mắn. Tôi xin đưa ra tư vấn như sau nhằm giúp bạn tháo gỡ thắc mắc đối với vấn đề ly hôn và nuôi con sau khi ly hôn nhằm đảm bảo tốt nhất cho quyền và lợi ích của bạn như sau:

Luật Hôn nhân và gia đình 2014 tại điều 51 có quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn:

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn.”

Luật Hôn nhân và gia đình 2014 tại điều 56 có quy định về điều kiện ly hôn theo yêu cầu của một bên:

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.

Theo các quy định trên, vợ, chồng hoặc hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn. Nhưng đó là quyền, còn để quyết định có cho phép vợ chồng bạn ly hôn theo yêu cầu đơn phương từ bạn hay không thì phải xem xét thực tế mâu thuẫn và tình trạng hôn nhân hiện tại có thỏa mãn quy định tại khoản 1điều 56 về việc ly hôn theo yêu cầu của một bên hay không.

Trường hợp của bạn hôn nhân không hạnh phúc xuất phát từ nhiều nguyên nhân: sự lạc hậu của mẹ chồng, sự không quan tâm, thấu hiểu và bạo lực gia đình của chồng mà nguyên nhân chủ yếu từ chồng. Hành vi đánh vợ là bạo lực gia đình thuộc trường hợp được chấp nhận yêu cầu ly hôn. Tuy nhiên, để tăng tỷ lệ thành công trong việc chấp nhận yêu cầu ly hôn, bạn cần cung cấp các chứng cứ hoặc người chứng kiến hành vi bạo hành của chồng bạn đối với bạn (Có thể trong trường hợp này còn xuất hiện vi phạm nghĩa vụ nghiêm trọng của chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được, cái này cũng cần chứng minh trong trường hợp không chứng minh được hành vi bạo lực gia đình).

Về vấn đề sau khi ly hôn, việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục con sau khi ly hôn Luật Hôn nhân và gia đình 2014 tại điều 81. Trường hợp của bạn, đối với cháu bé 2 tuổi sẽ được giao cho bạn trực tiếp nuôi, trừ trường hợp bạn không đủ điều kiện nuôi bé hoặc vợ chồng bạn có thỏa thuận khác mà tòa án xem xét là phù hợp với lợi ích của bé.

Lam the nao de co the don phuong ly hon ma van giu duoc quyen nuoi con
Ảnh minh họa

Vậy bạn muốn giành quyền nuôi cả hai cháu thì phải chứng minh khả năng tài chính tốt, lo tốt được cho con về mọi mặt. Và đương nhiên sau khi ly hôn, chồng bạn cũng có trách nhiệm cấp dưỡng cho cháu theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

Theo quy định điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, xe ô tô mà vợ chồng bạn cùng tạo lập là tài sản chung của vợ chồng, sẽ chia đôi giá trị tài sản trên nhưng có tính đến các yếu tố theo khoản 2 điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Vì chiếc ô tô này là phương tiện để chồng bạn kiếm sống, hoạt động nghề nghiệp lái xe nên tòa án sẽ xem xét giao xe ô tô này cho chồng bạn và chồng bạn phải thanh toán phần bạn được hưởng để lấy chiếc xe.

Luật sư Trần Đăng Sĩ

(Đoàn LS TP.Hồ Chí Minh)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI