Làm thế nào để chồng không gọi là đồ ăn bám?

22/07/2018 - 06:00

PNO - Chấp nhận lùi lại để chồng chuyên tâm phát triển sự nghiệp, A. vẫn tưởng chồng luôn yêu thương và trân trọng, ghi nhận những đóng góp của mình cho gia đình… cho đến khi anh ta gọi cô là “đồ ăn bám”.

Có người từng nói với tôi rằng: tiền quyết định vận mệnh của một quốc gia lẫn một gia đình. Ngay cả ở nơi người ta tưởng chỉ có tình yêu thương, thì tiền vẫn len lỏi quy định và quyết định nhiều thứ.

Lam the nao de chong khong goi la do an bam?

Câu chuyện thứ nhất: Cô bạn đồng nghiệp của tôi kể, mẹ chồng cô thương con rất lạ. Bất kể là con ruột hay dâu, rể… hễ đứa nào biếu bà tiền nhiều hơn và thường xuyên hơn, thì bà thương hơn. Cô nói, hồi xưa cô chưa hiểu hết tính ý bà nên bị ghét và chê bai nhiều lắm; từ ngày hiểu ra, mọi thứ trở nên dễ dàng đến không ngờ. Cô cười hỉ hả: “Cứ có tiền là ổn hết”.

Câu chuyện thứ hai: A. là bạn khá thân với tôi, từng có một tình yêu đẹp và quãng thời gian đủ dài để tìm hiểu nhau trước hôn nhân. Hai đứa con lần lượt ra đời, A. trở thành bà nội trợ và chấp nhận lùi lại để chồng chuyên tâm phát triển sự nghiệp. A. vẫn tưởng chồng luôn yêu thương và trân trọng, ghi nhận những đóng góp của mình cho gia đình… cho đến khi anh ta gọi cô là “đồ ăn bám”.

Chới với và đau đớn, A. không hiểu tại sao mình có thể bị cư xử như vậy. Theo lời anh ta thì A. chỉ “ở không”, chẳng làm gì cả. Thử hỏi, nếu không có vợ thì ở đâu ra cơm nóng, canh ngọt anh ta ăn mỗi ngày, chiếc áo anh ta mặc có được thẳng thớm sạch sẽ, làm sao nhà cửa gọn gàng tươm tất, con cái được đưa đón đi học an toàn, cha mẹ anh ta được chăm lo từng hộp sữa hay viên thuốc…?

Bạn bảo, quy luật “con gà và nắm thóc” luôn tồn tại. Kẻ làm ra tiền là kẻ cầm nắm thóc trên tay, còn mình như con gà. Thóc rải ở đâu thì gà chạy đến đấy, mình phải lệ thuộc và lép vế. 

Lam the nao de chong khong goi la do an bam?

Câu chuyện thứ ba: Cô bảo cái dở lớn nhất của cô là xin “về hưu non” khi còn ba năm nữa mới đến tuổi. Thấy con trai và con dâu cứ vất vả kiếm trường, rồi chưa được bao lâu lại chuyển chỗ khác vì vấn đề này nọ, thằng bé lại kén ăn... cô nghỉ ở nhà chăm cháu.

Vì chưa được giải quyết các chế độ nên cô phải nhận tiền từ con. Con dâu mỗi lần đưa tiền cứ như ban phát, khiến cô rất buồn. Nó đâu phải không biết, nếu cô đi làm thì lương hằng tháng còn nhiều hơn khoản tiền nó đưa gấp nhiều lần. Hơn nữa, cô dùng tiền nó đưa để lo cho cháu chứ đâu phải cho cô. Cô chua xót nói: “Đúng là mạnh vì gạo, bạo vì tiền!”.

Câu chuyện thứ tư: Anh sếp cũ từng hỏi tôi rằng, có phải tình yêu và sự quan tâm cũng có chút tương quan với tiền? Anh bảo, mỗi lần anh đưa tiền về là vợ anh vui vẻ với anh hơn, chăm sóc chu đáo hơn, dễ dàng bỏ qua những lỗi lầm nho nhỏ, chứ không chuyện bé xé ra to như bình thường.

Từ khi còn nhỏ, mẹ tôi đã dạy rằng, phải cố gắng học hành để mai sau có thể tự lập, tự nuôi sống bản thân và không trông chờ vào bất cứ ai, kể cả chồng hay con cái. Cho dù chỉ là khoản thu nhập ít ỏi, dù là việc làm bán thời gian, hay công việc tự do... thì ai cũng nên có một công việc để làm. Công việc trước hết giúp chúng ta tự tin và kết nối với thế giới xung quanh. Công việc giúp không bị lệ thuộc vào “nắm thóc” trong tay ai. 

Lam the nao de chong khong goi la do an bam?

Còn nhớ ngày ấy khi nhập môn kinh tế học vĩ mô, thầy hỏi cả lớp rằng: trong số các anh chị, ai phản đối câu nói của Publilius Syrus: “Money alone sets all the world in motion” (tiền bạc khiến cả thế giới xoay chuyển)?

Không một cánh tay nào giơ lên. Thầy lại hỏi, thế các anh chị có nghĩ rằng, tiền quyết định mọi thứ, gần như cả hội trường lên tiếng “có ạ”. Đôi lần nhớ đến, tôi thường tự hỏi, những gương mặt ngày ấy, bây giờ trở thành những người lớn như thế nào ngoài xã hội và trong gia đình?

Tôi vẫn luôn tin rằng, tiền chỉ là một tham số, một công cụ chứ không quyết định mọi thứ. Tôi sợ những kẻ khinh khỉnh cho rằng: những thứ không mua được bằng tiền đều có thể mua được bằng… rất nhiều tiền.

Khi người ta đã đi qua những phù phiếm cuộc đời, đã trải qua nhiều thử thách nghiệt ngã mà bài học tiền tệ mang lại… tự khắc sẽ nhận ra: giữa giá trị và trị giá, đôi khi chẳng hề có mối tương quan. Vì có những thứ cho dù có rất… rất nhiều tiền cũng chẳng thể nào mua được. 

Vũ Hải An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI