Người ta thường nói việc dễ nổi điên nhất là phải làm cùng một việc lặp đi lặp lại mà kết quả khác nhau. Với cha mẹ, việc này cũng thế, chúng ta phải nói đi nói lại hằng ngày các câu: “để nó xuống”, “ăn cho xong đi”, “đừng có chọc con mèo” với các con nhưng hiệu quả lại rất thấp. Vấn đề không phải ở những thông điệp, mà là cách chúng ta truyền tải chúng.
|
Khi mẹ và con gái nói chuyện với nhau, do sự kết nối giữa hai bộ não của phụ nữ với phụ nữ, cuộc cãi vã sẽ căng thẳng hơn so với cách nói chuyện giữa bố và con gái. (Ảnh minh họa) |
Đó là lời mở đầu cho cuốn sách Parent Talk của tiến sĩ tâm lý nổi tiếng người Mỹ Wendy Mogel. Cô quan sát từng giai đoạn phát triển của trẻ và chỉ ra không những những điều bạn không nên nói với trẻ mà còn nói chuyện với chúng như thế nào.
Với các nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm làm việc với các gia đình có con nhỏ, cô chỉ ra những từ ngữ, giọng điệu và kỹ thuật để bạn có thể nói chuyện với con cái hiệu quả hơn.
Với con gái
Maria Lally có hai con gái, Sophia và Rosie. Cô yêu chúng vô cùng nhưng chúng cũng gây cho cô những cơn giận dữ không kém. Hai bé thường tranh cãi từ những điều nhỏ nhặt nhất như ai có nhiều đậu trong đĩa hơn hay bình nước của ai đầy hơn. Mỗi sáng, để ba mẹ con ra khỏi nhà đúng giờ là cả một vấn đề: hai bé học hai trường ở hai hướng khác nhau, sau khi đưa con đến trường, Maria đón xe lửa để đến văn phòng làm việc trong giờ cao điểm.
Hai bé đều biết là phải ra khỏi nhà chậm nhất lúc 8g15, nhưng chúng cứ cà kê chuẩn bị quần áo và cãi nhau vặt vãnh cho đến phút cuối. Đúng 8g, Maria cao giọng một cách vui vẻ: “Đánh răng, mặc quần áo và mang giày, nhanh lên các con”. 8g10, cô nhắc lại lần nữa, nhưng với tông giọng cao hơn. Đến 8g15, cô đã mở sẵn cửa xe, gọi với vào trong nhà: “Thôi mẹ đi đây, các con phải tự đến trường”, trong khi hai bé đang luống cuống kiếm giày và hỏi ngược lại tại sao mẹ hay cao giọng thế?
Khi Maria kể điều này với tiến sĩ Mogel, cô ấy đã cười và giải thích đây là cảnh tượng diễn ra tại hầu hết mọi gia đình. Cô cũng chỉ ra rằng, khi mẹ và con gái nói chuyện với nhau, do sự kết nối giữa hai bộ não của phụ nữ với phụ nữ, cuộc cãi vã sẽ căng thẳng hơn so với cách nói chuyện giữa bố và con gái. Thật chính xác, vì đôi khi Maria cảm thấy như cô đang cãi nhau với phiên bản mi-ni của chính mình.
Tiến sĩ Mogel nói thêm: “Khi chúng cãi nhau xem ai có nhiều đậu hơn, cũng giống như các chú mèo nhỏ cào cấu nhau để giành sữa mẹ”. Khi ấy, chúng ta chỉ cần bình tĩnh, vì nếu mẹ cũng la hét theo chúng, bạn không có quyền yêu cầu chúng im lặng. Thay vào đó, hãy để chúng tự giải quyết với nhau. Tối đó, khi hai bé giành ti vi, Maria đã rút lui để chúng tự tìm ra giải pháp. Quả nhiên, chỉ sau hai phút, chúng đã thỏa thuận Rosie xem chương trình của em trước, rồi sẽ xem chương trình của Sophia sau. Chúng còn tự viết ra chương trình xem ti vi hằng tuần.
Tiến sĩ cũng nhận xét, các bà mẹ thời nay vừa phải chăm con và làm việc, công việc bận rộn khiến cách trao đổi với con cái như cái máy nhắc nhở. Cô khuyên Maria hãy học cách trao đổi với con gái như cách của chồng cô hay làm. Đàn ông thường không bị điên tiết với các việc như gội đầu hay cách ăn mặc, vì thế cách nhắc nhở của họ sẽ dễ nghe hơn.
Cuối cùng, tiến sĩ đề nghị Maria hãy dành thời gian riêng cho từng bé. Khi hai con ngồi sau xe cãi nhau và mẹ thì không để ý do bận lái xe, điều này sẽ càng làm cho chúng dễ cáu hơn. Nhưng khi chỉ có Sophia sau xe, cô bé sẽ kể cho bạn nghe những điều bé quan sát, khi đó, bạn chỉ cần dẫn dắt: “thú vị thật, con kể cho mẹ xem nào”. Cô bé sẽ thích thú nói chuyện với mẹ mà không bị em Rosie chen vào. Maria xúc động khi nghe lời khuyên này vì cô nhận ra các con rất đáng yêu khi có được sự quan tâm chú ý trọn vẹn của mẹ mà không phải chia sẻ cho ai hết. Cô tự nhủ cô phải dành thêm nhiều thời gian cho riêng từng bé.
Với con trai
Anna Tyzack có ba con trai: Hector năm tuổi, Alfie bốn tuổi và Horatio hai tuổi. Tiến sĩ Mogel có lời khuyên như sau: “Bé trai phát triển ngôn ngữ chậm hơn bé gái, nên bạn cần nói những câu ngắn gọn, to và rõ ràng”.
Anna không có vấn đề gì với việc nói to, nhưng để chúng nghe lời và làm theo, đặc biệt là bé út thì thật khó, vì bé luôn nói “không, con không thích”. Tiến sĩ Mogel khuyên rằng: hãy đặt bé vào vị trí là đồng minh của mẹ, ví dụ như khi mẹ muốn bé dọn đồ chơi, hãy hỏi: “cái khối màu xanh mình đặt ở đâu nè?”. Hãy cho bé biết chương trình trong ngày, “hôm nay, mình sẽ đi chợ mua thức ăn và bánh quy, mẹ có thể cho con một cái”. Trẻ con dễ bị chán với việc lặp đi lặp lại, khi bé từ chối ngồi vào xe đẩy nơi công cộng, hãy làm bé mất tập trung bằng các hình ảnh vui tươi thay vì la mắng hay áp đặt bé.
Với Hector, Anna cần quan tâm đến việc bé luôn ý thức mình là anh cả, cô dành nhiều thời gian cho bé hơn, không nói “không” trực tiếp khi bé cằn nhằn và không ra thời hạn khi giao việc cho bé. Điển hình khi gia đình đi du lịch, cô đã để cho bé bơi thỏa thích, sau đó cả nhà chơi trò chơi, rồi bé lại thích bơi tiếp. Khi được thỏa mãn, bé không còn cằn nhằn nữa và chơi vui vẻ với các em.
Một lời khuyên vô cùng hữu ích của tiến sĩ Mogel là cha mẹ đừng bị kích động khi bé cư xử không đúng. Khi bé ăn vạ trong siêu thị, hãy giả vờ xem bé là cháu của mình hay con người hàng xóm. Lời khuyên đơn giản nhưng đã giúp Anna cũng như các bà mẹ hay nổi điên và la mắng đủ bình tĩnh để giải quyết các vấn đề với con trẻ.
Phan Quỳnh Dao