Làm thế nào để bảo vệ trẻ trước ma trận chất gây nghiện?

09/05/2023 - 06:22

PNO - Bằng cách “núp bóng” dưới muôn hình vạn trạng loại thực phẩm, từ đồ uống đến bánh kẹo, ma túy đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình. Đáng báo động là tình trạng đã có nhiều trẻ phải nhập viện, nguy hiểm tính mạng vì ăn phải những chiếc bánh “lạ” tẩm chất gây nghiện.

 

Bệnh nhi được chăm sóc tại Khoa Cấp cứu và Chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương. Đơn vị này thời gian qua đã tiếp nhận, điều trị nhiều bệnh nhi cấp cứu vì ăn phải bánh “lạ” - ẢNH: H.A.
Bệnh nhi được chăm sóc tại Khoa Cấp cứu và Chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương. Đơn vị này thời gian qua đã tiếp nhận, điều trị nhiều bệnh nhi cấp cứu vì ăn phải bánh “lạ” - Ảnh: H.A.

Hôn mê sau khi ăn “sô cô la bay”

Bé H.A.T. (5 tuổi), cùng cha mẹ trú tại một xóm trọ nhỏ ở Hà Nội. T. vốn có tiền sử sốt cao, co giật nhưng gần đây, sức khỏe của bé ổn định, không ho sốt. Một buổi chiều, khi đang chơi đùa cùng 2 bạn nhỏ cùng xóm, T. được một người hàng xóm mang cho một túi bánh có hình dáng giống bánh Chocopie.

Sau khi ăn bánh, T. bỗng nôn thốc nôn tháo, co giật và sau đó rơi vào hôn mê rất nhanh. T. được đưa đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2 tại Đông Anh) cấp cứu rồi chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương. 2 đứa trẻ còn lại cùng ăn bánh với T. cũng phải nhập viện nhưng tình trạng ổn hơn.

Tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Trung ương, T. nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, phụ thuộc thở máy, bóp bóng. Bệnh nhân cấu véo khó đáp ứng, đồng tử giãn và được chẩn đoán hôn mê sâu. Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tân Hùng - Phó trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc của bệnh viện - cho biết, các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí cấp cứu và khai thác tiền sử bệnh tật của bệnh nhi. Trên nền một trẻ khỏe mạnh nhưng đột ngột có các triệu chứng thần kinh, kèm theo 2 trường hợp khác cùng nhập viện sau khi ăn một loại bánh, các bác sĩ đã nghĩ tới khả năng ngộ độc thực phẩm có chứa ma túy.

Theo gia đình bệnh nhân, người hàng xóm cho biết số bánh anh mang về là từ phần còn lại sau bữa liên hoan của công ty. Sau khi trẻ hồi phục, Bệnh viện Nhi Trung ương đã thông báo cho cơ quan công an vào cuộc. Kết quả kiểm nghiệm mẫu bánh đã phát hiện có chứa loại ma túy mới, mà giới “dân chơi” hay gọi là bánh “sô cô la bay”.

Trường hợp của bé T. chỉ là một trong những trẻ phải nhập viện cấp cứu do ăn phải những chiếc bánh “lạ” được tẩm chất gây nghiện mà Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận trong thời gian qua. Bác sĩ Nguyễn Tân Hùng cũng cho hay, cách nay gần 2 tháng, đơn vị này từng tiếp nhận một bệnh nhi 16 tháng tuổi ở Hà Nội.

Do còn nhỏ, trẻ chưa đi học nên gia đình có người giúp việc trông 24/24 giờ. Sau bữa ăn trưa, trẻ được người giúp việc bế đi quanh nhà. Vô tình, người giúp việc thấy có một chiếc bánh có hình dáng giống như bánh chả đã ăn một nửa, nên đã lấy cho em bé ăn. Ăn xong, trẻ đi ngủ hơn 1 tiếng thì có biểu hiện lơ mơ, mắt nhắm nghiền, gọi lay không tỉnh nên được đưa tới Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. 

Tại đây, trẻ lơ mơ tri giác, nhưng tuần hoàn và nhịp tim ổn định. Các bác sĩ xử trí cấp cứu, sau hơn 12 giờ, bệnh nhi đã tỉnh táo. Gia đình bệnh nhi cho hay, chiếc bánh “lạ” mà trẻ ăn được một người bạn gửi tới cho và nghi ngờ có chứa cần sa.

Hình ảnh một số loại ma túy “núp bóng” thực phẩm
Hình ảnh một số loại ma túy “núp bóng” thực phẩm

Không cho trẻ nhỏ ăn bánh lạ, tăng cường  giáo dục trẻ nhóm lớn 

Theo bác sĩ Nguyễn Tân Hùng, gần đây, thị trường “chất gây nghiện” đang ngày càng đa dạng với đủ chủng loại núp bóng thực phẩm như kẹo viên, kẹo sô cô la, kẹo xoài, kẹo mút tẩm cần sa, bánh quy… Tình trạng này đã làm gia tăng nguy cơ trẻ tiếp xúc và ngộ độc với các loại ma túy.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) - cũng bày tỏ sự lo lắng trước thực trạng này. Tại Bệnh viện Bạch Mai, không chỉ có các trường hợp bệnh nhân ăn phải bánh kẹo “lạ”, đơn vị này còn tiếp nhận trường hợp nhập viện vì nghi ăn phải bỏng ngô có chứa ma túy.

Theo đó, một người phụ nữ ở Hà Nội sau khi ăn bỏng ngô do con trai mua trên mạng đã hoa mắt, chóng mặt, nôn ra thức ăn, sau đó lơ mơ… Kết quả kiểm nghiệm nước tiểu của bệnh nhân phát hiện THC - một chất chính có trong cần sa. Hay mới đây, Công an TP Hà Nội cũng đã cảnh báo về loại “nước vui” có chứa ma túy dưới dạng đồ uống đóng chai.

Các chuyên gia cho hay, năm 2021, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống ma túy, trong đó đưa ra khái niệm chất ma túy là các chất gây nghiện, hướng thần được quy định trong danh mục do Chính phủ ban hành. Số lượng danh mục tiền chất ma túy tăng lên hằng năm. Hiện có hơn 600 loại ma túy và tiền chất trong danh mục này.

Dù vậy, trên thực tế, với ma túy tổng hợp, chỉ cần thay đổi nhỏ về liều lượng, hoạt chất là đã có thể tạo ra một loại chất gây nghiện mới. Đây cũng là lý do khiến nhiều loại ma túy không dễ dàng phát hiện. Các phòng xét nghiệm hiện đại chưa kịp nghiên cứu tìm ra cách “vạch mặt, chỉ tên” để đưa vào danh sách cấm thì đã có các loại chất gây nghiện mới xuất hiện. 

Bác sĩ Nguyễn Tân Hùng cho hay có 2 nhóm trẻ ngộ độc ma túy theo hướng khác nhau. Trong đó, nhóm trẻ lớn ở tuổi dậy thì thường có xu hướng khẳng định bản thân, dễ kích động nên muốn trải nghiệm và thể hiện bản lĩnh. Các triệu chứng thường gặp ở trẻ lớn có thể từ thoáng qua cho tới nặng. Chưa kể, trẻ thường có xu hướng giấu bệnh để tránh sự phát hiện của gia đình.

Với nhóm trẻ nhỏ, hầu hết việc ăn, uống phải thực phẩm có chứa ma túy là do vô tình. Biểu hiện bệnh của nhóm này thường nặng hơn. Các bệnh nhân thường có các biểu hiện ngộ độc xảy ra đột ngột, có rối loạn ý thức từ nhẹ tới nặng như hôn mê sâu, ảo giác, lơ mơ… hoặc có triệu chứng tim mạch tăng nhịp tim, huyết áp. Trẻ cũng có thể bị tác động tới đường hô hấp như kích thích, thở nhanh, ngừng thở. Một số triệu chứng khác đi kèm thường thấy là nôn, đi ngoài, đau bụng…

“Nếu thấy những biểu hiện trên, gia đình cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế để thăm khám. Ma túy đặc biệt nguy hiểm với nhóm trẻ nhỏ bởi các triệu chứng lâm sàng nặng hơn”, bác sĩ Nguyễn Tân Hùng khuyến cáo.

Nước cười, một loại đồ uống có ma túy
Nước cười, một loại đồ uống có ma túy

Do đó, các gia đình cần hết sức chú ý, không để trẻ ăn phải các thực phẩm lạ. Đặc biệt, trong các gia đình có người sử dụng, tàng trữ thuốc nghi ngờ ma túy, thuốc an thần… đều phải để xa tầm với, tránh cho trẻ tiếp xúc. Đối với nhóm trẻ lớn, cần tăng cường giáo dục ở nhà trường, xã hội và gia đình về tác hại của ma túy. Ngoài các triệu chứng cấp tính, trẻ có thể chịu các tổn thương mạn tính, gây hậu quả nặng nề về sức khỏe và tinh thần, tâm sinh lý sau này. 

Phụ huynh lo vì thực phẩm “lạ” tiếp cận học sinh

Tháng Tư vừa qua, Trường tiểu học Gia Quất (Long Biên, Hà Nội) đã phát đi cảnh báo tới phụ huynh về việc thực phẩm “lạ” đang tiếp cận học sinh. Theo nhà trường, một học sinh lớp Bốn khi đi học từ nhà đến trường đã gặp một thanh niên lạ mặt đeo khẩu trang. Thanh niên này mời học sinh uống nước nhưng em từ chối.

Tuy nhiên, người lạ mặt này vẫn cố đi theo khiến học sinh vung tay làm đổ cốc nước và chạy đi luôn. Trước sự việc này, nhà trường lập tức có tin nhắn để cảnh báo phụ huynh, đồng thời quán triệt học sinh không nhận bất cứ thứ gì từ người lạ. 

Gần thời điểm với vụ việc trên, nhiều phụ huynh trên địa bàn quận Long Biên cũng xôn xao vì thông tin có trẻ ngộ độc sau khi dùng “đồ lạ” được tặng gần trường học. Chị T.L. có con học tại Trường THCS Ái Mộ (quận Long Biên) cho biết đã nhận được thông tin từ giáo viên chủ nhiệm về vụ việc xảy ra tại Trường THCS Giang Biên.

Theo đó, vào sáng sớm, gần cổng trường có một nhóm người lạ đến tặng cho học sinh các gói trà đào trân châu. Sau khi số học sinh này pha uống thì có một học sinh bị đau bụng. “Với rất nhiều vụ việc xảy ra gần đây, phụ huynh không khỏi lo lắng vì ngoài nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, hoàn toàn có khả năng các chất ma túy đang tìm cách len lỏi vào trường học”, chị T.L. chia sẻ.

Tăng cường kiểm soát ma túy trên các kênh bán hàng trực tuyến

Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long đánh giá vấn đề đưa ma túy vào thực phẩm, đặc biệt là những thực phẩm được giới trẻ, học sinh, sinh viên yêu thích đang trở thành vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội. Do đó, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (diễn ra từ ngày 15/4 - 15/5) và các hoạt động kiểm tra khác trong năm, Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh cơ quan chức năng của các địa phương cần có kế hoạch kiểm soát chặt chẽ hơn nữa thực trạng đưa ma túy vào thực phẩm, trong đó tập trung vào hình thức kinh doanh, bán hàng trực tuyến.

 Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI