Làm thầy sao không sẵn lòng tha thứ?

13/12/2018 - 07:23

PNO - Lẽ nào những người làm cha, làm mẹ lại không thể ôm con vào lòng vì con bị điểm xấu, vì con ngỗ nghịch ở trường? Lẽ nào chúng ta, những người làm thầy lại không sẵn lòng tha thứ, khoan dung trước lỗi lầm của học trò?

Liên tiếp nhiều vụ bạo hành học sinh với số lượng cái tát gây bàng hoàng cả nước. Cái tát nào là dạy dỗ? Đòn roi nào là khuyên răn? Tuyệt nhiên không, dù trong môi trường lẽ ra phải đầy ắp tình người, lẽ ra chỉ có sự yêu thương, bảo ban và luôn kề bên khi các trò phạm lỗi…

Dạy học, với trọng trách thiêng liêng: ươm những mầm măng nên lũy, nên thành nhưng giờ thì những chồi non ấy bị hành hạ oằn mình trong ngơ ngác, tan tác trong mơ hồ. Bởi chính những đứa trẻ ấy cũng không hiểu vì sao…

Lam thay sao khong san long tha thu?
Chỉ vì bức xúc em K. hay ngịch, thiếu tập trung, cô Cái Thị Vui, chủ nhiệm lớp 1/5 Trường Tiểu học Bình Hữu (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đã đánh em K. bầm mình

Vì áp lực? Thành tích? Điểm số hay thi đua của lớp? Không lý do nào có thể biện hộ cho hành động như vậy. Chúng ta, với tư cách là giáo viên, có mấy ai dám góp ý thẳng thắn, chân thành với lãnh đạo trước những điều chưa chuẩn ở họ? Có mấy ai dám bỏ qua những hồ sơ sổ sách rườm rà, thậm chí là vô nghĩa để vì một sự nghiệp trồng người đích thực?

Và còn nhiều, những vụn vặt đời thường, chúng ta cam chịu, nhẫn nhịn, để chạy theo những con số đẹp, những báo cáo trên cả tuyệt vời, những sáng kiến kinh nghiệm đến mức kinh ngạc… Để rồi cuối cùng, chúng ta quên, mình là một hình mẫu sinh động nhất cho việc giảng dạy. Chúng ta cũng quên, trọng trách của nghề là ươm mầm, gieo hạt. Chúng ta đã làm những điều mà hối hận cả đời cũng không đủ. Đó là tàn phá tâm hồn trẻ thơ, tuổi mà chúng ta cũng có những ký ức thật tuyệt vời… 

Trẻ con được quyền sai, được quyền phạm lỗi, được quyền không biết chỗ này, không hiểu chỗ kia… Thế mới là non nớt, thế mới cần cha mẹ, thầy cô và tất cả những người trưởng thành tử tế dẫn dắt nên người, để rồi sóng sau mới xô được sóng trước, để con hơn cha, trò hơn thầy, để nhà có phúc, để hiền tài là nguyên khí của quốc gia… 

Lẽ nào chúng ta, những người làm cha, làm mẹ lại không thể ôm con vào lòng vì con bị điểm xấu, vì con ngỗ nghịch ở trường? Lẽ nào chúng ta, những người làm thầy lại không sẵn lòng tha thứ, khoan dung trước những lỗi lầm của học trò?

Bao dung không có nghĩa là bao che. Với lòng bao dung, ta sẽ gần và hiểu các con hơn bao giờ hết. Khi ấy, chỉ cần một ánh nhìn, đôi khi lại là một bài học thấm hơn mọi lời, hiệu quả hơn mọi đòn roi… 

Hơn bất kỳ ai, con trẻ luôn khao khát được thỏa sức vẫy vùng, khám phá, phát triển, sửa chữa những sai lầm và hoàn thiện nhân cách trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, thầy cô và những tấm lòng tử tế.

Trần Quang Huy (giáo viên Trường THPT Thủ Thiêm - TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI