Lâm tặc hồi tâm, thành người tiên phong bảo vệ rừng

05/07/2021 - 07:27

PNO - Vừa luồn lách ngoài thực địa, Lương Văn Kính vừa đến từng nhà thuyết phục bà con ngừng xâm hại rừng già dù bị hăm dọa, hành hung.

Mười hai tuổi, “lão” đã vào rừng săn thú, sau đó còn nhảy sang buôn gỗ. Đùng một cái, bà con thấy “lão” bỏ buôn gỗ, buông súng săn, quay sang truy quét mọi loại bẫy thú khắp các cánh rừng. 

Vừa luồn lách ngoài thực địa, “lão” vừa đến từng nhà thuyết phục bà con ngừng xâm hại rừng già dù bị hăm dọa, hành hung. “Lão” là cách gọi thân mật của đồng nghiệp trong nhóm “Bảo tồn cộng đồng” và cán bộ của Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát dành cho Lương Văn Kính.

Anh Lương Văn Kính (đội mũ) trong một chuyến đi rừng cùng nhóm “Bảo tồn cộng đồng” của Vườn Quốc gia Pù Mát
Anh Lương Văn Kính (đội mũ) trong một chuyến đi rừng cùng nhóm “Bảo tồn cộng đồng” của Vườn Quốc gia Pù Mát

Vào rừng dựng lán, tự cai ma túy

Sinh năm 1977, người Thái, nhưng anh Kính lớn lên ở bản của người Đan Lai - bản Khe Bu, xã Châu Khê, H.Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Những năm 1980, kinh tế chung còn khó khăn, bà con miền núi sống dựa hoàn toàn vào núi rừng một cách thụ động. Kính cũng được cắp sách tới trường, nhưng bố mẹ bảo học vừa vừa thôi, còn phải lên nương làm giúp bố mẹ, nuôi các em. “Vì thế nên hết lớp 2 là đã ra trường rồi” - anh Kính tếu táo kể.

Ngày đó, gia đình anh Kính sống giữa rừng, phải phá rừng làm nương, làm rẫy, hái rau dại từ rừng, săn bắt động vật rừng để có cái ăn hằng ngày. 12 tuổi, anh Kính gia nhập “đội quân” săn thú của bản, gặp con nào là bắn con đó, con to như nai, lợn rừng thì kêu cả bản, cả khóm chia nhau. Thời ấy, rừng còn đầy thú, cả voi, cọp, bò tót… Thời đó, người ta chỉ săn bằng súng, bằng nỏ chứ không dùng bẫy nhiều như sau này. 

Anh Kính rùng mình nhớ lại: “Khoảng năm 1985-1986, nạn bắn giết thú dã man lắm, nhưng không thấy ai nhắc nhở, cấm đoán. Đến khi tôi biết đi săn, thú rừng vẫn còn nhiều, năm 2010 cũng còn tương đối. Hồi đó, bắn được thú rừng chỉ để ăn thôi chứ không bán. Sau này, thương lái thu mua nhiều nên bà con thi nhau đi bẫy, cứ 40-50m là thấy một con thú dính bẫy”.

Nhóm “Bảo tồn cộng đồng” giải cứu một chú khỉ bị dính bẫy
Nhóm “Bảo tồn cộng đồng” giải cứu một chú khỉ bị dính bẫy

Im lặng một lúc lâu, anh Kính kể tiếp: “Tôi không bao giờ quên những lần bắn được vượn. Bắn con mẹ thì cứ 30 phút là thấy một con nhỏ nhảy quanh. Vượn con đi tìm mẹ nên vấn đề là mình có muốn để lại hay bắn tiếp, chứ bắn hết cả đàn thì rất dễ. Con vượn chết rồi, mang cạo hết lông, trông như xác người. Vượn hay gấu, chúng tôi đều luộc lên ăn”.

Vừa săn bắn, Kính vừa trở thành một kiểu “đại ca” của cả vùng. Từng có thời gian nghiện ma túy nặng, nhưng Kính quyết tâm tự dựng một cái lán sâu trong rừng Pù Mát, cách Khe Bu cả một ngày đường để tự cai. Mỗi lần chuẩn bị lên cơn nghiện, anh tự trói mình lại, lúc tỉnh táo thì đào ao nuôi cá. Hết nghiện, Kính đi làm gỗ, nói chính xác là lâm tặc, từng nhiều lần dùng bè đưa gỗ vượt trạm kiểm lâm của VQG Pù Mát. 

Gỡ bẫy, vận động giao nộp súng săn

Bốn năm trước, trong một lần vượt trạm, Kính gặp ông Lưu Trung Kiên, nay là Phó giám đốc VQG Pù Mát. Đến tận bây giờ, anh vẫn nghĩ lần gặp đó là định mệnh của đời mình. Lâm tặc đối diện với cán bộ kiểm lâm, nhưng chỉ thấy cán bộ rủ rỉ nói chuyện, phân tích đúng sai rồi động viên. Dần dần, anh Kính nhận ra mình đã sai lầm quá nhiều. Và anh quyết định bỏ “nghề” lâm tặc. 

Có lúc, anh tâm sự rất thật: “Sau này, chắc thấy tôi là thợ săn tàn khốc quá nên cán bộ của các tổ chức bảo tồn tìm đến làm quen và rủ đi… bảo vệ rừng. Nghe đề nghị đó, tôi rất bất ngờ”. Anh Kính bảo, ban đầu, anh nhận lời đi thử vì tò mò, nhưng đến khi “đi với chú Hùng - cán bộ của VQG Pù Mát - nghe chú nói, thấy chú làm, tôi dần dần hiểu mình không chỉ sai khi đẵn gỗ phá rừng mà quá nhẫn tâm khi săn bắt thú”.

Khi làm người dẫn đường cho cán bộ VQG Pù Mát, cho các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã, anh Kính nói: “Các chú cho tôi đi theo với, để tôi có cơ hội chuộc tội với rừng”. Thấy gã thợ săn kiêm lâm tặc khét tiếng “hồi đầu thị ngạn”, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife) đã đồng ý để anh Kính tham gia công tác bảo tồn. Anh Kính cùng cán bộ trung tâm đi giải cứu thú rừng khỏi các bẫy rồi chăm sóc chúng. Anh còn cùng kiểm lâm đi vận động bà con giao nộp súng săn, tuyên truyền, vận động bà con không phá rừng, không săn bắn, bẫy thú.

Công việc mới của anh Kính đi ngược đường với cả bản, cả xã - nơi mà hầu hết bà con còn săn bắt, hái lượm, khai thác rừng triệt để vì miếng cơm, manh áo hằng ngày. Có lần, cuối năm 2017, anh Kính và anh Ngọc Anh - cán bộ Trạm Quản lý Bảo vệ rừng Khe Bu (VQG Pù Mát) - đi hai ngày trong rừng thì nghe loáng thoáng tiếng người. Anh Kính đoán nhóm người này có súng và đã sát hại động vật. Đến nơi, anh thấy đúng là họ đang nhậu, ba khẩu súng dựng ở gốc cây, thú rừng bị bắt và một số đã bị làm mồi nhắm rượu. Anh Kính xách mấy khẩu súng mang ra ngoài nhúng nước. Đám thợ săn hỏi “mi có quyền chi mà mần rứa” rồi định đánh anh Kính. 

Anh Kính nhớ lại: “Tôi nói chừ tôi là thành viên của đội tuần tra rừng rồi, mong các anh, các chú thông cảm. Trước họ chưa cấm thì ta săn bắt vô tư, nhưng giờ động vật hiếm lắm, có những loài nỏ (chẳng) còn nữa mô (đâu). Ta về đi làm nghề khác thì mới có thu nhập đều chớ cứ đi rừng như ri (thế này), cả tháng trời mới gùi được ít đồ về, ở nhà vợ con ăn cái chi? Động viên mãi, họ cũng chống lại mãi. Có ông còn nói: “Thằng Kính được lắm. Lúc về, ra Khe Choang, tau sẽ phục kích, đập (đánh) mi”. Họ nói vậy nhưng trên đường về, hình như cũng hiểu, nên tôi ra Khe Choang mà nỏ hề hấn chi”.

Một cán bộ bảo tồn kể: “Lão gỡ hết bẫy của bà con. Nếu không từng là “đại ca” thì có lẽ lão đã bị hội đặt bẫy trong bản, trong xã “nện” rồi”. Và cũng chính từ kinh nghiệm săn bắn thú rừng của mình, “lão” đã hướng dẫn các tổ chức bảo tồn cách tìm phá các bẫy thú. Ví như, người đi săn thường dựng lán gần những khe suối nhỏ để tiện sinh hoạt. Nếu đi dọc suối mà thấy có rác, nước lại đục, bẩn thì chắc chắn phía trên có lán dựng trái phép trong rừng đặc dụng. Có khi, chỉ cần nhìn dấu chân người, nhìn các cành lá gãy hoặc rạp đi, thậm chí chỉ cần ngửi mùi khói, “lão” cũng biết phía trước là gì. 

Đi vận động, tuyên truyền, “lão” nói thẳng với bà con: “Cứ đi săn trong VQG thì sớm hay muộn cũng chẳng thoát án tù đâu”. Có những người rắn mặt, thấy anh Kính và cán bộ bảo tồn đi phá hủy lán trại, gỡ bẫy là dọa bắn, dọa đập. Chứng kiến cảnh đó, anh Kính nói đau lòng, bởi họ hôm nay cũng chính là hình ảnh của anh trong quá khứ. Và anh biết, họ chỉ đang nối dài tập quán vào rừng kiếm ăn. Niêu cơm của họ bị đập, họ nổi giận và chống lại là lẽ thường. Anh Kính buồn rầu: “Lỗi cũng một phần do chúng ta, trong đó có tôi”.

Nhưng cũng không ít người đã nói lời cảm ơn anh Kính vì nhờ anh, họ đã thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn tàn phá rừng mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Họ về xuôi làm công nhân hoặc ở nhà trồng chè, một tháng bán chè còn được nhiều tiền hơn đi rừng cả chục năm. Anh Kính tự hào: “Nghe họ nói rứa, tôi cảm ơn họ vì họ hiểu những gì tôi nói. Một người từng là thợ săn khét tiếng như tôi, nói để họ hiểu được và dừng tàn sát rừng thì còn niềm vui nào bằng”. 

Ngọc Minh Tâm

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI