Làm sống lại ngọn lửa hôn nhân

23/09/2016 - 16:43

PNO - Các chuyên gia về hôn nhân hay gọi các cách thức này là “những can thiệp”, còn người bình thường chỉ gọi là “các thay đổi”. Hãy thí nghiệm và điều chỉnh chúng cho phù hợp với nhu cầu của riêng gia đình bạn.

Các chuyên gia về hôn nhân hay gọi các cách thức này là “những can thiệp”, còn người bình thường chỉ gọi là “các thay đổi”. Dù bạn gọi chúng là gì, có một điều chắc chắn là những cách thức này rất hữu hiệu để làm sống lại cuộc hôn nhân đang trở nên nhàm chán.

Thẩm định tình cảm

Một trong những cách thức “thay đổi” đầu tiên trong quan hệ hôn nhân là “thẩm định tình cảm”. Cách thức này đưa bạn và bạn đời qua một trải nghiệm tưởng tượng, xem một bên thứ ba đánh giá thế nào về hành vi của họ. Bên thứ ba đó phải có cái nhìn trung lập nằm ngoài mối quan hệ của cặp đôi, nhưng có ý muốn tốt cho cả hai người.

Thí dụ điển hình nhất của bên thứ ba là một người bạn thân của gia đình hay một người họ hàng. Bạn cần tưởng tượn g xem nhân vật thứ ba này sẽ nghĩ gì về các mối xung đột mà bạn và vợ/ chồng của mình đang gặp phải, và cách xử lý sao cho hợp lý, công bằng cho cả hai bên.

Qua góc nhìn của người thứ ba, hãy xác định những trở ngại trong mối quan hệ của bạn. Sau đó, bạn sẽ ngồi lại và bàn bạc trong vòng 5 đến 10 phút về nguồn gốc của các xung đột trong mối quan hệ của mình.

Lam song lai ngon lua hon nhan

Bằng cách này, ta có thể đưa ra các nhận xét rất trung thực, không thiên vị về các bất đồng lớn nhất, đặc biệt là các ý kiến này dựa trên hành vi của nhau chứ không phải các suy nghĩ hay tình cảm.

Chẳng hạn, một người bạn chung của gia đình (nhân vật thứ ba) cho rằng việc người chồng uống say tại các bữa tiệc là không nên, vì nó làm anh mất tự chủ và làm bẽ mặt vợ mình, nhưng người bạn này đưa ra nhận xét cô vợ cũng không nên chì chiết chồng về việc này trước mặt mọi người. Cách thức thẩm định tình cảm này rất hiệu quả để bạn giải quyết các hiềm khích nhỏ nhặt hàng ngày.

Trở thành người lạ

Bạn có còn nhớ những ngày đầu của mối tình dẫn đến cuộc hôn nhân của mình? Khi đó, bạn và người tình của mình chắc vẫn còn xa lạ và đối xử với nhau “khách sáo” hơn. Sự “khách sáo” này khiến bạn có những cử chỉ, hành vi tốt nhất, cùng với một thái độ sốt sắng hơn để tìm hiểu đối tượng.

Khi khách sáo, bạn sẽ tìm cách tỏ ra mình đang chú ý tới lời người kia đang nói, dù thâm tâm không mấy thích thú. Bạn cũng sẽ không quên việc chào hỏi nhau một cách lịch thiệp, hay chăm chút bề ngoài khi xuất hiện trước mặt đối tượng.

Nhưng sau một thời gian dài, mối quan hệ trở nên thân quen hơn thì ta cũng trở nên thoải mái hơn, thậm chí là quá thoải mái, và thế là ta khoác lên một giọng điệu hời hợt hơn. Những câu chào hỏi kèm theo nụ cười giờ chỉ còn là cái gật đầu; cái nhìn tán tỉnh biến mất, cử chỉ ga-lăng như mở cửa cho vợ cũng chỉ còn là dĩ vãng.

Hiện tượng này là một trong những nguyên nhân chính làm mất đi “ngọn lửa” trong hôn nhân. Chúng tôi làm một thử nghiệm nhỏ với 30 cặp vợ chồng; kết quả cho thấy, nếu các cặp vợ chồng tìm cách cư xử với nhau lịch sự, khách sáo với thái độ tốt nhất trước mặt bạn đời sẽ khiến cuộc hôn nhân của họ vui vẻ hơn, nhưng kéo dài có thể gây cảm giác gò bó và giả tạo.

Ngược lại, việc liên tiếp xử sự với nhau quá hời hợt cũng khiến vợ/ chồng nhìn thấy vẻ “xấu xí” nhất của nhau. Tuy nhiên, các cặp vợ chồng cũng nên cho nhau cơ hội bộc lộ bản thân một cách chân thực. Có nghĩa là, bạn có thể có những ngày tự do thể hiện tâm trạng và ứng xử thoải mái, nhưng muốn giữ hạnh phúc lâu dài, hãy cư xử với nhau lịch sự hết sức có thể, dù phải có chút khách sáo, như người xưa vẫn nói “tương kính như tân”.

Bạn cũng có thể dành thời gian cùng đóng giả rằng cả hai là một cặp đôi mới gặp, vẫn còn tò mò và lạ lẫm với nhau, dù là tưởng tượng, nhưng điều này giúp vợ chồng cùng tìm hiểu, khám phá về nhau thêm lần nữa.

Gạt bỏ xao nhãng từ công nghệ

Trong một cuộc khảo sát được thực hiện với hai nhóm vợ chồng, sự có mặt của điện thoại (dù chỉ nằm trong tầm nhìn mà không được sử dụng) cũng sẽ làm giảm sự gần gũi và đồng cảm trong các cuộc nói chuyện giữa vợ và chồng. Ảnh hưởng này còn mạnh hơn đối với các cuộc nói chuyện thân mật, có ý nghĩa.

Khám phá này cho thấy: việc sử dụng liên tục các thiết bị công nghệ bao gồm điện thoại và máy tính làm suy yếu khả năng kết nối, cảm giác gần gũi, niềm tin và sự đồng cảm của các cặp đôi; chính các yếu tố này lại là then chốt cho “sức khỏe” của mối quan hệ hôn nhân.

Vì thế, khi vợ chồng bạn muốn có một cuộc nói chuyện, hãy bỏ hết điện thoại và máy tính sang một bên, dành hoàn toàn sự chú ý của mình cho người quan trọng nhất trong cuộc đời bạn. Email, mạng xã hội, tin nhắn... có thể chờ, việc giữ vững sự thân mật của hôn nhân có giá trị hơn.

Đây là những thủ thuật đơn giản và dễ áp dụng nhất để bạn tạo nên các ấn tượng tích cực cho cuộc hôn nhân của mình. Chúng không đòi hỏi bạn phải rèn luyện một kỹ năng gì phức tạp hay sự can thiệp của chuyên gia mà chỉ cần bạn đem đến một thay đổi nhỏ trong cuộc hôn nhân. Hãy thí nghiệm và điều chỉnh chúng cho phù hợp với nhu cầu của riêng gia đình bạn.

Chuyên gia tâm lý Trần Nguyên Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI